Về thăm ngôi chùa cổ nhất TP Hải Phòng

Chùa Mỹ Cụ được xem là ngôi chùa lâu đời nhất tại TP Thủy Nguyên, cũng như là một trong những ngôi chùa cổ nhất TP cảng Hải Phòng.

Chùa Mỹ Cụ còn có tên gọi khác là Linh Sơn, thuộc thôn Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ cũ, nay thuộc xã Quang Trung, TP Thủy Nguyên (Hải Phòng). Chùa có vị trí độc đáo với lưng nằm tựa vào núi đất nhỏ chạy dài, được gọi là “núi con rồng”, đặc biệt hai bên chùa còn có địa thế “hổ phục quy chầu”. Tổng thể của chùa được thiết kế theo 3 tầng, cao dần từ chân núi đi lên.

Toàn cảnh chùa Mỹ Cụ. Ảnh: Vĩnh Quân

Toàn cảnh chùa Mỹ Cụ. Ảnh: Vĩnh Quân

Xã Chính Mỹ, nơi từng là vùng đất được người Việt cổ khai phá từ thuở xa xưa, đã hình thành nên cộng đồng làng xã qua quá trình khai sơn phá thạch, san gò lấp trũng. Trải qua hàng ngàn năm phát triển cùng với làng xã Việt Nam, nơi đây sở hữu một quần thể di tích lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng phong phú, gồm 5 đình, 5 chùa cùng nhiều đền, miếu cổ và các cơ sở thờ tự khác.

Vườn tháp cổ. Ảnh: Vĩnh Quân

Vườn tháp cổ. Ảnh: Vĩnh Quân

Theo thần phả và truyền miệng của người xưa thì chùa Linh Sơn in đậm dấu ấn các thời kỳ lịch sử: cổ đại, cận đại và hiện đại. Theo bút ký của Cố đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thì thân mẫu Lê Hoàn đã đến chùa Linh Sơn cầu tự, sinh ra Lê Hoàn - vị vua khai lập Triều Lê.

Chùa Mỹ Cụ đã tồn tại cách đây hơn 11 thế kỷ. Ảnh: Vĩnh Quân

Chùa Mỹ Cụ đã tồn tại cách đây hơn 11 thế kỷ. Ảnh: Vĩnh Quân

Tương truyền rằng, ngày xưa song thân của vua Lê Đại Hành đã đến ngôi chùa này để cầu tự, sau đó sinh ra được ngài - vị vua đã thay thế nhà Đinh mở ra triều Lê với những dấu ấn đặc biệt quan trọng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Gian chính cung tại chùa. Ảnh: Vĩnh Quân

Gian chính cung tại chùa. Ảnh: Vĩnh Quân

Ngoài gắn liền với câu chuyện dân gian trên, trên mảnh đất tại chùa Mỹ Cụ này còn là nơi mà Tuệ Trung Thượng Sỹ - thầy dạy của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam - Phật hoàng Trần Nhân Tông, là nhà thiền học bậc thầy của thiền tông Việt Nam, người thầy của Trúc Lâm sơ tổ cách đây 700 năm đã về đây lập tịnh thất tại thái ấp Dưỡng Chân (ngày nay là xã Quang Trung), an nhàn sống cuộc sống ẩn dật thanh cao và cho đến tận nay.

Nóc thờ của ngôi chùa cổ. Ảnh: Vĩnh Quân

Nóc thờ của ngôi chùa cổ. Ảnh: Vĩnh Quân

Tại chùa Mỹ Cụ vẫn còn lại dấu vết tĩnh thất Dưỡng Chân của ngài, cùng một số dấu tích đặc biệt khác như cánh đồng Trang học, giếng đá, cầu rửa... Đặc biệt, chùa Mỹ Cụ còn là cơ sở của nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa nông dân do Trần Cao đứng lên lãnh đạo, góp phần làm sụp đổ hệ thống chính trị thời Lê Sơ mà dẫn đến sự ra đời của triều đại nhà Lý.

Ảnh: Vĩnh Quân

Ảnh: Vĩnh Quân

Không chỉ gắn liền với lịch sử phong kiến, Chùa Mỹ Cụ còn là một địa điểm dấu ấn trong lịch sử kháng chiến giai đoạn 1930-1945. Chùa Mỹ Cụ là địa điểm hoạt động của các sư tăng yêu nước họp bàn công việc, tham gia chiến khu và đến giai đoạn năm 1945, chùa Mỹ Cụ trở thành trụ sở cách mạng của xã Chính Mỹ.

Ảnh: Vĩnh Quân

Ảnh: Vĩnh Quân

Theo lời kể của các cụ trong làng, vào những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, một số vị sư trong chùa đã lên đường tham gia kháng chiến. Chính vì thế trong vườn chùa hiện nay có khu tưởng niệm dành cho các nhà sư đã có công với kháng chiến chống Pháp.

Ảnh: Vĩnh Quân

Ảnh: Vĩnh Quân

Hàng năm cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, chùa Mỹ Cụ sẽ mở hội có truyền thống từ rất lâu đời, trải qua nhiều thế hệ được duy trì liên tục dù trong điều kiện chiến tranh.

Chùa nằm theo thế ngũ linh: phụng, long, quy, hổ, tượng. Ảnh: Vĩnh Quân

Chùa nằm theo thế ngũ linh: phụng, long, quy, hổ, tượng. Ảnh: Vĩnh Quân

Chùa Mỹ Cụ nằm theo thế ngũ linh: phụng, long, quy, hổ, tượng. Theo thứ tự từ chân đến lưng chừng núi, chùa được sắp xếp theo thứ tự: thượng, trung, hạ. Xung quanh chùa là rừng cây rậm rạp với những cây thông, tùng, bách; phía trước là vườn cây ăn quả, chủ yếu là vải, nhãn. Theo đại đức trụ trì tại chùa, những cây cổ thụ bao quanh chùa cùng với vườn cây ăn quả tại đây cũng hàng trăm tuổi.

Chùa có nhiều bức tượng độc đáo. Ảnh: Vĩnh Quân

Chùa có nhiều bức tượng độc đáo. Ảnh: Vĩnh Quân

Ngoài ra, chùa Mỹ Cụ còn có dấu ấn đặc biệt với các bức tượng Phật, độc đáo nhất là tượng Phật A Di Đà cao 2.3m, đường kính tòa sen 1.4m được tạc bằng thân gỗ lim mọc trong chùa, chính vì thế pho tượng này rất chắc chắn, không thể di chuyển được.

Vườn chùa nhìn vô cùng cổ kính. Ảnh: Vĩnh Quân

Vườn chùa nhìn vô cùng cổ kính. Ảnh: Vĩnh Quân

Ấn tượng nhất trong chùa là các bức tượng Phật. Tổng cộng các tượng pháp trong chùa gồm 27 pho tượng, tạc bằng gỗ, đúc bằng đồng… Dưới chân núi, phía trước tiền đường là vườn tháp cổ gồm có 2 tháp bằng đá, 8 tháp xây gạch. Trong chùa còn một số bia cổ ghi lại các lần trùng tu, tôn tạo, cây thạch trụ bằng đá niên hiệu Chính Hòa (1680- 1705), quả chuông đồng niên hiệu Minh Mạng năm 1836…

Ngôi chùa được trùng tu để xứng tầm lịch sử. Ảnh: Vĩnh Quân

Ngôi chùa được trùng tu để xứng tầm lịch sử. Ảnh: Vĩnh Quân

Sau những biến động, thăng trầm, dấu ấn của ngôi chùa không hề bị mai một mà ngày càng được tu bổ, trùng tu để xứng tầm với lịch sử.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ve-tham-ngoi-chua-co-nhat-tp-hai-phong.html