Về thăm xứ nhãn lồng
Phải đến 7-8 năm tôi mới về Tân Dân. Thực tình cũng phải có cú điện thoại 'mắng' của ông Thi thì tôi mới về. Tối hôm trước, ông Thi gọi điện, nói 'Mày lâu lắm không về. Mai là ngày giỗ cụ Tuấn'. Mới chỉ nghe đến thế, tôi đã vội nói luôn 'Mai tao sẽ về. Chắc chắn đấy'.
Hồi nửa cuối những năm 60 và cuối năm 1972 gia đình tôi có sơ tán về Tân Dân. Ở nhờ nhà dân lâu ngày nên tình cảm trở nên thân thích. Các anh chị em nhà tôi với anh chị em nhà ông Thi thì cứ ai hơn tuổi là anh, ai nhỏ hơn là em. Tôi với ông Thi bằng tuổi nên hai thằng cứ mày tao chí tớ. Phải nói rằng đó là những năm tháng tuyệt vời.
Tôi phóng xe về Tân Dân từ sớm. Qua khu đô thị Ecopark, đến ngã tư thị trấn Văn Giang thì bon thẳng theo đường ĐT379, đó là một con đường mới mở nối thông Hà Nội với thành phố Hưng Yên, dĩ nhiên đường chạy qua huyện Văn Giang và huyện Khoái Châu. Dọc hai bên đường xanh mướt những vườn cây. Cây cảnh có, rau xanh có và cây ăn quả cũng bạt ngàn.
Đón tôi ngay đầu ngõ, ông Thi cười “Cũng phải thế chứ. Mày về dịp này đúng nhãn bắt đầu xuống nước đấy”. Nói rồi ông Thi quay đầu bên trái, ngoái đầu bên phải “Mày có thấy gì không?”. Tôi cũng làm theo những động tác của ông Thi, mũi hin hít “Thấy nắng thơm mùi nhãn chín”. Ông Thi lại cười “Hóa ra mày vẫn chưa quên cái mùi quê nhà”.
Từ ký ức tinh nghịch tuổi thơ
Số là sắp đến mùa nhãn chín. ÂÉ̈y là vào tháng 7 ta, nhãn lồng chín thơm phưng phức, lan lan trong từng ngõ nhỏ, lan cả vào giấc ngủ ban trưa. Thứ mùi ngòn ngọt thực sự kích thích khứu giác của những thằng trẻ con như lũ chúng tôi.
Tôi nhớ mùa nhãn lồng năm ấy Tôi học xong cấp 1, đỗ vào cấp 2 nên mẹ tôi cạy cục nhờ vả cô mậu dịch viên có chút họ hàng xa để mua cho tôi chiếc áo may ô ba lỗ màu trắng phau. Đợi trời vào tối lũ chúng tôi trèo tót lên cây nhanh như sóc và lặng im như thóc. Lỗi là tại thằng Thắng, nó bảo “Nhãn nhà bà Ký Toản chín rồi chúng mày ạ. Bọn mình trèo lên trộm nhãn đi”. Nghe cũng bùi tai nên cả bọn đồng ý ngay tắp lự. Nhà bà Ký Toản thuộc diện giàu có ở làng. Hồi Pháp thuộc, ông Toản làm phó ký cho sở dây thép Bắc Kỳ nên người làng mới gọi là ông Ký Toản, bà vợ cũng thơm lây, làng gọi luôn là bà Ký Toản.
Trời vào tối, bóng đêm là nơi trú ẩn tuyệt vời nhất cho “những thằng trộm nhãn”. Tôi giắt áo may ô mới tỉnh tình tinh vào trong quần đùi, lại cẩn thận buộc thêm một vòng dây chuối khô. Kéo lên kéo xuống không hề trễ tụt. Tốt rồi! tôi thầm reo trong họng và rồi chọn được cành chạc ba vững chãi. Nửa nằm nửa ngồi ở chỗ chạc ba ấy, tôi nhẹ nhàng và khéo léo bứt từng quả nhãn cho vội vào trong áo. Nhãn nhiều trĩu cành nên chẳng mấy chốc bụng tôi đã căng phồng những nhãn là nhãn.
Lại thật nhẹ nhàng, tôi tụt khỏi cây cùng mấy thằng phóng vội ra khỏi vườn nhà bà Ký Toản. Phen ấy bọn tôi thằng nào cũng trộm được nhiều nhãn. Hiển nhiên là tôi có nhiều nhất bởi vì tôi có “chỗ chứa” tuyệt vời. Ai dè, sáng hôm sau tôi bị một trận đòn. Chẳng là chiếc áo may ô ba lỗ mới tinh trắng nhường ấy đã bị thâm sì sì. Mẹ tôi giận lắm, bà gặng hỏi nguyên do, cuối cùng tôi đành nói thật. Mẹ dẫn tôi tới nhà bà Ký Toản để xin lỗi và xin đền. Bà Ký Toản, miệng còn nhai trầu, nhăn mặt nhìn chiếc áo cùng bộ mặt “đưa đám” của tôi mà cười đến rớt mấy vệt nước trầu.
Bà không mắng, không bắt đền, bảo “Các cháu muốn ăn nhãn thì phải trồng cây”. Bà còn nói thêm “Đợi bữa nào thu hoạch nhãn, bà sẽ cho chúng mày lên cây mót nhãn”. Đêm ấy tôi ngủ khá ngon, thấy mình lạc vào vườn nhãn sum sê quả chín. Tôi quờ tay định bứt chùm quả gần nhất đút vội vào mồm, miệng nhằn nhằn nhả hạt. Một cái tát nhẹ vào mặt “Mày mơ gì mà toàn nhỏ nước bọt vào mặt tao thế?”, tiếng thằng Thi mắng xối xả. Hóa ra tôi nằm mơ.
Có lần, lâu lắm rồi tôi hỏi mẹ tôi “Mẹ ơi! Sao lại gọi là nhãn lồng hả mẹ?”. Mẹ tôi cốc yêu vào cái trán dô bướng bỉnh của tôi rồi cười giải thích “Thời xa xưa, cây nhãn lồng được một người đem từ phương Bắc về trồng thử trên đất làng Hiến Nam thuộc “Thứ nhất kinh kỳ/ Thứ nhì Phố Hiến” (Phố Hiến xưa nay là thành phố Hưng Yên). Ai ngờ giống nhãn lại hợp đất, hợp tạng. Cây lớn nhanh và cho quả ngọt. Quan trên nghe tiếng, bắt người trồng nhãn dâng lên ăn thử. Thấy ngon ngọt quá, vị quan này bèn lệnh cấm không cho nhân giống và cấm luôn cả người trồng nhãn được ăn, đến mùa nhãn chín, quan quân về tận làng trông coi cẩn thận
Hô người làng trèo cây hái nhãn rồi xếp vào những chiếc lồng tre. Quan bảo “Để tiến vua”. Việc cho những túm nhãn chín vào lồng tre đúng là có lý. Quả nhãn được “thở” nên mang đi được xa, giữ được lâu và nhất là vận chuyển dễ dàng. Chữ “Nhãn lồng” chắc có lẽ ra đời từ chuyện chứa đựng ngày đó, lâu dần thành tên thứ đặc sản riêng có của Hưng Yên”.
Đến giấc mơ có thực
Nhãn lồng Hưng Yên bây giờ đã rộng thoáng hơn, nghĩa là cây nhãn lồng, giống nhãn lồng không còn bó hẹp trong vườn nhà ở làng Hiến Nam nữa. Khắp tỉnh Hưng Yên, cây nhãn lồng được trồng, được thâm canh đã có “quy củ” hơn. Xã Tân Dân thuộc huyện Khoái Châu. Vùng quê nghèo từng “đi vào ca dao” với câu ca buồn “Oai oái như Phủ Khoái xin tương”.
Giờ huyện Khoái Châu khác xa. Cảnh xưa ngay trong câu ca không không mấy ai còn nhớ. Một vùng đất nhờ sức người khai phá, cải tạo đã tốt tươi. Mươi năm trở lại đây, người Khoái Châu “chợt” nhận ra đất này cũng có thể trồng được những cây có giá trị cao được. Rồi cây nhãn lồng vốn gốc phố Hiến “theo cơn gió lành” đến với Khoái Châu. Thực ra theo đường chim bay thì từ Phố Hiến (Nơi có cây nhãn tổ và là đất nhãn lồng) về tới Khoái Châu cũng chỉ mươi mười lăm cây số. Cũng tại ngày xưa mấy ai nghĩ đến chuyện thấy người ta hay thì học. Cái lối “bo bo” sau lũy tre làng đã cản những ước mơ cùng sức người sức đất.
Từ khi đưa cây nhãn lồng về đất Khoái Châu thì mảnh đất này trở thành “quê hương thứ hai” của cây nhãn lồng. Nắng tháng 7 mới sớm ra đã chói chang, không khí oi nồng. Lâu lâu mới có một ngọn gió hiếm hoi đưa tới. Thoảng trong làn gió, mùi nhãn chín chợt làm dịu đi cái nắng hun người. Mùi nhãn chín phảng phất đâu đây khiến tôi rạo rực. Không đợi xong ấm nước vối đun sôi để nguội có thả chút đá lạnh uống cho mát họng, ông Thi đã đứng dậy “Mày còn nhớ thằng Thắng còi rủ mình đi vặt trộm nhãn nhà bà Ký Toản không?”.
Tôi cười trừ “Nhớ chứ”. “Nó bây giờ là “Vua nhãn lồng rồi. Mình qua nhà nó đi”. Nói rồi, chúng tôi đi luôn, mà cái nhà ông Thi này cũng “khiêm tốn”, ông không dẫn tôi đi thăm vườn nhãn nhà mình mà lại dẫn thẳng tôi tới vườn nhãn nhà ông Lê Đình Thắng, ở đội 12 (nhà ông Thi ở đội 16). May quá, ông Thắng có nhà, đó là một ngôi nhà 2 tầng xây dựng cách đây 10 năm nhưng cũng khá bề thế. Con đường bê tông vừa lối xe đi dẫn thẳng từ đường liên thôn tới tận cổng.
Ông Thi đánh tiếng gọi, biết là có bạn cũ về chơi nên ông Thẳng cười phớ lớ, ông đang dọn dẹp cát gạch ở căn nhà cũng 2 tầng vừa xây xong phần thô. Ông Thắng buông tay xẻng ra đón bạn, ông khoát tay chỉ một vòng “Vườn nhãn nhà tao đấy. Có chỉ chừng ấy thôi”.
Đó là một vườn nhãn rộng chừng 36.000m2 (gần 4ha) với khoảng 600 gốc nhãn (bao gồm đất nhà với đất thuê mướn lâu dài). Một vườn nhãn đã bắt đầu cho lứa quả chín đầu tiên, cành nào cành nấy sai trĩu trịt đến nỗi phải chống cho cành khỏi gẫy. Nhìn quang cảnh ấy ông Thắng cười tít mắt trước lời khen của tôi rồi ông cao hứng đọc câu thơ “tự tạo” của mình “Anh đưa em về/ Nắng thơm mùa nhãn chín/ Xôn xao cánh ong bay”.
Qua câu chuyện “nhà vườn” với nhau, ông Thắng cho biết “Hiện xã Tân Dân vào bất cứ nhà nào cũng thấy nhãn với nhãn. Cả làng đều trồng nhãn mà”. Nói rồi ông Thắng chiêu một ngụm nước chè, bắn một bi thuốc lào “Đã xa lắm rồi cái chuyện lội mương nước thối đen ngòm giặt đay hay ngồi còng lưng bện thảm bẹ ngô”.
Ban đầu chỉ là việc trồng thử của gia đình ông Thắng cách đây 20 năm rồi sau đó nhanh chóng lan ra khắp các đội, các thôn trong xã. Tôi hỏi luôn như sợ quên “Ông nói kỹ kỹ về nhãn vườn nhà mình đi”. Ông Thi nói đế vào “Thằng Thắng này có cây nhãn 90 tuổi đấy”. Nghe thấy quá hay tôi bèn đề nghị cho “thăm” cây nhãn cổ ấy. Ông Thắng lắc đầu “Đợi tròn 100 tuổi và thành cây “di sản”, tao mới cho mày “thăm” cây ấy. Giờ thì nghe tao nói đây”.
Câu chuyện của ông Thắng đi vào “thực chất” hơn. Ví dụ như gốc nhãn to mỗi vụ cho 1 tấn quả. Gốc nhỏ nhất thì cũng đạt 50kg”. Tôi nhẩm tính “600 gốc nhãn, gốc to bù gốc nhỏ. Vị chi mỗi vụ vườn nhãn nhà ông Thắng cho từ 80 đến 100 tấn/ha. Thu nhập tính sơ sơ cũng phải từ 1,5 tỷ/vụ trở lên.
Theo thống kê thì toàn tỉnh Hưng Yên có 3.820 ha nhãn lồng, riêng huyện Khoái Châu chiếm 50% diện tích (ngoài ra còn ở các huyện như: Kim Động, Tiên Lữ, Phủ Cừ và thành phố Hưng Yên). Khoái Châu trở thành “thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên” với tổng sản lượng ước chừng trên 48.000 tấn mỗi vụ. Cây nhãn lồng trở thành cây chủ lực của Khoái Châu, thành cây làm giàu cho nhiều gia đình. Nhiều hộ đã xây nhà khang trang, nhiều nhà sắm xe hơi. Xem ra cuộc sống làng quê có khi hơn đứt dân thành phố.
Tôi đùa “Hay là tao cũng về đây thuê vườn trồng nhãn nhỉ?”. Cả ông Thi lẫn ông Thắng đều cười phá lên “Mày không học theo bọn tao được đâu”. Tôi gặng “Vì sao?”. “Vì mày là mày còn bọn tao là bọn tao”. Tôi đùa lảng ‘Xem ra chúng mày thành tỷ phú nhãn lồng rồi. Giàu gấp mấy bọn tao trên phố”. Ông Thi sau khi rít xong mồi thuốc lào thì thong thả ngửa cổ nhả khói lên trời. Đợi hết khói, ông mới nói “Cứ dựa vào đất làng mình là giấc mơ sẽ thành hiện thực”.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/ve-tham-xu-nhan-long-603844/