Vệ tinh giúp phát hiện thêm hàng trăm hình vẽ cổ xưa ở Peru

Nhờ ảnh chụp từ vệ tinh, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện thêm hơn 140 hình vẽ khổng lồ được chạm khắc trên mặt đất có niên đại tới 2.000 năm tại Peru.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Yamagata (Nhật Bản) đã phát hiện ra những bức vẽ cổ xưa, được gọi là geoglyph hay còn được biết đến là những hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru.

Sau khi thu thập ảnh vệ tinh, nhóm đã sử dụng phương pháp tạo hình ảnh 3 chiều và có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với đi khảo sát thực tế để xác minh.

 Nhóm nghiên cứu hợp tác với Công ty IBM Nhật Bản để tìm kiếm, phát hiện các hình vẽ. Nguồn: Đại học Yamagata.

Nhóm nghiên cứu hợp tác với Công ty IBM Nhật Bản để tìm kiếm, phát hiện các hình vẽ. Nguồn: Đại học Yamagata.

Họ còn phối hợp với Công ty IBM Nhật Bản từ năm 2018 để ứng dụng công nghệ AI cho phép xác định các hình vẽ một cách hiệu quả, vượt trội hơn những phương pháp trước kia vốn mất nhiều thời gian khi phải nhìn các bức ảnh chụp từ trên không bằng mắt thường.

Trong 143 hình vẽ khổng lồ mới, hầu hết hình thể hiện hình ảnh người, chim, khỉ, cá, rắn, cáo, mèo cũng như các hình tượng khác. Các hình vẽ mới tìm thấy có kích thước tối đa hơn 100m.

 Giáo sư Masato Sakai, thành viên nhóm nghiên cứu, đang trình bày một bài thuyết trình về thành quả nghiên cứu của nhóm. Nguồn: Đại học Yamagata.

Giáo sư Masato Sakai, thành viên nhóm nghiên cứu, đang trình bày một bài thuyết trình về thành quả nghiên cứu của nhóm. Nguồn: Đại học Yamagata.

Các nhà khoa học Nhật Bản còn khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm những hình vẽ, đồng thời nhấn mạnh vai trò nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ chúng trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường và hoạt động nghiên cứu của con người.

Tới nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 800 đường thẳng và 300 hình vẽ trên cao nguyên Nazca với hình vẽ lớn nhất dài khoảng 370m còn đường thẳng dài nhất đạt tới 48km. Những hình vẽ này mãi tới năm 1927 mới được phát hiện khi một phi công bay qua khu vực và nhìn thấy nhiều hình dạng khổng lồ qua cửa sổ máy bay.

 Một số hình vẽ được chụp lại nguyên bản (ảnh trái) và sau đó được phục dựng bằng công nghệ AI (ảnh phải). Nguồn: Đại học Yamagata.

Một số hình vẽ được chụp lại nguyên bản (ảnh trái) và sau đó được phục dựng bằng công nghệ AI (ảnh phải). Nguồn: Đại học Yamagata.

Sa mạc Nazca là một trong những vùng khô cằn nhất thế giới với nhiệt độ khoảng 25 độ C. Điều kiện khí hậu ít gió giúp các hình vẽ không bị đất cát che phủ. Khu vực này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994. Vào thời điểm đó, con người mới chỉ xác định được 30 hình vẽ.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh những hình vẽ bí ẩn này. Ai đã thiết kế, tạo ra chúng và vì sao? Làm sao họ có thể tạo ra chúng một cách chính xác trên mặt đất khi mà chỉ có thể thấy rõ từ trên cao? Có quan điểm cho rằng, chúng được dùng cho lễ nghi tôn giáo nào đó hoặc có thể đóng vai trò dấu hiệu chỉ đường.

MAI HÀ (theo New York Times)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ve-tinh-giup-phat-hien-them-hang-tram-hinh-ve-co-xua-o-peru-603704