Về Trà Vinh thưởng thức đặc sản Dừa Sáp

Vùng đất Cầu Kè từ lâu nổi tiếng trù phú nhất của tỉnh Trà Vinh với nhiều loại trái cây đặc sản, như: Chôm Chôm, Măng Cụt, Bưởi Năm roi, Nhãn Tiêu… Đặc biệt, Cầu Kè còn có loại Dừa Sáp được nhiều người tôn vinh là 'ông hoàng' của trái cây đặc sản. Những năm qua, loại trái cây ngon 'độc nhất vô nhị' này đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân nơi đây.

Dừa Sáp hay còn gọi là Dừa đặc ruột, không có nước. Bên trong trái dừa chứa phần cơm dừa đặc quánh và loại phải sền sệt, là đặc sản duy nhất chỉ có ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Những người sống hoàn toàn dựa vào trái Dừa Sáp hiện nay như bà Thúy vẫn tin rằng Dừa Sáp có mặt ở đất này đã được 100 năm trước. Nhưng lạ là cả buồng dừa chỉ có từ 2 đến 3 trái cho sáp, mỗi năm cây Dừa Sáp nào cho ra khoảng mười mấy trái đã là nhiều.

Dừa Sáp được trồng nhiều ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vì hợp thổ nhưỡng. Điều đặc biệt, không phải cây Dừa Sáp nào cũng cho trái dừa có sáp và trong một buồng dừa không phải trái nào cũng có sáp. Vì thế, giá trị của Dừa Sáp luôn vượt mặt những loại dừa khác.

Ngày nay, các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công phương pháp nhân giống Dừa Sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Kỹ thuật nhân giống này là phương pháp tối ưu nhất để nâng cao tỷ lệ trái sáp/quày đạt từ 80 đến 100%.

Ông Thạch Rane là một trong những hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn kém hiệu quả của gia đình sang trồng Dừa Sáp để nâng cao thu nhập. Với diện tích 40 công, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo vườn và trồng hơn 960 cây Dừa Sáp. Chỉ khoảng 3 năm là ông Rane có thể thu lại lợi nhuận.

Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa đứng thứ hai ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Bến Tre, với gần 27.400 hecta, sản lượng hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 444 triệu quả, trong đó có hơn 752 hecta trồng Dừa Sáp, tập trung ở huyện Cầu Kè.

Hiện giá Dừa Sáp được thương lái thu mua tại vườn cũng rất cao. Giá mỗi trái dừa sáp đặc loại 1dao động từ 100 – 200 ngàn đồng, cao hơn chục lần so với dừa thường.

Giai đoạn 2020-2025, huyện Cầu Kè có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản Dừa Sáp gắn với du lịch. Hiện địa phương đang tập trung các nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cấp các công trình giao thông, mời gọi doanh nghiệp và khuyến khích người dân mạnh dạn cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng dừa sáp theo hướng an toàn, chất lượng để phục vụ cho du lịch, qua đó nâng cao giá trị kinh tế cây trái đặc sản địa phương, làm giàu cho các hộ dân.

Những năm gần đây, các hộ dân ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu trái Dừa Sáp thành nhiều loại sản phẩm riêng để cung cấp làm quà biếu cho thị trường.

Là đơn vị chế biến sâu trái Dừa Sáp, Cơ sở sản xuất Mứt, kẹo Dừa Sáp Cẩm Hằng hiện có 2 dòng sản phẩm, với khoảng 5 loại sản phẩm chế biến sâu từ trái Dừa Sáp đã được đưa ra thị trường.

Tháng 8/2012, Dừa Sáp Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Ngày 5/8/2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận “Cây Dừa Sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam”. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “Quả Dừa Sáp”.

Để Dừa Sáp và các sản phẩm chế biến từ Dừa Sáp được nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ bền vững trong nước và quốc tế, tỉnh Trà Vinh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng Dừa Sáp để thắt chặt liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến sâu đến thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Hiện tỉnh Trà Vinh có hơn 100 sản phẩm được chế biến từ trái Dừa Sáp, trong đó có 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Linh Có - Đỗ Khoan - Hữu Ái

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ve-tra-vinh-thuong-thuc-dac-san-dua-sap-234055.htm