Về Trầm Lộng - vùng quê cách mạng

Vào những năm 1942 - 1945, xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) được Xứ ủy Bắc kỳ chọn làm An toàn khu (ATK) bảo vệ các đồng chí lãnh đạo T.Ư về hoạt động, chỉ đạo kháng chiến, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ngày nay Nhân dân Trầm Lộng hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Trong gần 4 năm (1942 - 1945) Nhân dân xã Trầm Lộng đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho cán bộ lãnh đạo cấp cao của T.Ư, Xứ ủy và Tỉnh ủy Hà Đông về dự họp như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười. Ngôi nhà của gia đình bà Tạ Thị Nấm (tức Khườn) và cụ Chủ Đàn (Lê Văn Vinh) được sắp xếp làm nơi ở của đồng chí Hoàng Quốc Việt; nhà ông Nguyễn Văn Dần làm địa điểm liên lạc; nhà bà Nguyễn Thị Bút làm cơ sở in tài liệu. Đặc biệt, tại chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, sáng 17/8/1945 đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa huy động lực lượng từ khắp nơi kéo về đánh chiếm phủ đường, Ứng Hòa.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và lợi thế của vùng chiêm trũng, năm 1993, người dân xã Trầm Lộng tiên phong thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện, đến nay đã giúp toàn xã có được 429ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 299ha chuyên canh cá, 130ha đa canh lúa, cá, vịt, sản lượng đạt hơn 1.800 tấn/năm.

Về Trầm Lộng hôm nay thấy rõ sự thay đổi của vùng quê chuyên canh nông nghiệp với những khu trang trại đa canh, những cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh cho biết, trước thực trạng ruộng đất mạnh mún, giá trị canh tác đạt thấp, UBND xã đã mạnh dạn xin huyện cho triển khai công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng chuyên canh, đa canh. Nhờ đó, đến nay những khu trang trại và cánh đồng mẫu lớn đã vươn lên trở thành “vựa lúa, vựa cá” của TP.

Hàng năm, các mô hình kinh tế ở Trầm Lộng cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn cá, thịt lợn, tạo nguồn thu từ 300 - 700 triệu đồng/hộ, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm. Đời sống kinh tế của Nhân dân ngày càng được nâng cao, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,66%...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn khẳng định: UBND huyện luôn coi trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Trong số các xã của huyện, Trầm Lộng được coi là một trong những địa chỉ cách mạng kiên cường thời kỳ kháng chiến và cũng là địa phương năng động, sáng tạo trong làm kinh tế.

Hữu Hải

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ve-tram-long-vung-que-cach-mang-377531.html