Về U Minh, nghe 'ông Rí bảo hiểm' tuyên truyền chính sách an sinh

Không quá lời khi nhiều người gọi ông Phan Văn Rí là 'cây đại thụ' của ngành BHXH huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, bởi những đóng góp của ông trong công tác tuyên truyền, lan tỏa chính sách an sinh xã hội đến với người dân.

Cách đây 5 năm, chị Năm, một tiểu thương ngụ ở xã Khánh Hội quyết định tham gia chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Kể từ đó đến nay, chị chưa bao giờ hối hận về quyết định này, bởi ở tuổi gần 50, chị cảm thấy yên tâm về tuổi già sẽ được an nhàn nhờ có lương hưu.

Người truyền cảm hứng

Chị Năm chia sẻ, trước khi tham gia, chị chưa hề biết đến BHXH tự nguyện, việc nghĩ đến có lương hưu khi về già lại càng xa vời. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ nghe được ông Phan Văn Rí nói về lợi ích của việc tham gia BHXH, chị “đã tai quá” nên về tìm hiểu thêm và quyết định tham gia.

“Tôi chọn gói đóng 5 năm một lần, 25 triệu đồng. Thu nhập không mấy dư dả nên đôi khi cũng thấy lo lắng. Nhưng nghĩ về tương lai nên tôi quyết tâm theo đuổi. Cái lợi trước mắt là có BHYT, được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Sau này thì có lương hưu, không phải dựa dẫm vào con cái”, chị Năm thổ lộ.

Ông Phan Văn Rí là một trong những "cây đại thụ" của ngành BHXH tỉnh Cà Mau.

Ông Phan Văn Rí là một trong những "cây đại thụ" của ngành BHXH tỉnh Cà Mau.

Chị Năm chỉ là một trong rất nhiều lao động khu vực phi chính thức trên địa bàn huyện U Minh được truyền cảm hứng tham gia BHXH tự nguyện sau những buổi thuyết trình, tuyên truyền chính sách an sinh xã hội của ông Phan Văn Rí – Giám đốc BHXH huyện.

Không chỉ truyền cảm hứng trong các buổi tuyên truyền, bản thân ông Phan Văn Rí cũng là “cây sáng tạo” với 2 sáng kiến cấp ngành về phát triển đối tượng tham gia BHXH được công nhận: sáng kiến “Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện U Minh”, và sáng kiến “Giải pháp duy trì bền vững, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện”.

Những sáng kiến và sự nhiệt huyết của “ông Rí bảo hiểm” – một cán bộ BHXH say mê với sự nghiệp an sinh xã hội, đã giúp BHXH huyện U Minh từ năm 2019 đến nay luôn duy trì thành tích hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao về phát triển BHXH tự nguyện.

“Bí quyết” mở rộng lưới an sinh

Chia sẻ về bí quyết để mở rộng lưới an sinh trên địa bàn huyện U Minh, ông Phan Văn Rí cũng cho rằng cần liên tục sáng tạo, đổi mới, bắt nhịp tư duy, nhận thức của từng đối tượng để có thể tiếp cận và thuyết phục người dân tham gia.

Điển hình, vào năm 2018, huyện U Minh mới có 243 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,24% dân số của huyện, là địa phương có số người tham gia BHXH tự nguyện thấp nhất tỉnh Cà Mau.

Trước thực tế này, ông Rí đã tự mày mò nghiên cứu và quyết định vận dụng nghệ thuật của “vị tướng phong trào” - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đó là “bám sát đối tượng mà tuyên truyền”. Ngay sau đó, một kế hoạch phối hợp tuyên truyền được triển khai tại địa bàn ấp/khóm với 3 bước cơ bản đã ra đời, với trọng tâm phải có được sự ủng hộ, phối hợp giữa UBND xã, BHXH huyện và Bưu điện huyện.

Kết quả, chỉ sau thời gian ngắn, huyện đã có 8 hội nghị tuyên truyền theo phương thức mới được tổ chức tại 15 ấp của xã Khánh Thuận, qua đó vận động được hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện. Nhận thấy hiệu ứng tích cực, BHXH huyện U Minh liền chủ động phối hợp với Bưu điện huyện xây dựng kế hoạch triển khai tới các xã, thị trấn còn lại.

Muốn lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, người làm công tác BHXH phải gần gũi, đồng hành cùng người dân.

Muốn lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, người làm công tác BHXH phải gần gũi, đồng hành cùng người dân.

Chia sẻ thêm về bí quyết để trở thành một tuyên truyền viên “đánh đâu thắng đó”, ông Phan Văn Rí nhấn mạnh: “Việc làm cho người dân hiểu được BHXH, BHYT là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đòi hỏi bản thân người thực hiện chính sách phải công tâm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực.

Cụ thể như hỗ trợ nhân dân trong việc cấp đổi thẻ BHYT; với các em đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp ngoài địa bàn đã nghỉ việc chưa hưởng chế độ BHXH, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp... thì hướng dẫn, hỗ trợ làm thủ tục cho họ được hưởng đúng quy định...”.

Hướng đến bảo hiểm toàn dân

Bên cạnh việc vận động, phát triển được người dân tham gia BHXH tự nguyện thì làm sao để quản lý tốt đảm bảo đối tượng đã tham gia cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Vì vậy, theo ông Phan Văn Rí, mỗi cán bộ BHXH phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, để Nhân dân thấy được chính sách BHXH, BHYT là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước nên yên tâm, tin tưởng tham gia.

Trong công tác, cán bộ BHXH phải làm việc có kế hoạch cụ thể, nói đi đôi với làm, luôn tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người dân để người dân được hưởng quyền lợi BHXH, BHYT theo đúng quy định, như: Hướng dẫn, hỗ trợ người dân cấp đổi thẻ BHYT; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT theo quy định; đối với những trường hợp thay đổi phương thức đóng, mức đóng hoặc dừng đóng để bảo lưu... phải phân công viên chức quản lý và đại lý liên hệ hỗ trợ ngay, cố gắng làm sao không để đối tượng dừng đóng hay lựa chọn nhận BHXH một lần để lo trước mắt mà mất đi quyền lợi lâu dài.

Năm 2023, Nghị quyết HÐND huyện đề ra mục tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 93%; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt 7,25%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 92%.

Ðể đạt các chỉ tiêu này, thời gian tới, BHXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, theo đó sẽ mở rộng tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm theo quy trình hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Song song đó, tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức cho đội ngũ nhân viên thu, cộng tác viên thu của các tổ chức dịch vụ thu về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; quy trình nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; kỹ năng tuyên truyền, vận động người tham gia.

Sáu Ngạn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/ve-u-minh-nghe-apos-ong-ri-bao-hiem-apos-tuyen-truyen-chinh-sach-an-sinh-1095475.html