Về với biển… mùa đông
Biển mùa này vắng khách, chỉ có chút cao trào từ những con sóng xô vào bờ. Cái sôi động, huyên náo của biển ngày hè góp phần dệt nên bức tranh du lịch đẹp mắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi đời nhiều số phận, làm giàu thêm những ước mơ, dự định… Nhưng mấy ai hiểu rằng, từ trước những sôi động, nhộn nhịp, hiện đại ấy, biển đã bao đời lặng lẽ, kín tiếng. Về với biển vào những ngày đông để cảm nhận rõ từng thanh âm, hơi thở, nỗi niềm của biển và tận hưởng một sắc thái biển rất riêng.
Biển mùa này vắng khách du lịch, chỉ còn lại thanh âm ngàn năm sóng vỗ và hình ảnh mưu sinh quen thuộc của ngư dân.
Về với biển… mùa đông, ta bình yên nép mình dưới hàng phi lao vi vút, ngả nghiêng trước gió, mở căng lồng ngực mà hít hà vị biển nồng đượm. Những con sóng bạc đầu gối lên nhau xô vào cát, vọng âm từ sâu thẳm, bao la đưa ta về miền mơ tưởng: “Ở ngoài kia đại dương/Trăm nghìn con sóng đó/Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở/Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi qua/Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa/Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ” (Sóng, Xuân Quỳnh).
Về với biển… mùa đông, bỗng thấy cái vắng lặng, chút heo hắt của biển như đang hòa nhịp, sẻ chia, tâm sự, vỗ về nỗi buồn vương trong sâu thẳm cõi lòng mình. Đời sống đâu phải lúc nào cũng yên bình, phẳng lặng. Người sống trên đời đâu phải chỉ có những ngày vui. Nhưng lòng người cũng như lòng đại dương sâu thẳm, mặt nước phẳng lặng là ẩn chứa biết bao cuộn xoáy, âm ỉ.
Bởi vậy, ta với biển tương đồng, thành thật, thấu hiểu. Ta về khóc trước biển, những con sóng sẽ mang nước mắt mình đi xa, dịu vợi đi nỗi buồn, mát lạnh vết thương đang bỏng rát. Ta thở than với biển để cái mênh mang, vỗ bên bờ ấy khiến mình bao dung, cao cả hơn. Một mình ta đối diện với sự vĩ đại của biển để học cách định hướng những bước đi đúng đắn…
Về với biển… mùa đông khi vắng đi những gương mặt xa lạ, biển chỉ còn bóng dáng những chiếc thuyền, bè mảng kiên cường bám biển, lặng lẽ vươn khơi. Họ là linh hồn trong bức tranh mưu sinh làng biển.
Tự thuở xa xưa, những con người ấy đã về đây lập nên làng, nên xóm, sống chủ yếu dựa vào lộc biển. Theo năm tháng, thế hệ này qua thế hệ khác, trong sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, chịu thương chịu khó, chính họ đã dệt nên bức tranh lao động sản xuất, sắc thái văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng, tiêu biểu trên vùng đất biển nơi họ sinh sống.
Mặc cho trời đông giá buốt, từ lúc nửa đêm những chiếc thuyền, bè mảng chở theo những cư dân làng biển vượt sóng ra khơi. Con cá, con tôm… từ biển nuôi lớn bao đời và cũng từ biển đã nghiệt ngã cướp đi sinh mệnh bao người dân làng biển. Sống có biển, chết có biển, đời ngủ phủ xoay vần như thế, nào có khác được. Hành trình mưu sinh từ biển có bao giờ thôi cực nhọc, hiểm nguy nhưng họ vẫn kiên cường vươn khơi bám biển. Biển vẫn là lẽ sống của họ.
Đời ngư phủ lắm nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy nhưng biển vẫn là lẽ sống của họ.
Buồi sáng mùa đông lạnh lẽo, gió thổi ù ù bên tai, nhưng bãi biển đã lao xao người đứng đợi từ rất sớm. Đó là những người vợ, người mẹ, người con nhấp nhổm ngóng trông người thân bình yên trở về mang theo lộc biển. Đó là những người buôn bán chờ mua hàng cho kịp giờ chạy chợ… Những gương mặt bơ phờ, hốc hác, mắt đỏ au vì mất ngủ, vì gió sương nhưng tay chân nhanh thoăn thoắt, miệng cười hớn hở vì “trúng mánh”. Cũng có không ít thuyền, bè trở về trong nỗi buồn, tiếng thở dài thườn thượt vì “thất thu”.
Tất cả khung cảnh, thanh âm, gương mặt người ấy đã làm nên sức hấp dẫn, vẻ cuốn hút rất riêng của biển vào những ngày đông lạnh lẽo.
Về với biển… mùa đông, tại sao không?
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/ve-voi--mua-dong/21461.htm