Về với đồng bào thưởng thức canh bồi truyền thống

Mó Beo hướng dẫn các cháu nhặt rau góp lá chuẩn bị nấu món canh bồi truyền thống. Ảnh: CTV

Nhiều người không nhớ món canh này có từ khi nào và bắt nguồn từ đồng bào Chăm, Ba Na hay Ê Đê... Chỉ biết tới nay, nó đã trở thành món ăn thường thấy trong sinh hoạt cộng đồng và mâm cơm các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Canh bồi gạo trắng, lá xanh

Theo Ban Dân tộc tỉnh, gọi là canh bồi nhưng thực ra là cháo đặc, vừa có chất đạm từ động vật, vừa có chất xơ từ rau và tinh bột từ gạo. Cái thú của món này chính là người nấu tùy vào khẩu vị, độ tuổi, nhu cầu mà sử dụng các loại rau để tạo ra hương vị riêng. Món ẩm thực dân dã này từ lâu đã trở thành món ăn sạch, giàu dưỡng chất không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh.

Đó là cách nói dân dã của đồng bào khi giới thiệu với thực khách về món ăn độc đáo này. Theo Mó Beo, người Ba Na ở thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), hai nguyên liệu chính làm nên món ăn này là lá xanh (một loại lá của cây thân leo trên rừng) và gạo trắng, cộng với nhiều loại rau khác cùng những thực phẩm đặc trưng miền sơn cước như ốc đá, tôm suối, trứng kiến vàng... Nghe thì đơn giản vậy, nhưng từng bước làm lại vô cùng công phu. Trong đó, kỳ công nhất là khâu góp rau. Nếu đúng truyền thống, phải tìm được khoảng 30 loại rau, quả xanh. Muốn vậy phải đi hàng cây số, nhiều khi mất cả ngày trời mới tìm đủ các loại rau, quả, như: rau nút áo, quả cà nút, rau bồ ngót, đọt ớt, ngó môn, bầu bí, mướp, bông bí, đọt cây đủng đỉnh, cây thiên tuế, đậu bắp, lá sắn… Những loại rau này mang về nhặt lấy lá non, quả non rồi rửa sạch. Cùng với đó, gạo được ngâm nước trước cho mềm để khi đem đi giã sẽ nhuyễn ra không bị lợn cợn. Lá xanh sau khi giã với gạo trắng đổ nước sôi vào đánh nhuyễn. Rau góp cũng mang giã (có nơi không giã mà bỏ vô nấu nhừ). Nước đun sôi bỏ rau góp, sau đó bỏ ốc, trứng kiến… vào. Khi các nguyên liệu sắp chín sẽ cho hỗn hợp gạo lá xanh vào. Đun lửa nhỏ cho tới khi mọi thứ nhuyễn ra, dẻo dẻo thì nêm các gia vị muối hạt, ớt non, lá é...

Theo Niê Hờ Đào, dân tộc Ê Đê ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), món canh bồi của đồng bào Ê Đê không thể thiếu măng tươi. Đặc biệt vào mùa nấm mối thì không thể thiếu vị thanh đạm, giàu dưỡng chất của nấm trong chén canh này. Các loại rau rừng sau khi giã nhuyễn với gạo thì cho vào nồi măng nấu nhừ. Canh này có thể ăn cùng với cơm, thêm chén muối ớt.

Để nấu nồi canh bồi ngon cần phải biết cách góp lá, giữ lửa và phải là người có kinh nghiệm mới làm được. Theo Ma Dưng, người Chăm Hroi ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), món này ngon nhất vẫn là nấu với gạo rẫy. Nước phải là nước sạch lấy từ giếng làng. Nước sôi, người nấu mới cho rau vào để giữ độ xanh, tươi. Thường không thể tìm đủ 30 loại rau, quả nên theo thời gian, tùy vào thói quen ăn uống từng nơi, từng nhà mà “đầu bếp” chọn loại rau “đinh” cho tô canh của mình… Một chén canh bồi ngon phải có vị thơm của gạo, rau, của chất đạm từ động vật, có màu xanh quyện với màu sữa ngà ngà của gạo trắng. Mùa đông, canh bồi hôi hổi nghi ngút khói xua tan cái lạnh núi rừng; mùa hè, canh bồi thơm mát làm dịu đi cái nắng oi ả.

Đặc sản phố núi

Mó Beo chia sẻ thêm: “Món canh này tôi học theo bà, theo mẹ từ lúc tôi mới biết mang gùi xuống suối lấy nước. Tôi nhớ, những tháng ngày khó khăn đó, món này không chỉ nuôi sống gia đình tôi mà nuôi sống cả làng. Một món ăn dân dã, ngon miệng, đủ chất mà nguyên liệu có thể tìm thấy khi ra vườn, lên rẫy, vào rừng hay xuống sông, suối… Với người Ba Na, hễ nhà nào có lễ, tiệc cần đãi khách quý đều làm món này. Mọi người ở đâu muốn học cách nấu tôi đều nhiệt tình hướng dẫn. Hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên bếp lửa với nồi canh bồi gắn kết tình cảm gia đình đầm ấm của đồng bào bao đời nay.

Niê Hờ Đào ở huyện Sông Hinh cũng cho biết thêm: Canh bồi cùng với các món ăn như thịt bò nấu mẳn, rượu ché, canh lá sắn… từ lâu đã trở thành đặc sản truyền thống của đồng bào. Người từ xa tới không thể quên cảm giác được thưởng thức tô canh bồi giữa đại ngàn phố núi.

Còn theo Ma Duy ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), mỗi lần làm việc mệt ngoài nắng về nhà mà có tô canh bồi là thấy sảng khoái hẳn. Canh bồi vừa là món bồi bổ cho người già, người ốm vừa là món tập ăn của trẻ nhỏ. “Giờ bọn trẻ đang nghỉ học ở nhà tránh dịch COVID-19, chúng được cùng bà hái rau, bắt ốc và quây quần nấu canh bồi thì ưa lắm. Chúng tôi cũng yên tâm, vì các con có cơ hội hòa nhập nếp sống buôn làng vừa được thưởng thức món ăn làm từ thực phẩm sạch lại đủ dưỡng chất. Vui hơn là bọn trẻ đứa nào cũng muốn học cách nấu để sau này làm cho ông bà, ba mẹ thưởng thức”, Ma Duy nói.

BẠCH VÂN - BÁ NHA

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/238729/ve-voi-dong-bao-thuong-thuc-canh-boi-truyen-thong.html