Về với dòng sông quê

Hoàng Lan Quyên là một cây bút nữ khá cần mẫn trên cánh đồng văn xuôi Quảng Ngãi suốt mười mấy năm qua. Sinh ra, lớn lên, được đào tạo bài bản thành cô giáo, rồi lại dạy học ở quê, Hoàng Lan Quyên có nhiều lợi thế đối với các thể loại văn xuôi, nhất là thể Bút ký khi viết về chính quê hương mình.

Ảnh do tác giả cung cấp

Ảnh do tác giả cung cấp

Tuyển tập “Về với dòng sông quê” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là những trang đời sinh động từ quá khứ đến hiện tại của vùng đất Bình Dương, Bình Sơn nói riêng và cả Quảng Ngãi nói chung. Với sự chắt lọc đến tối đa, trong 29 tác phẩm, tác giả đã khéo chọn 3 bút ký viết về Quảng Ngãi nói chung với ba vùng đất trải dài từ rừng núi đến đồng bằng và biển đảo là Trà Bồng, Cỗ Lũy và Lý Sơn. Đất và người Bình Sơn, tác giả chọn 2 tác phẩm với hai địa danh tiêu biểu về phong cảnh là Vực Bà (nằm giữa hai xã Bình Minh và Bình An) và rừng dừa nước Cà Ninh (xã Bình Phước). Còn lại 24 tác phẩm (5 truyện ký và 19 bút ký) đều dành riêng để nói về Bình Dương - quê hương tác giả.

Phong cảnh, sinh hoạt, con người trong tác phẩm được tác giả tập trung miêu tả khá chân thực và cụ thể qua ngòi bút tinh tế cùng một văn phong giản dị, tự nhiên: Bến đò Chợ Hôm giờ đây không còn nghe tiếng róc rách của nhịp chèo khua nước (…) Kìa! Núi Châu Má bên hữu ngạn vẫn giữ nguyên dáng hình dù cho thời cuộc đổi thay (…) Thuyền tiếp tục đi ngang qua soi Ông Thắm (…) núi Bà Dầu (…). Nhánh này xuôi về phía Cà Ninh để ôm trọn xóm Đồng Min. Sau đó hợp lưu với nhánh sông rẽ vòng phía Tây và nhánh chính chảy ngang qua làng chài Đông Yên - quê hương của nhà thơ Tế Hanh (Về với dòng sông quê). Với riêng quê hương Bình Dương, Hoàng Lan Quyên đã dành nhiều trang viết khá sinh động, phản ánh cảnh đẹp thiên nhiên (Cây mù u, Hồi ức về một ngôi trường…) cùng những giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa (Mạch nguồn giếng cổ; Giai thoại về tên đất, tên làng; Nghĩa trủng ở quê tôi; Lăng vạn Đông Yên…), những mất mát hi sinh mà vẫn trọn một niềm tin trong những tháng năm kháng chiến (Thân cò một thuở, Trọn một niềm tin, Dấu ấn Cồn Rong…) cùng những đổi thay của một vùng đất trong bước phát triển chung của đất nước, quê hương (Đắp đập ngăn sông, Nhịp cầu nối những niềm vui…).

Đây là mảng hồi ức long lanh về những tên đất, tên làng của Bình Dương một thuở: chỗ này là đập Ông Dùng; chỗ kia là đập Ông Diện, đập Bà Đáng (…). So với các hồ đập ấy thì đập Ông Chuẩn… có diện tích rộng hơn cả (…). Dựa vào tên của người khai phá hoặc đặc điểm riêng của mỗi cồn mà người dân gọi là Cồn Bổng, Cồn Ký, Cồn Đào, Cồn Đình, Cồn Rong, Cồn Quạ, Cồn Dừa…( Thân cò một thuở).

Ngoài những chi tiết, cảnh vật cụ thể của quê hương, Hoàng Lan Quyên còn có những trang viết có chiều sâu về tư liệu, gợi lại được lịch sử của một ngôi trường làng - nơi mà nhà thơ Tế Hanh đã từng theo học: Trường Sơ đẳng Đông Yên được Chính phủ bổ nhiệm Hiệu trưởng và đưa giáo viên có trình độ kinh nghiệm, lương tâm nghề nghiệp đến dạy (…). Đến năm 1937 hình thành một trường Tiểu học hoàn chỉnh. Cổng trường treo cao tấm biển với dòng chữ: “Ecole Primaire cfficiel Đông Yên”(Trường Tiểu học Công lập Đông Yên)(…). Thuở ấy, học hết bậc Tiểu học được xem là người có trình độ học thức cao vì đã thông thạo tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. (Mái trường làng và nhà thơ quê hương). Kể cả các chi tiết đọc “Văn cúng” trong ngày cúng “Nghĩa trủng” nơi làng quê cũng được tác giả miêu tả khá đầy đủ, trang nghiêm, thành kính, gợi mở: Lời chúc văn vang vọng như tiếng gọi vong hồn, như an ủi những phận đời cô quạnh, lạnh lẽo gió sương. Không khí linh thiêng trầm mặc trong làn hương lan tỏa, tiếng chiêng trống dập dồn như tiếng vọng về của những tâm linh. Sau khi cúng xong bài văn tế đem khao (đốt) cùng với các bộ giấy tiền vàng mã, gửi tấm chân tình của “Bổn thôn, bổn ấp, thân hào nhân sĩ, toàn dân nam nữ đại tiểu đẳng” đến hương hồn, âm hồn, cô hồn nơi thế giới bên kia (Nghĩa trủng ở quê tôi)…

Là thể loại Bút ký và Truyện ký nên hệ thống nhân vật trong văn xuôi của Hoàng Lan Quyên hầu hết là những nhân vật có thật mà tác giả đã từng nghe kể lại, chứng kiến, giao tiếp. Đó là ông Hạ làm nghề đóng cối xay đã âm thầm hoạt động và giữ vững niềm tin vào Cách mạng (Trọn một niềm tin); anh Hai can trường trong thời chiến ở Cồn Rong (Dấu ấn Cồn Rong); anh chủ quán hiền lành, tận tình hướng dẫn khách tham quan rừng dừa nước Cà Ninh (Cà Ninh sông nước hữu tình); chú Tư tốt bụng, thương trẻ (Cây xe cũ); cô giáo Nguyễn Thị Ái Thảo ở Trường Mầm non Trà Xinh (Trà Bồng) dành cả tuổi thanh xuân của mình để gieo cái chữ trên vùng cao gian khó (Vì đàn em thơ);… Kể cả những nhân vật số đông không tên trong từng mẫu chuyện: Những ngư dân chuyên nghề hấp cá (Làng cá Đông Yên), những đứa trẻ con ven sông Trà Bồng nghèo khó vẫn thích cầm hoa, làm điệu, mĩm cười… khi được chụp ảnh (Vẻ đẹp đời thường)…

Văn của Hoàng Lan Quyên ít bay bỗng, mượt mà, nhưng tự nhiên và tinh tế; kỹ thuật thể loại chưa thật thuần thục nhưng tư liệu, vốn sống và sự nghiêm cẩn, tình yêu quê hương thiết tha qua từng trang viết đã làm nên giá trị của tác phẩm “Về với dòng sông quê”.

(Bài phát biểu của Tiến sĩ nhà văn Mai Bá Ấn, Phó CT Hội VHNT Quảng Ngãi kiêm Tổng biên tập Tạp Chí Sông Trà tại buổi giới thiệu tác phẩm VỀ VỚI DÒNG SÔNG QUÊ của Hoàng Lan Quyên vào ngày 15/7/2023)

Mai Bá Ấn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-voi-dong-song-que-a25261.html