Về với U Minh Hạ
Tôi viết những dòng này khi đang sắp xếp cho chuyến trở lại Vườn Quốc gia U Minh Hạ trong một ngày gần nhất, với những người bạn từ phương xa về thăm vùng đất cực nam Tổ quốc.
Thêm một lý do nữa, cũng vì lời hứa với anh Bùi Văn Nhiệm (Tư Nhiệm) ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau-chủ một homestay ở vùng đệm của U Minh Hạ huyền thoại, rằng: “Em sẽ trở lại nhiều lần nữa để tận hưởng không khí trong lành, thanh bình đến mềm lòng giữa vùng lõm U Minh, để em được tận tay hái rau, giăng lưới, đặt lọp bắt cá… như để tìm về thời ấu thơ lúp xúp theo cha em ra đồng hồi xa lơ xa lắc…”.
Đặc điểm về mùa màng ở miền Tây nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung, quanh năm chỉ hai mùa mưa-nắng rõ rệt, mỗi mùa kéo dài trong khoảng trên dưới 6 tháng, tùy từng năm, phụ thuộc theo sự thay đổi của thời tiết. Tại thời điểm này, chính là mùa mưa già. Cho nên, so với mùa nắng hạn, mùa mưa như thế này, khi đến với vùng đệm U Minh Hạ, có những trải nghiệm hơi khác mùa nắng, dù không nhiều; thay vì đi "ăn ong”; thì mùa mưa, khách đến tham quan, du lịch, có thể thong dong bơi xuồng theo chủ homestay hoặc tự mình trải nghiệm sông nước, tự “luồn lách” ra vạt rừng tràm hơn 4 năm tuổi của gia đình anh Tư Nhiệm để tự tay mình hái đọt choại đang mùa xanh non, sống ký sinh trên thân tràm; hay hái rau muống mùa mưa bò dài trên mặt ao, non nhuốt, xanh múp và giòn ngọt khi ăn sống, nhúng lẩu mắm, lẩu chua, hay xào. Ngoài ra, khách còn nhổ bông súng trong cái ao đầm lớn nhỏ xung quanh nhà. Không gì thú vị bằng tự mình trải nghiệm một ngày làm nông dân chính hiệu tại vùng đệm của Vườn Quốc gia U Minh Hạ này.
Với tư cách là người “địa phương”, qua bài ghi chép nhỏ này, tôi mong một ngày thật gần, được vinh dự đưa bạn về nơi mật ong tràm ngào ngạt thơm hương, dù mùa mưa không phải là mùa thu hoạch mật ong ngon nhất. Với 30 kèo ong của nhà anh Tư Nhiệm, nếu bạn không ngại thi thoảng bị “ong hôn” (ong đốt), anh Tư Nhiệm sẵn sàng chống xuồng đưa bạn ra vạt rừng tràm tái sinh của gia đình để bạn tận mắt chứng kiến các “quy trình ăn ong" một cách rất bài bản, khoa học, cốt làm sao để không bị ong đốt. Nói thêm, nghề "ăn ong" ở miệt U Minh này đã có tuổi đời hơn 200 năm, như nghề gia truyền của các hộ gia đình ở đây. Chỉ có cái khác là, xưa tiền nhân gác kèo ong rồi đi "ăn ong" thu mật, sáp ong kiếm lời, thì con cháu họ giờ còn lấy đây là một sản phẩm du lịch độc đáo.
Với 4ha diện tích đất mà gia đình đang sở hữu và canh tác, anh Tư Nhiệm chủ yếu dành hết để làm du lịch sinh thái. Ngoài 2,5ha đất dành riêng cho việc trồng tràm; diện tích đất còn lại, gia đình anh vừa xẻ ao để cá thiên nhiên tìm về trú ngụ và sinh sản như cá lóc, cá trê, cá rô, lươn… phần thì anh lên khoảnh để trồng hoa màu. Mùa nào thức ấy, cá đặt, bắt từ các ao đìa xung quanh; rau quả có sẵn, cả trái cây dùng để tráng miệng sau mỗi bữa ăn, như xoài và chuối vườn nhà trồng; khách thích loại nào thì đề xuất với gia chủ hoặc tự tay ra tận vườn thu hoạch như mướp, khổ qua, đậu đũa, đậu bắp… Từ mô hình này, gia đình anh Tư Nhiệm làm du lịch sinh thái một cách nhẹ nhàng, chậm mà chắc; khách ở các nơi xa đến, thường thích mô hình thật sự thiên nhiên để hít thở không khí trong lành của miệt vườn U Minh Hạ. Đó là cách kiếm tiền từ rừng mà vẫn bảo vệ rừng một cách bền vững.
Phần lớn các hộ gia đình ở ấp 5 này thuộc diện kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc vào. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Quyển (Năm Quyển) 63 tuổi, quê gốc Ninh Bình, vào Minh Hải (bây giờ là Cà Mau và Bạc Liêu) định cư đã hơn 30 năm. Hiện gia đình ông đang sở hữu và canh tác hơn 4ha. Khác với gia đình anh Tư Nhiệm, gia đình ông Năm Quyển chia đôi diện tích đất ra, một nửa trồng lúa hai vụ, nửa diện tích còn lại, ông trồng hoa màu. Ông cho biết, thời điểm này, gia đình đang thu hoạch tía tô và dưa leo; đậu xanh và đậu đen (đỗ) vừa thu hoạch xong hồi tháng 7. Riêng mùa khô, các loại hoa màu thu hoạch phong phú hơn, như bí đỏ, bí đao, dưa gang, xoài… Ngoài ra, ông Quyển cho biết thêm, gia đình ông còn nuôi gia cầm như gà, vịt; loại này được nuôi từ lúa của gia đình canh tác và thu hoạch, không dùng thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, ngọt, thơm; được các tiểu thương vào tận nhà đặt mua.
Gia đình anh Tư Nhiệm và gia đình ông Năm Quyển chỉ là hai trường hợp đại diện cho nhiều hộ gia đình sinh sống và làm ăn ở xung quanh Vườn Quốc gia U Minh Hạ mà thôi. Ở vùng đệm này, nhiều gia đình vẫn chuyên tâm trồng lúa, hoa màu và một số gia đình đang ăn nên làm ra nhờ "ăn ong”, trồng tràm và khai thác cừ (dùng trong xây dựng), ép chuối khô, nuôi cá đồng…
Đó là vùng đệm. Riêng Vườn Quốc gia U Minh Hạ cũng có mô hình đón khách tham quan và ăn uống. Tại đây, khách du lịch có thể lên vọng gác phóng tầm mắt ngắm bạt ngàn màu xanh thẫm của rừng tràm nguyên sinh; mùa hạn, vườn còn có mô hình cho khách thử làm “cần thủ” giữa rừng; nhưng khi mùa mưa chớm bắt đầu thì mô hình này tạm dừng, để cho cá sinh sản. Ẩm thực tại đây thì vô cùng đặc trưng với các loại cá đồng 100% như cá lóc, cá trê, cá rô, lươn… Đặc biệt, chuột đồng muối sả ớt chiên giòn là món ăn ưa thích của nhiều thực khách, nhưng với món “đặc sản miệt vườn” này, không phải ai cũng có thể mạnh dạn dùng. Mật ong và rượu mật ong là những loại mà du khách có thể chọn lựa và làm quà cho người thân, bạn bè khi về Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Sắp xếp công việc để về U Minh Hạ trong mùa mưa này, cũng là việc bạn nên làm đó. Cà Mau, ngoài hệ sinh thái mặn là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thì hệ sinh thái ngọt Vườn Quốc gia U Minh Hạ là điểm đến hấp dẫn không kém đấy bạn ạ. Thử về U Minh Hạ bạn nhé. Hãy đến, dừng chân, trải nghiệm và tận hưởng những gì mà quê bạn chưa có. Đặc biệt, bạn hãy về đây, nơi chỉ có hai mùa mưa-nắng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/ve-voi-u-minh-ha-591120