Về xã miền núi Thọ Bình
Thọ Bình là xã miền núi cách trung tâm huyện Triệu Sơn khoảng 12km về phía Tây. Do nằm ở vị trí cửa ngõ tiếp giáp giữa đồng bằng với miền núi, nên Thọ Bình hội tụ đủ các yếu tố để trở thành vùng đất mở. Thọ Bình cũng là nơi gặp gỡ của nhiều luồng cư dân, dòng họ, dân tộc từ các miền gần xa đến mở mang khai phá lập nghiệp...
Trang trại cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Xuân Trường, thôn 11, xã Thọ Bình (Triệu Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.
Khác hẳn với khung cảnh của các xã đồng bằng, Thọ Bình nằm yên ả, mát lành trong những rừng cây, hoa trái. Theo chân anh Quý - Phó Chủ tịch UBND xã và chị Hồng - công chức nông nghiệp xã, chúng tôi dần dần được chạm đến từng tấc đất của miền đất này.
Thăm trang trại tổng hợp của gia đình anh Lại Văn Sinh, ở thôn 10, quả thực không khác so với “miệt vườn” ở Nam bộ là mấy. Thấy chúng tôi tấm tắc ngợi khen, anh Sinh trải lòng: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tôi nghĩ mình phải bắt đầu từ đồng đất đỏ quê hương để đi lên. Vì vậy, năm 2016, trên diện tích đất đồi vườn rộng 2,2 ha của gia đình, tôi đã đưa vào trồng các loại cây ăn quả phù hợp như: cam, bưởi, nhãn... Hiện gia đình tôi có khoảng 600 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn; 100 gốc cam Canh, cam V2; 300 gốc nhãn. Đặc biệt, từ khi Hội Cựu chiến binh huyện Triệu Sơn tặng cho 2 cây bưởi Diễn trồng đến nay đã được 15 năm tuổi, mỗi cây thường cho tới 200 quả. Cùng với đó, gia đình tôi kết hợp chăn nuôi khoảng hơn 100 con gia cầm, 60 con lợn, 9 con trâu và khoảng 3 tạ cá các loại trong ao. Từ vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay gia đình tôi đã trả hết nợ và có lãi gửi tiết kiệm. Trừ chi phí thì thu nhập từ trang trại cũng được hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Sắp tới, gia đình tôi dự định tăng thêm đàn lợn và trồng khoảng 6 sào cam nữa. Còn vài tạ bưởi và cam Canh trong vườn, tôi để dành bán vào dịp tết”.
Rời trang trại của gia đình anh Sinh, chúng tôi đi tiếp tới trang trại của “ông chủ trẻ” Nguyễn Xuân Trường, ở thôn 11. Học chuyên ngành thú y, sau khi ra trường anh mang những tri thức học được trên giảng đường về quê hương lập nghiệp. Trên nền đất thổ cư của gia đình, anh dành khoảng 1.000m2 đất để trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm. Sau 2 năm trồng thử nghiệm cây ăn quả, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Trang trại của anh hiện có khoảng 300 gốc bưởi các loại, 100 gốc đào và các loại mít, thanh long, chanh... Bên cạnh đó, anh còn nuôi vài tạ cá trong ao, đặc biệt trang trại gà sạch với quy mô 9.500 con/lứa, mỗi năm cho 4 - 5 lứa, nuôi theo quy trình công nghệ cao trên nền trấu, hiện đã có thị trường ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ gia đình anh Sinh, anh Trường mà nhiều hộ gia đình khác như: Anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10, anh Lê Đình Dũng ở thôn 8... cũng khá giả hơn nhờ vươn lên phát triển sản xuất từ đồng đất quê hương. Đó cũng là nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới đã thổi một luồng sinh khí mới, làm đổi thay diện mạo của một xã miền núi vốn còn nhiều gian khó. Với sự phấn đấu nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn bên ngoài, đến nay Thọ Bình đã đạt 10/19 tiêu chí. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đạt hơn 50,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 9,4 tỷ đồng; ngân sách địa phương 22,4 tỷ đồng; doanh nghiệp 2,2 tỷ đồng; cộng đồng dân cư 11 tỷ đồng; vốn khác 5,6 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn trên, nhiều tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được cứng hóa 100%. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu nước đạt 100%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...
Tuy nhiên, bên cạnh những tiêu chí đạt được, Thọ Bình vẫn còn 9 tiêu chí chưa đạt. Cụ thể như: Tiêu chí quy hoạch đã đạt giai đoạn 2010-2020, nhưng không phù hợp với giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, UBND xã Thọ Bình đã ký hợp đồng với đơn vị lập hồ sơ quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2020-2030. Tiêu chí quy hoạch chưa hoàn thành một số hạng mục của trường mầm non, trường THCS. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa chưa hoàn thành một số hạng mục nâng cấp cải tạo và xây mới nhà văn hóa thôn, công sở. Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn chưa hoàn thiện các hạng mục hệ thống nước, sân bê tông, khu vệ sinh. Tiêu chí nhà ở dân cư đang hoàn thành theo tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Tiêu chí thu nhập đang phấn đấu đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tiêu chí lao động việc làm đạt 93% và đang phấn đấu hoàn thành trong tháng 12-2020. Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm chưa hoàn thành, bởi xã chưa có bãi rác tập trung và đội thu gom xử lý rác thải; đang hoàn thiện hồ sơ để đạt xã an toàn thực phẩm...
Sở dĩ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các tiêu chí còn lại rất khó thực hiện, bởi cần nguồn vốn lớn. Trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp, dẫn đến việc đầu tư xây dựng các công trình, kết cấu hạ tầng chậm. Hơn nữa, nhận thức của người dân không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước tăng trưởng khá, nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao, chiếm 13,88%. Để thực hiện các tiêu chí còn lại, ước tính xã cần tới nguồn vốn khoảng 18 tỷ đồng nữa mới có thể về đích nông thôn mới.
Trên thực tế, các nhà văn hóa thuộc diện xây mới đã quy hoạch xong nhưng do khối lượng san lấp mặt bằng quá lớn, vì vậy xã đã có báo cáo đề nghị với UBND huyện hỗ trợ về pháp lý cho xã tận dụng đất sạt lở ở địa phương để san lấp mặt bằng làm nhà văn hóa, giảm chi phí. Thu hồi đất của Công ty Chế biến lâm sản Hồng Hà bàn giao cho xã quản lý, sử dụng để mở rộng khuôn viên công sở. Hỗ trợ nguồn vốn hơn 5,5 tỷ đồng để xã hoàn thiện các hạng mục xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tạo điều kiện cho xã đẩy nhanh việc quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, để có nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo các yêu cầu của tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thọ Bình cho biết, xã đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp và mỗi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận cao để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án của Trung ương, của cấp trên để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các thôn, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác. Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng cường đầu tư đưa cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả lao động. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, xây dựng hệ thống quản lý vệ sinh môi trường ở cơ sở... Khối lượng công việc ở phía trước còn khá nặng nề, song, hy vọng với các giải pháp trên sẽ giúp tháo gỡ được khó khăn, hoàn thành các tiêu chí và tạo đà cho xã Thọ Bình về đích nông thôn mới vào năm 2021.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ve-xa-mien-nui-tho-binh/128511.htm