Về Yên Hưng

Từ thị trấn Sông Mã, theo con đường nhựa mới được nâng cấp ngược lên vùng thượng nguồn con sông về xã Yên Hưng. Trước đây là xã Chiềng Yên, năm 1963 -1964, nghe theo tiếng gọi của Đảng, cán bộ và nhân dân xã Chiềng Yên đón nhận nhân dân Hưng Yên lên xây dựng kinh tế mới, lập nên các bản Hải Triều, Hưng Mã. Với sự đoàn kết thống nhất giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược, năm 1967, xã quyết định đổi tên thành Yên Hưng (ghép giữa Chiềng Yên - Hưng Yên) cho đến ngày nay.

Cán bộ Hội Nông dân xã Yên Hưng, huyện Sông Mã hướng dẫn nhân dân chăm sóc bí đao.

Cán bộ Hội Nông dân xã Yên Hưng, huyện Sông Mã hướng dẫn nhân dân chăm sóc bí đao.

Chúng tôi về bản Hải Hưng, gặp anh Phạm Văn Dung, Bí thư Chi bộ, đồng thời là Trưởng bản, anh cũng là thế hệ thứ hai những người dân Hưng Yên lên Sông Mã khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới. Anh Dung tâm sự: Ngày mới lên, không điện, đường giao thông cũng không thuận lợi như ngày nay. Bà con phải tập quen dần với thời tiết khắc nghiệt của miền núi. Sống đoàn kết cùng các hộ dân đồng bào Thái trong xã, bà con trong bản đã khai hoang những vùng đất trũng bên bờ Sông Mã để trồng lúa; chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, đỗ tương kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Hiện nay, toàn bản chăm sóc 15 ha nhãn, 4 ha mía, 3,5 ha lúa, duy trì nuôi 400 con gia súc và trên 3.000 con gia cầm. Thu nhập bình quân hơn 35 triệu đồng/người/năm.

Tinh thần vượt khó và đức tính cần cù chăm chỉ, mạnh dạn phát triển kinh tế của bà con dân tộc Kinh đã thôi thúc bà con các dân tộc Thái, Mông trong xã học tập làm theo. Chính vì thế là nơi này đã nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Lường Văn Nọi, bản Huổi Púng, chia sẻ: Học hỏi cách làm của bà con miền xuôi, năm 2021, gia đình được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư xây dựng giàn, lưới, hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt, trồng 5.000 m2 bí đao. Mỗi năm gia đình trồng gối 2 vụ, sản lượng đạt hơn 25 tấn/vụ, giá bán trung bình từ 8.000-13.000 đồng/kg, chủ yếu cung cấp cho HTX rau, củ, quả Hải Nhung, xã Chiềng Sơ, trừ chi phí thu trên 300 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về câu chuyện về tinh thần đoàn kết của người miền xuôi - miền ngược cùng chung tay xây dựng quê hương Yên Hưng, ông Lò Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trải qua mấy thế hệ người Kinh và bà con dân tộc sống chan hòa gần gũi, học hỏi nhau cách làm ăn. Cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, giúp nông dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, xã có trên 523 ha nhãn, 127 ha xoài, sản lượng đạt gần 500 tấn/năm; duy trì trên 7 ha bí xanh; nuôi trên 3.500 con trâu, bò, 5.160 con lợn trên 2 tháng tuổi, 1.300 con dê và đàn gia cầm trên 48.000 con. Đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và được nhân rộng; như trồng nhãn, xoài ở bản Pảng, Huổi Púng, Sòng Hạ, Hải Hưng; chăn nuôi gia súc ở bản Lẹ, Hải Hưng, bản Bang... Ngoài ra, trồng 22 ha rau chân vịt và 5 ha ngô ngọt cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Bên cạnh đó, các đoàn thể xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rà soát nhu cầu, hỗ trợ thủ tục vay và giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hơn 700 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ gần 29 tỷ đồng.

Từ năm 2023 đến nay, với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, xã được đầu tư xây dựng 8 nhà văn hóa bản, 3 tuyến đường giao thông; hỗ trợ xây dựng cầu cho bản Lẹ, Sòng Hạ, Pái Dìa, Nà Lằn và công trình thủy lợi bản Pao, tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đến nay, 98% số hộ được xem truyền hình; 100% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 9/15 bản có nhà văn hóa. Thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,12%, xã đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Năm 2024, xã Yên Hưng phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí về nhà ở dân cư, nghèo đa chiều và tiêu chí văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 6%. Cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp...

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, về xã Yên Hưng hôm nay hiện lên một bức tranh với nhiều gam màu ấm no. Dọc hai bên đường về xã, những vạt nhãn xòe tán xanh ngút tầm mắt. Những ngôi nhà tầng mái Thái, mái Nhật nổi lên tô điểm cho bản làng trù phú. Đó là nỗ lực vươn lên của những người con quê hương Hưng Yên đã góp phần cho vùng đất biên cương thêm xanh.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/ve-yen-hung-HxabgZkHR.html