Về Yên Minh, nghe người dân bản địa kể chuyện xây trang trại thu bạc triệu trên núi đá

Trên những triền núi đá tai mèo xám xịt quanh năm sương phủ ở Yên Minh – một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, từng là nơi người dân phải vật lộn với cái nghèo, thiếu ăn quanh năm, giờ đây đang từng ngày thay da đổi thịt.

Những chuyển biến đầy tích cực trong nông nghiệp huyện Yên Minh là kết quả quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đặc biệt là phát triển HTX – nơi gắn kết cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm và giúp người dân vươn lên làm giàu.

Từ nương ngô lên trang trại tổng hợp

Đến thôn Bản Muồng, xã Sủng Thài – một trong những vùng cao đặc biệt khó khăn của Yên Minh hỏi về ông Giàng Seo Vả – một người nông dân H’Mông, hiếm ai không biết.

Từng là người chỉ quanh năm gắn bó với cây ngô trên những triền núi cho năng suất rất thấp, đến nay ông Vả đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp rộng hơn 5ha, gồm cây ăn quả, nuôi bò, gà thả vườn và một khu vườn dược liệu trồng xuyên sườn núi.

Diện mạo nông nghiệp huyện Yên Minh đã có những chuyển biến tích cực.

Diện mạo nông nghiệp huyện Yên Minh đã có những chuyển biến tích cực.

Ông Vả cho hay trước đây cả nhà quanh năm ăn ngô, năng suất không cao nên kinh tế rất khó khăn. Từ năm 2019, được cán bộ xã giới thiệu đi tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả và chăn nuôi theo hướng an toàn, ông mạnh dạn vay vốn để làm trang trại.

Từ 20 gốc mận hậu, đến nay ông đã có hơn 500 gốc, mỗi vụ thu về gần 80 triệu đồng. Thu nhập từ chăn nuôi cũng tăng gấp ba lần so với trước. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, ông Vả đã biến vùng đất khô cằn trở thành vườn cây xanh mát, tạo việc làm cho 6 lao động trong thôn, trong đó có 3 phụ nữ người dân tộc thiểu số.

“Giờ không chỉ mình tôi thoát nghèo, mà tôi còn giúp người khác có việc làm. Đó là điều tôi thấy vui nhất,” ông Vả cười hiền, ánh mắt ánh lên niềm tự hào.

Yên Minh không chỉ có những thung lũng chăn nuôi hay vườn cây trái, mà còn là điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Tận dụng tiềm năng đó, nhiều hộ dân đã chuyển hướng làm du lịch gắn với nông nghiệp.

Anh Hầu Mí Chứ, 34 tuổi, ở xã Lao Và Chải là một ví dụ tiêu biểu. Xuất thân trong một gia đình nghèo, từng phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê, nhưng sau khi học được mô hình homestay kết hợp với nông nghiệp sinh thái ở Sa Pa, anh đã quay về bản dựng nên khu “Nông trại đá” – mô hình homestay đặc biệt giữa cao nguyên đá.

Liên kết để tăng thu nhập

“Tôi trồng hoa tam giác mạch quanh năm, nuôi dê, gà thả vườn để khách du lịch trải nghiệm. Mỗi tháng đón 200 – 300 lượt khách, chủ yếu là phượt thủ, khách nước ngoài,” anh Chứ hồ hởi cho biết.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình của anh còn tạo công ăn việc làm cho 15 lao động trẻ tại bản, nhiều người trong số đó từng có ý định rời quê đi làm xa.

Đáng chú ý, bên cạnh các hộ sản xuất giỏi, sự phát triển mạnh mẽ của các HTX trên địa bàn huyện Yên Minh đã trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Nổi bật trong số đó là HTX Nông nghiệp tổng hợp Thắng Lợi (xã Ngam La).

Thành lập từ năm 2020, HTX Thắng Lợi ban đầu chỉ có 7 thành viên với diện tích trồng cỏ nuôi bò chưa đầy 1ha. Nhưng sau 3 năm phát triển, HTX đã có hơn 40 thành viên, mở rộng chăn nuôi lên 80 con bò sinh sản, xây dựng khu giết mổ tập trung và bắt đầu cung ứng thịt sạch cho thị trường Hà Giang và các tỉnh lân cận.

Liên kết sản xuất trong HTX, tổ hợp tác giúp nông dân Yên Minh nâng cao thu nhập.

Liên kết sản xuất trong HTX, tổ hợp tác giúp nông dân Yên Minh nâng cao thu nhập.

“Chúng tôi không chỉ làm nông nghiệp mà còn học cách làm kinh tế. Từ tổ hợp tác nhỏ, chúng tôi xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ trồng cỏ, chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ. Quan trọng nhất là HTX đã tạo việc làm ổn định cho hơn 60 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng”, đại diện HTX Thắng Lợi chia sẻ.

Không dừng lại ở chăn nuôi, HTX Thắng Lợi còn liên kết với các cơ sở chế biến để tạo ra sản phẩm bò khô, xúc xích, đóng gói hút chân không, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp vùng cao vươn ra thị trường rộng lớn.

Một điều dễ thấy là trong thời gian qua, huyện Yên Minh với địa hình hiểm trở và tỷ lệ hộ nghèo cao, đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ vai trò tích cực của các HTX trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Một ví dụ điển hình khác như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Thanh Niên đã phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng như mật ong bạc hà và ớt gió Ngọc Tuyên, đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Việc nâng cao chất lượng và đổi mới mẫu mã đã giúp sản phẩm vươn ra thị trường, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và cải thiện đời sống người dân

Mở ra hành trình nhiều hy vọng

Những kết quả trên cho thấy, các HTX không chỉ là mô hình kinh tế hiệu quả mà còn là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng một Yên Minh phát triển bền vững.

Cũng cần nói thêm, sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, cùng các chính sách địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở Yên Minh.

Cụ thể, với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 27 HTX nông nghiệp được thành lập mới, nhiều mô hình đạt doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, thu hút hàng trăm thành viên và người lao động.

Các HTX đã từng bước mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị và phương thức quản lý. Nhiều HTX đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và đăng ký truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương.

Trong khi đó, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2024 – 2030, tập trung vào việc hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Cùng với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, một số HTX tại Yên Minh đã triển khai mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Như HTX Ngọc Bích (thị trấn Yên Minh) đã đầu tư trồng rau trong nhà lưới, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu và nhãn mác sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương…

Hiệu quả của HTX là một trong những nhân tố quan trọng giúp huyện Yên Minh đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp như hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ qua các nền tảng số và xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng như mận đá, thịt bò bản địa, mật ong bạc hà...

Có thể nói, sự đổi thay đang diễn ra từng ngày trên vùng đất đá khô cằn, không còn là hình ảnh “người Yên Minh nghèo nhất vùng cao”, mà giờ đây, Yên Minh đang trở thành nơi khởi đầu cho những mô hình sản xuất sáng tạo, những câu chuyện làm giàu từ nông nghiệp đáng ngưỡng mộ.

Hành trình thoát nghèo của người dân nơi đây không chỉ là sự bền bỉ vượt qua thử thách, mà còn là minh chứng cho giá trị của tinh thần đổi mới và sức mạnh cộng đồng trong phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/ve-yen-minh-nghe-nguoi-dan-ban-dia-ke-chuyen-xay-trang-trai-thu-bac-trieu-tren-nui-da-1106293.html