Vén bức màn sự thật nền kinh tế Trung Quốc
Trong những thập niên gần đây, Trung Quốc luôn là tâm điểm chú ý trên toàn thế giới bởi sự trỗi dậy chưa từng có của quốc gia này.
Suốt 40 năm kể từ 1978, từ một quốc gia nghèo khó Trung Quốc giờ đây đã trở thành một siêu cường, và đang ngấp nghé vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nói đến Trung Quốc, nhiều người dễ liên tưởng đến thời kỳ uy hùng của vua Tần Thủy Hoàng, Càn Long, cùng những kế sách, tích sử kinh điển như Tôn Tử Binh Pháp, Tam Quốc Diễn Nghĩa. Đến đương đại, quốc gia này đã và đang một lần nữa trỗi dậy sắp trở thành cường quốc lớn nhất thế giới về kinh tế.
Những nhà cầm quyền như Ôn Gia Bảo, Hồ Cẩm Đào, và gần đây nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình, đã và đang làm gì để hiện thực hóa “ Giấc mộng Trung Hoa”? Nhưng khác xa so với Mỹ, thông tin về nền kinh tế Trung Quốc luôn cực kỳ khan hiếm, thêm vào đó dữ liệu còn có độ trễ rất cao khiến tính xác thực nếu có cũng rất thấp. Vì vậy sự phát triển của Trung Quốc khiến nhiều người tò mò.
Cuốn sách "Nhà nước chi phối trọng tâm: Hồi kết cải cách kinh tế Trung Quốc?" là một tác phẩm của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, và tác giả Nicholas R. Lardy là người được Tạp chí Quốc gia Mỹ gọi là bậc thầy thâm niên nghiên cứu về Trung Quốc. Phương pháp xử lý dữ liệu trong các phân tích về Trung Quốc của Lardy được sử dụng bằng cách đối chiếu chéo dữ liệu, phân tích gián tiếp qua nhiều nguồn, từ đó phát hiện cả những phần dữ liệu báo cáo chưa đúng sự thật từ những dữ liệu được công bố chính thức.
Cuốn sách mở ra một đất nước Trung Hoa thần kỳ và bí ẩn, và Lardy mở cửa một nền kinh tế quy mô siêu cường bằng những mô tả có dữ liệu minh chứng, chứ không phải chỉ là những góc nhìn cảm tính.
Nội dung phân tích để trả lời cho những câu hỏi: Trung Quốc thật sự đã, đang hay sẽ vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không? Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng trong dài hạn, hay sẽ suy thoái trong thời gian tới? Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, động lực chính để thúc đẩy là gì? Nếu bước vào suy thoái sẽ do nguyên nhân gì là chủ đạo? Ưu và nhược điểm trong tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình và các chiến lược kinh tế chính trị “Một vành đai, một con đường”, hay “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”? Bối cảnh thực tại của Trung Quốc xét trên góc độ vai trò của nhà nước Trung Quốc và vai trò của thị trường?
Đáng chú ý, Trung Quốc không những là một quốc gia láng giềng của Việt Nam, quan trọng nhất là nền kinh tế Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng, từ văn hóa đến những điểm lớn khác như vai trò của nhà nước trong điều hành chính sách, vai trò của thị trường. Hiểu về nền kinh tế Trung Quốc đối với người Việt Nam không chỉ là một sự thỏa mãn cho trí tò mò, mà đó còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho chính thực tại và tương lai của chúng ta.