Vén màn bí ẩn bức tượng có tư thế lạ trong mộ Tần Thủy Hoàng, dấu vân tay để lại từ 2000 năm của ai?
Bức tượng đất nung với tư thế 'độc nhất vô nhị' trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng khiến các nhà khảo cổ không khỏi kinh ngạc.
Binh đoàn đất nung được coi là 1 điểm vô cùng độc đáo ở quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đến đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Việc tìm thấy đội quân đất nung vào tháng 3 năm 1974 được coi là một trong những phát hiện khảo cổ gây chấn động nhất thế giới trong thế kỷ 20.
Đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm được hơn 8.000 bức tượng đất nung trong quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Toàn bộ những bức tượng này đều được làm từ đất sét và nung trong lò ở nhiệt độ thấp, mỗi bức tượng lại có khuôn mặt, kích cỡ và màu sắc khác nhau, trông sống động như 1 đội quân thật.
Phần lớn những bức tượng được tìm thấy đều trong tư thế đứng hoặc ngồi, thế nhưng có 1 bức tượng đất nung có tư thế kì lạ thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ. Theo đó, bức tượng đặc biệt này có hình dáng 1 người đang uốn cong đầu gối, 2 bàn chân mở rộng, 2 tay chống đất. Bức tượng đặc biệt này đã được bảo tàng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) trưng bày nhân kỷ niệm Ngày Di sản tự nhiên và văn hóa – 11/6/2022. Theo các chuyên gia ở đây, bức tượng này có thể mô tả 1 diễn viên nhào lộn biểu diễn xiếc trong cung.
Theo báo cáo của các chuyên gia, bức tượng đất nung nằm ngửa được chôn tại một hố sâu thuộc khu vực phía đông nam của lăng mộ Tần Thủy Hoàng, với diện tích khoảng 700 m2. Bức tượng đất nung kỳ lạ trên có chiều dài khoảng 154 cm, nặng khoảng 102 kg. Các chuyên gia đã phải mất 1 thời gian dài để sửa chữa lại những bức tượng bởi sự “bào mòn” của thời gian đã khiến chúng bị hỏng ít nhiều.
Đáng chú ý, trên bức tượng này, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra 1 dấu vân tay ở bụng ở bức tượng. Thoạt đầu, vị chuyên gia này còn tưởng là vân tay do ông vô tình để lại. Tuy nhiên, sau khi quan sát và so sánh cẩn thận, hóa ra đây là vân tay của nghệ nhân cách đây hơn 2.000 năm. Dù chưa thể xác định được danh tính cũng như tuổi tác của người đã để lại dấu vân tay này, thế nhưng dựa vào đặc điểm trên vân tay, các nhà khảo cổ cho rằng người làm ra bức tượng này là 1 thanh thiếu niên.
Khi tiến hành nghiên cứu những ghi chép sâu hơn trong lịch sử, các chuyên gia phát hiện ra rằng, vào thời điểm xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng, do thiếu nhân lực để làm tượng đất nung nên có không ít thanh thiếu niên đã được chọn để làm công việc này. Đây cũng là một đặc điểm cho thấy việc xây dựng lăng mộ khổng lồ này ngốn rất nhiều nhân lực trong suốt nhiều năm. Dấu vân tay tuy nhỏ nhưng nó giống như chiếc chìa khóa giúp các nhà nghiên cứu có thể mở ra nhiều cánh cửa để tìm hiểu về lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
- Video: Khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: CCTV.