Vén màn bí ẩn về xác ướp 'người phụ nữ gào thét' ở Ai Cập
Các nhà khảo cổ học vừa giải mã được bí ẩn về xác ướp Ai Cập có biểu cảm khuôn mặt 'hét thất thanh'. Phát hiện này thu hút sự chú ý của giới khoa học và công chúng.
Xác ướp nữ giới này được phát hiện năm 1935 trong một quan tài gỗ dưới lăng mộ của Senmut - kiến trúc sư quan trọng thời nữ Pharaoh Hatshepsut, cách đây khoảng 3.500 năm. Mặc dù không có tên tuổi được ghi lại nhưng có khả năng xác ướp này là một thành viên thân thiết trong gia đình Senmut.
Tiến sĩ Sahar Saleem, giáo sư X quang tại Đại học Cairo, cùng cộng sự đã sử dụng công nghệ chụp cắt lớp (CT) và các kỹ thuật phân tích tiên tiến để nghiên cứu xác ướp. Kết quả được công bố trên tạp chí Frontiers in Medicine cho thấy nhiều phát hiện thú vị.
Nhóm nghiên cứu cho biết xác ướp được bảo quản tốt, ước tính người phụ nữ cao khoảng 1,55 mét, mất lúc 48 tuổi và bị viêm khớp nhẹ. Các bản quét CT cung cấp thêm thông tin, xác ướp được bảo quản tốt, không có vết rạch ướp xác và vẫn còn nguyên nội tạng - điều hiếm gặp trong thời kỳ Tân vương quốc Ai Cập. Tiến sĩ Saleem cho biết: “Điều này khiến tôi ngạc nhiên, vì phương pháp ướp xác cổ điển ở Vương quốc Mới, từ 1550-1069 TCN, bao gồm việc loại bỏ tất cả các cơ quan trừ tim.”
Không chỉ được chôn cất với hai chiếc nhẫn bọ hung bằng bạc và vàng, các nhà nghiên cứu còn phát hiện các vật liệu ướp xác bao gồm nhựa thông bách xù và nhũ hương - những nguyên liệu nhập khẩu đắt tiền cho thấy địa vị xã hội cao của người quá cố.
Các nhà nghiên cứu cho rằng biểu cảm "gào thét" của xác ướp có thể do một dạng hiếm gặp của hiện tượng cứng đờ tức thì sau khi chết, khiến khuôn mặt đông cứng lại trong khi hấp hối. Những người ướp xác không thể khép miệng lại và đã ướp xác cơ thể co cứng trước khi miệng của xác giãn ra.
Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết vẫn chưa được xác định. Một số chuyên gia khác cho rằng biểu cảm này có thể do quy trình chôn cất hoặc các thay đổi sau khi chết.
Đây không phải là xác ướp "gào thét" duy nhất được tìm thấy ở Ai Cập. Các nhà khoa học trước đó cũng đã nghiên cứu xác ướp của Hoàng tử Pentawere và Công chúa Meritamun có biểu cảm tương tự, mỗi trường hợp đều có lý giải riêng.
Phát hiện này không chỉ cung cấp thông tin quý giá về kỹ thuật ướp xác, làm tóc giả và vật liệu ướp xác thời cổ đại, mà còn góp phần làm sáng tỏ bí ẩn về biểu cảm độc đáo của các xác ướp Ai Cập cổ đại, thu hút sự quan tâm của giới khoa học và công chúng trong nhiều thập kỷ qua.