'Vén màn' bí kíp truyền thông trong tranh cử ở Mỹ
Giọng nói trầm ấm trên radio, nụ cười khả ái trên màn hình ti vi, đó là những gì các ứng cử viên Tổng thống Mỹ từng làm từ những năm 1970 để tăng số lượng ủng hộ từ các cử tri. Nhưng ngày nay, như vậy là chưa đủ…
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet vạn vật trong thế kỷ XXI, hình thức và chất lượng truyền thông trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đã phát triển đáng kể và hiện đại hơn, trở thành công cụ không thể thiếu, lan tỏa hình ảnh đẹp và chương trình nghị sự trong chiến dịch tranh cử.
Vũ khí lợi hại
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phương tiện truyền thông, đặc biệt là phương tiện truyền thông hiện đại (Facebook, Twittter, X, Instagram, Tiktok, Youtube…) tác động lớn đến quá trình tiếp nhận thông tin của đại đa số người dân toàn thế giới, bao gồm cả nước Mỹ. Chiến thắng của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều có sự đóng góp hiệu quả từ những phương tiện truyền thông, là công cụ kết nối, lan tỏa, nâng tầm sức ảnh hưởng các ứng viên trong nhiều thập kỷ qua.
Theo các nghiên cứu về truyền thông trong bầu cử tại Mỹ, chiến dịch tranh cử của ứng viên Đảng Dân chủ Barack Obama năm 2008 và 2012 cho thấy các ứng viên bắt đầu sử dụng thành công nền tảng mạng xã hội vào bầu cử. Trong chiến dịch tranh cử năm 2012, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thử nghiệm tính hiệu quả của quảng cáo trực tuyến dựa trên dữ liệu của người dùng và nhận thấy có sự vượt trội tới hơn 14% so với không sử dụng quảng cáo trực tuyến. Chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong năm 2016 là điển hình của bước đột phá sử dụng mạng xã hội Twitter (nay là X), giúp mang chính trị gần hơn với người dân; đem đến cho Twitter doanh thu tăng kỷ lục sau 10 năm thành lập, đạt 2,6 tỷ USD, tạo làn sóng sử dụng đến những chính trị gia, nhà lập pháp của nước này.
Đến cuộc bầu cử năm 2020 cho thấy sự bùng nổ của tác động truyền thông đối với số phiếu bầu cử tri, kết hợp với những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội (influencers), trong bối cảnh Covid-19. Cựu Tổng thống Obama, người có tầm ảnh hưởng cao trong lưỡng đảng, đích thân hậu thuẫn ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Sự chi phối của các tập đoàn công nghệ và truyền thông lớn dành cho đảng Dân chủ góp phần giúp ứng cử viên Biden trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Qua hai thập kỷ, các chiến dịch tranh cử ngày càng chi nhiều vào quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, liên tục cho ra nhiều sản phẩm và hướng đi mới, giúp các ứng viên tỏa sáng và chạm đến đúng những quan tâm của cử tri, song đi kèm với đó xuất hiện nhiều vấn đề cạnh tranh không bình đẳng, thao túng và thông tin sai lệch. Theo khảo sát của Pew Research năm 2020 cho thấy 64% người Mỹ cảm thấy mạng xã hội đem đến ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, trong đó cao nhất là thông tin sai lệch, chiếm tới 28% .
Cuộc đua trên không gian mạng
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có các chiến lược riêng cho các ứng viên tranh cử Tổng thống tại đợt tranh cử tìm kiếm vị Tổng thống thứ 49 của Mỹ năm 2024, chiến lược truyền thông như thế nào sẽ tác động đến lá phiếu cử tri?
Có ba yếu tố nổi lên trong chiến lược truyền thông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Thứ nhất, đó là sự hậu thuẫn của các hãng truyền thông và công nghệ lớn. Việc thường xuyên cung cấp các thông tin và hình ảnh tích cực của các ứng viên trên các kênh truyền thông và nền tảng mạng xã hội giúp định hướng và thay đổi nhận thức, thái độ của người tham gia đối với các ứng cử viên, giúp lôi kéo sự quan tâm đến những chương trình nghị sự.
Xét từ các đợt tranh cử trước, Đảng Dân chủ vẫn được các ông lớn công nghệ và truyền thông dành nhiều sự ưu ái, gần đây nhất là số lượng ủng hộ leo thang đột ngột từ các ông lớn truyền thông cho đường đua Tổng thống của Phó Tổng thống Kamala Harris, sau tuyên bố ngừng tranh cử của Tổng thống Biden vào cuối tháng Bảy. Các ông chủ của Facebook (Mark Zuckerberg) và X (Elon Musk) đã từng tuyên bố không can dự vào chính trị, song ông Elon Musk đã xác nhận sự ủng hộ đối với ứng cử viên Donald Trump thông qua buổi phỏng vấn vào đầu tháng Tám trên mạng xã hội X với hơn 21 triệu người xem.
Thứ hai, các nền tảng mạng xã hội giúp vận động hiệu quả đến nhiều nhóm cử tri. Xét về góc độ hiệu ứng lan truyền, tính hiệu quả trong vận động tranh cử, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế so với các phương tiện truyền thống. Theo một số khảo sát của Statista trong giai đoạn đầu bầu cử Tổng thống 2024 cho thấy hơn 50% cử tri trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội như nguồn thông tin chính hằng ngày theo dõi các ứng cử viên, giúp tác động đến nhóm trung dung và cử tri trẻ, đồng thời khai thác được sức ủng hộ lớn từ nhóm da màu. Song, đối tượng cử tri trẻ và trung dung luôn là ẩn số cho từng đợt tranh cử.
Đợt tranh cử này được đón nhận nhiều do tác động từ các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng mạng xã hội, là nơi để ứng cử viên giao lưu các vấn đề liên quan đến bầu cử, phục vụ nhu cầu liên kết, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh những nền tảng phổ biến, các ứng cử viên hai Đảng đều đã lập kênh Tiktok cá nhân nhằm tiếp cận các cử tri như Tổng thống Joe Biden (@bidenhq), Phó Tổng thống Kamala Harris (@officialharrisj) và cựu Tổng thống Donald Trump (@readldonaldtrump), dù Chính phủ Mỹ có những chỉ trích đối với Tiktok. Theo giới truyền thông, quảng cáo chính trị theo hình thức video sẽ được đẩy mạnh qua các kênh TV và các trang mạng xã hội, đặc biệt tại các bang dao động và các bang chiến trường từ nay cho đến ngày diễn ra bầu cử vào tháng 11 tới.
Thứ ba, là các thách thức về bảo đảm an toàn trên không gian mạng. Ngày càng nhiều phương thức tinh vi thao túng thông tin hơn so thời kỳ đầu phát triển phương tiện truyền thông hiện đại. Các video giả mạo do AI tạo ra ngày càng khó phân biệt. Những vụ xâm phạm an ninh mạng vào các chiến dịch tranh cử vẫn tiềm ẩn rủi ro khó lường. Vụ giả giọng nói Tổng thống Biden trước ngày bầu cử sơ bộ tại bang New Hamsphire trong tháng 2/2024, việc xuất hiện những hình người da màu ủng hộ Trump trên các nền tảng mạng xã hội và gần đây nhất là chiến dịch tranh cử của ứng viên Donald Trump và Phó Tổng thống Harris trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc, được cho là từ nhóm chống đối ở nước ngoài, là những ví dụ rõ ràng về nguy cơ này.
Thích ứng trong bối cảnh mới
Các nguy cơ và rủi ro từ truyền thông mạng xã hội tiếp tục là thách thức lớn cho giai đoạn nước rút và trước thềm đợt bầu cử năm nay, bất chấp các nỗ lực kiểm duyệt của các công ty nền tảng mạng xã hội và các dự luật liên quan đến an ninh mạng. Bất kỳ một sự cố nào xuất hiện ngay thềm bầu cử đều có thể tác động đến lá phiếu cử tri đi bầu.
Có thể thấy cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 sẽ là bài kiểm tra quan trọng về khả năng thích ứng đối với các giới trong bối cảnh môi trường truyền thông ngày càng chuyển biến mạnh mẽ trước sự vươn lên của các công nghệ hỗ trợ tiên tiến. Cạnh tranh về truyền thông giữa các chiến dịch tranh cử ngày càng khốc liệt trong vòng 30 ngày trước thời điểm bầu cử.
Các ứng cử viên tận dụng tối đa sức mạnh truyền thông để vận động, lan truyền thông tin, hạ bệ và công kích đối thủ. Các phương thức truyền thống được duy trì là kênh cung cấp thông tin có xác thực và các nền tảng truyền thông trên mạng sẽ được phát huy thế mạnh từ AI và các nền tảng mới. Song, thách thức về xác thực thông tin vẫn diễn ra đến khi có các biện pháp (trong tương lai) xử lý những vấn đề tiềm tàng từ tin tặc và “con dao hai lưỡi” AI.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ven-man-bi-kip-truyen-thong-trong-tranh-cu-o-my-284334.html