Vén màn bí mật
Các công tố viên Thụy Điển cuối cùng đã vén bức màn bí mật liên quan tới vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme từng gây chấn động dư luận quốc gia Bắc Âu cách đây hơn 3 thập niên.
Buổi tối định mệnh
Ông Olof Palme sinh năm 1927, từng đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Thụy Điển trong giai đoạn 1969-1976 và 1982-1986. Được ca ngợi là "kiến trúc sư" của đất nước Thụy Điển hiện đại, ông Olof Palme còn được biết đến là người lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi hay chạy đua vũ khí hạt nhân.
Theo AP, tuy là thủ tướng, nhưng ông Olof Palme luôn muốn có một cuộc sống bình thường nhất có thể và thường ra ngoài mà không có vệ sĩ. Buổi tối định mệnh 28-2-1986 cũng vậy. Khi đang trên đường trở về nhà sau buổi xem phim ở rạp tại trung tâm thủ đô Stockholm, Thủ tướng Olof Palme bất ngờ bị bắn chết và vợ ông, bà Lisbet Palme, bị thương. Vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme đã được mô tả là một “vết thương hở” để lại “vết sẹo sâu” đối với người dân Thụy Điển vốn vẫn luôn tự hào về hình ảnh một đất nước yên bình và an toàn, khiến quốc gia Bắc Âu mất đi "sự hồn nhiên của mình”.
Cảnh sát Thụy Điển lúc bấy giờ được cho là đã mắc phải nhiều sai lầm như không phong tỏa hiện trường ngay, khiến nhiều bằng chứng pháp y bị hủy hoại, hay các nhân chứng, thay vì được thẩm vấn ngay, lại được cho phép rời hiện trường. Đây được xem là lý do khiến danh tính thủ phạm của vụ án trở thành một ẩn số trong suốt mấy chục năm qua.
Tờ The Guardian cho biết, trong quá trình điều tra, cảnh sát Thụy Điển đã kiểm tra 788 khẩu súng nhưng không thể xác định bất kỳ vũ khí nào liên quan tới hai vỏ đạn được tìm thấy tại hiện trường vụ án. Kể từ năm 1986, mặc dù hơn 10.000 người đã bị thẩm vấn và 134 người đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ ám sát, song Stockholm chưa bao giờ có tuyên bố chính thức về thủ phạm. Hồ sơ vụ án tích lũy theo thời gian đã chất đầy trên các kệ tài liệu có tổng chiều dài lên tới 250 mét.
“Một người nổi bật”
Tưởng chừng vụ án sẽ mãi bị khép lại mà không có lời giải do quy định giới hạn thời gian điều tra 25 năm đối với các vụ án giết người thì tới năm 2010, Thụy Điển đã gỡ bỏ quy định này, đem lại cho công chúng hy vọng rằng vụ án bí ẩn vốn làm nảy sinh vô số thuyết âm mưu cuối cùng sẽ được làm sáng tỏ.
Tờ The Guardian cho biết, khi một đội điều tra mới được thành lập vào năm 2016 bắt đầu rà soát kỹ lưỡng toàn bộ bằng chứng liên quan tới vụ án, kể cả lời khai của các nhân chứng, họ đã phát hiện ra “một người nổi bật”. Đó là Stig Engström, từng là nhân viên thiết kế đồ họa của công ty bảo hiểm Skandia vốn tọa lạc rất gần hiện trường xảy ra vụ án năm xưa.
Điều đáng nói là ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc điều tra sau khi Thủ tướng Olof Palme bị ám sát, Stig Engström đã được coi là nhân chứng và được cảnh sát xét hỏi vài lần. Stig Engström khai rằng mình là một trong những người đầu tiên có mặt ở hiện trường, giúp sơ cứu cho Thủ tướng Olof Palme. Tuy nhiên, lời khai này không khớp với thông tin mà các nhân chứng khác cung cấp. Theo đó, họ không hề nhận thấy sự hiện diện của Stig Engström tại hiện trường vụ án. Stig Engström sau đó liên tục thay đổi lời khai nhưng không hiểu vì lý do gì mà lúc bấy giờ, y chỉ bị cảnh sát coi là “nhân chứng không đáng tin”, “người muốn gây sự chú ý”.
Stig Engström được biết đến là người “có khả năng tiếp cận” và “không xa lạ" với vũ khí vì từng ở trong quân ngũ và là thành viên của một câu lạc bộ bắn súng. Y còn thường xuyên đi làm về muộn, rượu chè cũng như túng thiếu tiền bạc. Theo lời người thân và những ai quen biết, Stig Engström “rất không ưa” Thủ tướng Olof Palme và các chính sách của ông. Miêu tả của một số nhân chứng về sát thủ bỏ trốn khỏi hiện trường là một người đàn ông mặc áo khoác dài, đội mũ lưỡi trai, đeo kính, đeo một chiếc túi nhỏ đều hoàn toàn trùng khớp với ngoại hình của Stig Engström.
“Vết thương sẽ lành”
Với những bằng chứng đã đề cập ở trên, các nhà điều tra hiện nay của Thụy Điển cho rằng, đáng lẽ ra Stig Engström phải sớm bị bắt giam sau khi xảy ra vụ ám sát. “Theo tôi, khi đó hoàn toàn có đủ bằng chứng để bắt giam Stig Engström. Nếu như vậy, chúng ta đáng lẽ đã có cơ hội lục soát nơi làm việc, chỗ ở, khám xét quần áo của y và có thể tìm thấy hung khí. Nếu nhóm điều tra hiện nay có mặt ở thời điểm đó, y đã bị bắt giữ”, tờ The Guardian dẫn lời Trưởng công tố viên Krister Petersson phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây.
Như vậy, Stig Engström đã được nêu đích danh là nghi can chính của vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme hơn 30 năm về trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là đối tượng Stig Engström đã chết từ năm 2000 mà nguyên nhân được cho là do tự sát. Vì Stig Engström đã chết nên theo ông Krister Petersson, các cơ quan chức năng Thụy Điển không thể buộc tội đối tượng và đã quyết định khép lại cuộc điều tra.
Trong một tuyên bố, các con trai của cố Thủ tướng Olof Palme cho rằng, Stig Engström có tội và kết luận của các cơ quan chức năng là “thuyết phục”. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven bày tỏ hy vọng vụ án khép lại sẽ giúp “vết thương hở” năm xưa “lành lại”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/ven-man-bi-mat-622937