Vén màn bí mật phía sau các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe ảo
Tự vẽ lên những 'Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe' trên mạng xã hội, nhóm đối tượng hứa hẹn với nhiều người về việc cấp Giấy phép lái xe giá rẻ mà không phải học, thậm chí chẳng cần thi. Nhưng sau khi đã thu được tiền, các nhà tổ chức… biến mất.
Chuyên án được CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ khám phá thành công, không chỉ đáng trách về nhận thức của bộ phận không nhỏ những bị hại mắc bẫy lừa mà đáng ngại hơn là nguy cơ bất an đối với cộng đồng từ những Giấy phép lái xe (GPLX) giả.
Mất tiền thật, nhận bằng giả
Khoảng giữa năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Thọ nắm được thông tin một đường dây bán GPLX giả trên mạng xã hội với giá rẻ, thậm chí người mua không cần phải học cũng chẳng cần phải đi thi. Theo đó, những người có nhu cầu đăng ký xin cấp, đổi GPLX ô tô, mô tô, chỉ trong vòng 7 - 10 ngày có thể nhận được GPLX và hồ sơ sát hạch được ship đến tận nơi ở. Đi sâu xác minh, các trinh sát phát hiện nhiều trang, Fanpage trên danh nghĩa là các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, chạy quảng cáo tự động với nội dung: “Nhận làm GPLX các hạng A1, A2, B1, B2…” và luôn cam kết “GPLX thật 100%, có mã QR.
Người có nhu cầu chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh và căn cước công dân để đăng ký, sau đó trung tâm sẽ cử người thi hộ, bao đỗ và được Sở Giao thông vận tải cấp GPLX, có đầy đủ hồ sơ gốc. Khi nhận được hồ sơ và GPLX mới phải trả tiền...”. Các trang Fanpage có dạng quảng cáo nội dung như trên do vi phạm chính sách “Cảnh báo lừa đảo” của mạng xã hội Facebook nên thường chỉ chạy quảng cáo được 4 - 5 ngày là bị quản trị mạng khóa trang. Cũng vì vậy, các đối tượng liên tục thay đổi nhiều nick và trang Fanpage khác nhau để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Trong khi các trinh sát đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ để xác minh thì cơ quan điều tra cũng tiếp nhận đơn tố giác của anh Nguyễn (SN 1987) và anh Xuân (SN 1976, cùng trú ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Theo trình bày của 2 người này, họ có GPLX ô tô chưa hết hạn nhưng bị cũ nát nên muốn đổi lại. Qua Facebook, anh Nguyễn và anh Xuân đọc được quảng cáo nhận cấp, đổi GPLX, thủ tục nhanh gọn nên đã nhắn tin, hỏi thủ tục. Sau khi 2 anh trao đổi thì người điều hành trang đã cho số điện thoại và kết bạn với Facebook có tên là “Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe” để trao đổi thông tin. Người này cam kết GPLX là do Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ cấp; thỏa thuận giá nhận đổi GPLX cho anh Nguyễn là 2 triệu đồng, anh Xuân là 1,3 triệu đồng… Anh Nguyễn và anh Xuân đồng ý, tuy nhiên sau khi nhận được GPLX và kiểm tra thì cả 2 phát hiện không đúng với số GPLX cũ. Do nghi vấn đây là GPLX giả nên các bị hại đã nhắn tin, gọi điện đòi lại số tiền đã nộp thì đối tượng cắt liên lạc. Khẳng định đã bị các đối tượng lừa đảo, hai người đã đến Phòng CSHS Công an tỉnh Phú Thọ trình báo.
Những kẻ giấu mặt trên không gian mạng
Xác lập chuyên án đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Phú Thọ đã dựng được đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, liên quan đến Phạm Văn Vượng (SN 1994, quê quán xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
Trong đường dây này, các đối tượng có sự phân công, chia nhỏ công đoạn, đặc biệt vận dụng tối đa giao dịch qua mạng xã hội nhằm đối phó cơ quan chức năng. Thời điểm trinh sát xác định được manh mối đường dây tội phạm này cũng là lúc Phạm Văn Vượng và nhóm đối tượng nghi vấn đang thuê căn hộ chung cư tại một khu đô thị ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ngày 6-10, các tổ công tác Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra và thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng. Ngoài Phạm Văn Vượng, Ban chuyên án làm rõ các đối tượng liên quan gồm Trần Nhung Huyền (SN 2005, quê quán Nho Quan, Ninh Bình), Hoàng Văn Đằng (SN 1995), Tống Xuân Duy (SN 2003), Cao Thị Hiền (SN 2003), cả 3 cùng quê quán ở Giao Thủy, Nam Định. Cơ quan điều tra cũng đã tạm giữ 8 chiếc điện thoại di động chứa nhiều thông tin liên quan đến hành vi lừa đảo và làm giả GPLX.
Lời khai của các đối tượng thể hiện, từ tháng 6 đến tháng 10-2022, Vượng đã tạo ra nhiều trang Fanpage lấy tên là: “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Ngọc Hà”; “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Cầu Giấy”; “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Dương”; “Trung tâm Đào tạo lái xe Thành Công”… để chạy quảng cáo nhận cấp, đổi GPLX các hạng, cam kết là “trung tâm sẽ cử người đứng ra bao thi hộ chọn gói, được sở GTVT cấp giấy phép lái xe thật 100%, có mã QR và đầy đủ hồ sơ gốc…” nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu đăng ký xin cấp, đổi GPLX. Với vai trò chủ mưu, Vượng rủ Duy, Hiền, Đằng đến ở cùng căn hộ chung cư nhằm thuận tiện bàn bạc, thống nhất phân công nhiệm vụ.
Từ trang Fanpage, Vượng chia ra các tài khoản nhỏ có liên kết với ứng dụng Pancake V2 để giao cho 3 đối tượng này theo dõi, mời chào, chốt đơn với người có nhu cầu đăng ký xin cấp, đổi GPLX. Mức giá chung cho một bộ hồ sơ GPLX các đối tượng đưa ra là: GPLX môtô giá 1,3 triệu đồng/bộ, GPLX ôtô giá 4,5 triệu đồng/bộ.
Khi có người nhận chốt đơn đăng ký xin cấp, đổi GPLX thì Duy, Hiền, Đằng chuyển thông tin cho Vượng qua ứng dụng tin nhắn Telegram. Vượng có trách nhiệm liên hệ với người khác làm giả hồ sơ và GPLX, sau đó gửi dịch vụ ship hàng nhanh dưới hình thức ship COD (thanh toán tiền sau khi nhận hàng). Vượng chia cho người đã nhận chốt được đơn hàng theo tỷ lệ.
Triệt phá trò lừa đảo tinh vi
Nhằm tạo sự tin tưởng cho khách, các đối tượng đã soạn sẵn ra bộ mẫu các câu trả lời một số tình huống thường gặp, rồi lưu sẵn trong điện thoại. Trong trường hợp khách hàng có thắc mắc, hoặc đưa ra câu hỏi về thủ tục cấp, đổi GPLX thì các đối tượng chỉ việc copy lại.
Tinh vi hơn, có trường hợp khi khách nghi ngờ về tính pháp lý của GPLX (như trường hợp của anh Nguyễn đã gửi đơn trình báo) thì Duy tự giới thiệu là cán bộ của trung tâm đào tạo sát hạch lái xe để tư vấn nhằm tạo lòng tin. Duy khẳng định với anh Nguyễn rằng GPLX được cấp là thật, do Sở Giao thông vận tải cấp, có hồ sơ gốc để từ đó anh Nguyễn yên tâm sử dụng. Bên cạnh đó, nhằm dẫn dụ người có nhu cầu, các đối tượng cam kết chỉ trong 5 - 7 ngày kể từ khi đặt hàng thì GPLX sẽ được giao đến tận nhà. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã tạm giữ 127 bộ hồ sơ sát hạch lái xe và GPLX của người bị hại để phục vụ công tác điều tra.
Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 14-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với: Phạm Văn Vượng, Hoàng Văn Đằng, Tống Xuân Duy, Cao Thị Hiền về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Mở rộng điều tra vụ án, ngày 27-10, cơ quan điều tra đã ra lệnh giữ khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Năm (SN 1974, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ban đầu là người mua GPLX, sau đó Năm đã thống nhất với Duy để “gom khách” tiếp nhận thông tin đăng ký xin cấp, đổi GPLX của 20 người trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hòa Bình. Sau đó, chuyển cho Duy làm giả hồ sơ và GPLX để hưởng tiền chênh lệch.
Đánh giá một trong những yếu tố khiến các đối tượng trong đường dây này có thể lừa đảo dễ dàng, chỉ huy Phòng CCHS Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, thứ nhất là công nghệ làm giả hết sức tinh vi, có thể quét mã QR lên chính xác thông tin của khách hàng nên với những người không có kiến thức thì cơ bản là không phân biệt được tính thật giả của GPLX. Thứ hai, nhiều người dân vẫn cả tin cho rằng có thể mua được GPLX thật trên mạng với giá rẻ, không cần đi học, đi thi và thời gian lấy bằng rất ngắn nếu chịu chi. Từ 2 yếu tố này, người nọ cứ thế rỉ tai người kia và rồi tất cả cùng sập bẫy. Theo cơ quan điều tra, khi hành vi sử dụng GPLX giả bị phát hiện thì cá nhân người sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và có thể bị xử lý hình sự.
Đánh giá một trong những yếu tố khiến các đối tượng trong đường dây này có thể lừa đảo dễ dàng, chỉ huy Phòng CCHS Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, thứ nhất là công nghệ làm giả hết sức tinh vi, có thể quét mã QR lên chính xác thông tin của khách hàng nên với những người không có kiến thức thì cơ bản là không phân biệt được tính thật giả của GPLX. Thứ hai, nhiều người dân vẫn cả tin cho rằng có thể mua được GPLX thật trên mạng với giá rẻ, không cần đi học, đi thi và thời gian lấy bằng rất ngắn nếu chịu chi.