Vén màn cách thức 'hạ cấp ngầm' của đội ngũ ông Trump

Nhiều hoạt động của chính phủ Mỹ được cho là đang bị đình trệ do các yêu cầu phê duyệt tài chính nghiêm ngặt từ chính quyền Tổng thốn Donald Trump và Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE).

Hàng loạt cơ quan liên bang Mỹ đang rơi vào trạng thái đình trệ một phần, khi các hoạt động tài chính cơ bản bị trì hoãn hoặc bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump và Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE), theo Washington Post.

Dù về mặt pháp lý các cơ quan vẫn tồn tại và hoạt động, trên thực tế, nhiều chức năng quan trọng đã bị “tê liệt mềm” do không được phê duyệt kinh phí đúng hạn.

Quá trình phỏng vấn của Washington Post với hơn một chục nhân viên liên bang tại 8 cơ quan khác nhau cùng hàng loạt tài liệu nội bộ phản ánh tình trạng trì trệ diễn ra trên diện rộng và có hệ thống.

Yêu cầu bị treo

Tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), hoạt động nghiên cứu ở 11 phòng thí nghiệm đang bị ngưng trệ hoàn toàn. Các phòng thí nghiệm này, thuộc Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển (ORD), đang tiến hành những nghiên cứu về ô nhiễm không khí, nguồn nước và các chất độc hại như PFAS, còn gọi là “hóa chất vĩnh cửu”.

Tuy nhiên, việc yêu cầu mua sắm thiết bị mới ở các cơ quan nêu trên bị yêu cầu phải được phê duyệt trực tiếp từ các quan chức do ông Trump bổ nhiệm.

“Chúng tôi đã gửi nhiều yêu cầu chi tiêu nhưng không được hồi đáp”, một nhân viên ORD chia sẻ với Washington Post. “Họ không từ chối, cũng không chấp thuận, cứ như một hình thức phủ quyết nghiễm nhiên”.

Phát ngôn viên Molly Vaseliou của EPA nói rằng “không có đề xuất tài trợ nào từ ORD bị từ chối”. Tuy nhiên, theo ba nhân viên tại cơ quan này, phần lớn các yêu cầu vẫn đang bị trì hoãn mà không có lý do rõ ràng.

Tình hình tại Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thuộc Bộ Thương mại cũng không khả quan hơn. Sau khi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick được Thượng viện phê chuẩn vào tháng 2, ông ban hành quy định yêu cầu rà soát mọi hợp đồng và trợ cấp từ 100.000 USD trở lên. Các hợp đồng dưới mức này cũng phải được thông qua bởi các quan chức cấp cao, theo Washington Post.

Một bản ghi nhớ nội bộ tiết lộ rằng hơn 3.000 yêu cầu đang tồn đọng tại văn phòng của ông Lutnick. Riêng NOAA đã nộp gần 1.000 yêu cầu, trong đó 250 kiến nghị được gửi trực tiếp cho ông Lutnick và ông mới chỉ phê duyệt hơn một nửa.

 Hoạt động tại một số cơ quan nghiên cứu thuộc ORD và NOAA đang bị đình trệ do yêu cầu chi tiêu bị treo. Ảnh: Văn phòng Hạ nghị sĩ Frank Pallone.

Hoạt động tại một số cơ quan nghiên cứu thuộc ORD và NOAA đang bị đình trệ do yêu cầu chi tiêu bị treo. Ảnh: Văn phòng Hạ nghị sĩ Frank Pallone.

Việc đình trệ không chỉ dừng lại ở EPA hay NOAA. Tại Cơ quan An sinh Xã hội, một số nhân viên đang phải đối mặt với tình trạng hết giấy, bút và mực in do DOGE áp đặt giới hạn chi tiêu chỉ 1 USD đối với thẻ tín dụng do chính phủ cấp.

DOGE, tuy không phải cơ quan cấp nội các, nhưng có ảnh hưởng rõ rệt đến các thủ tục chi tiêu hành chính. Những hạn chế của DOGE, kết hợp với các quy định mới từ chính quyền Tổng thống Trump, khiến ngay cả những nhu cầu hành chính đơn giản nhất cũng khó được đáp ứng.

Tình trạng này dẫn đến việc các hoạt động nghiên cứu, phân tích và thậm chí là duy trì cơ sở hạ tầng đều bị ảnh hưởng. Ông Craig McLean, cựu quan chức nghiên cứu cấp cao tại NOAA với hơn 40 năm công tác, bình luận: “Bất kể nhìn ở đâu, chúng ta cũng thấy sự trì trệ và phức tạp phát sinh từ những quy định phi lý mà bộ trưởng đưa ra”.

Ông McLean cảnh báo rằng các thiết bị cơ bản như khí heli dùng cho thả bóng bay dự báo thời tiết và tàu khảo sát đại dương có thể sẽ không được cung ứng kịp thời, làm ảnh hưởng đến năng lực theo dõi khí tượng và khoa học biển của Mỹ.

 Craig McLean, cựu quan chức nghiên cứu cấp cao tại NOAA. Ảnh: NOAA.

Craig McLean, cựu quan chức nghiên cứu cấp cao tại NOAA. Ảnh: NOAA.

Giới chuyên gia và một số cựu quan chức liên bang bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp kiểm soát này có thể gây ra hậu quả lâu dài đối với năng lực hoạt động và minh bạch tài chính trong chính phủ.

Việc trì hoãn phê duyệt kinh phí không những gây lãng phí thời gian, mà còn cản trở tiến trình nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ công.

Một số nhân viên liên bang cho rằng tình trạng hiện tại là biểu hiện của nỗ lực “hạ cấp ngầm” nhiều cơ quan hành pháp mà không cần đến các quyết định chính thức từ Quốc hội.

“Đây là cách khiến các cơ quan dần mất khả năng hoạt động mà không cần phải giải thể chúng trên giấy tờ”, Washington Post dẫn lời một nhân viên EPA giấu tên nhận định.

Giới quan sát lo ngại tình trạng này đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của các cơ quan như DOGE, vốn hoạt động mà không chịu sự giám sát chặt chẽ từ Quốc hội hay công chúng. Sự thiếu minh bạch trong quá trình phê duyệt và chi tiêu có thể mở đường cho các hành vi thiên vị hoặc lợi ích nhóm.

Ảnh hưởng dây chuyền

Giữa làn sóng siết chặt chi tiêu và thủ tục hành chính ngày càng rắc rối, công chức liên bang, những người trực tiếp vận hành guồng máy chính phủ, đang đối mặt với áp lực chưa từng có. Không chỉ thiếu nguồn lực để làm việc, họ còn lo ngại bị liên đới trách nhiệm nếu xảy ra trì trệ hoặc sai sót.

Một số nhân viên tại EPA cho biết họ phải mang thiết bị cá nhân đến cơ quan để duy trì tiến độ công việc, từ máy tính xách tay đến vật tư văn phòng đơn giản như giấy in hay bút viết. “Có hôm tôi phải dùng tiền túi để in tài liệu ở ngoài rồi mang vào làm việc”, một nhà nghiên cứu chia sẻ với Washington Post.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Cơ quan An sinh Xã hội. Washington Post dẫn lời các nguồn tin nội bộ cho biết nhiều nhân viên đã phải dùng giấy tái sử dụng và hạn chế in ấn tài liệu để tiết kiệm mực: “Chúng tôi đang làm công việc phục vụ hàng triệu người dân, nhưng lại không được cấp đủ bút và giấy".

 Cơ quan An sinh Xã hội cũng không thoát cảnh đình trệ hoạt động. Ảnh: Reuters.

Cơ quan An sinh Xã hội cũng không thoát cảnh đình trệ hoạt động. Ảnh: Reuters.

Ngoài gánh nặng vật chất, tinh thần của công chức liên bang cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không ít người bày tỏ sự thất vọng và mất niềm tin vào hệ thống, đặc biệt khi những yêu cầu phục vụ công bị coi nhẹ hoặc cố tình trì hoãn vì yếu tố chính trị.

“Chúng tôi không làm việc vì lợi nhuận. Chúng tôi làm vì sứ mệnh phục vụ công chúng”, một kỹ sư tại NOAA nói. “Nhưng khi mọi việc đều bị chính trị hóa thì động lực và sự cống hiến cũng bị bào mòn dần”.

Nhiều công chức lâu năm chia sẻ rằng họ chưa từng chứng kiến mức độ can thiệp hành chính tinh vi và triệt để như hiện nay. Việc trì hoãn thay vì từ chối công khai khiến họ không thể khiếu nại hoặc có cơ sở để phản hồi chính thức. “Mọi thứ cứ bị giữ lại ở giữa, không được chấp thuận, mà cũng không bị từ chối”, một người gọi đây là “sự ngưng trệ có chủ đích.”

Một nhân viên kỳ cựu tại Bộ Thương mại nói với Washington Post: “Hệ thống đang bị làm cho yếu đi từ bên trong. Và chúng tôi, những người gánh vác nó mỗi ngày, đang dần kiệt sức”.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ven-man-cach-thuc-ha-cap-ngam-cua-doi-ngu-ong-trump-post1552793.html