Vẹn nguyên bông huệ trắng
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tâm sự: 'Tôi viết bài thơ 'Trên đường hành quân' đầu năm 1975 và được in số Tết Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm Bính Thìn 1976. Lúc đó tôi đã nghĩ thơ được in như vậy thì con đường văn học của mình sẽ dễ dàng. Vậy mà không phải thế'.
Ông tâm sự tiếp: “Cho mãi tới năm 1995, tức là 20 năm sau, khi tôi viết bài thơ “Bông huệ trắng”, gửi về tòa soạn Văn nghệ Quân đội và được nhà thơ Vương Trọng biên tập. Nhà thơ vốn là cử nhân toán này đã viết thư cho tôi: “Đây là bài thơ rất xúc động viết về đề tài thương binh liệt sĩ thời kỳ sau chiến tranh chống Mỹ”.
Bài thơ được in vào số 12 năm 1995 và nó như là “định mệnh” đối với anh bộ đội trẻ Nguyễn Hữu Quý, không phải vì bài thơ được tặng thưởng “Tác phẩm xuất sắc” của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm đó mà là vì cũng từ đấy “con đường văn học” của người lính 559 (bộ đội Trường Sơn) mới thực sự rõ ràng. Nó “chấm dứt” quãng thời gian 20 năm cây bút chiến sĩ Nguyễn Hữu Quý trăn trở đi tìm.
Cũng từ đây giọng thơ chủ đạo của Nguyễn Hữu Quý là giọng thơ chân tình trong chủ đề xuyên suốt, đó là: Những người lính Trường Sơn và những hy sinh mất mát không gì bù đắp nổi. Ở bài thơ “Bông huệ trắng”, ông đã kể lại câu chuyện những người lính hy sinh tay cầm bông hoa huệ trắng đêm đêm trở về. Câu chuyện nghe có vẻ “hoang đường” nhưng thực sự là một câu chuyện “rất đời” bởi chỉ có những người lính trẻ tuổi đã nằm lại trên chiến trường khốc liệt trong lòng luôn mong ngóng được trở về nhà thăm mẹ, thăm quê.
Ông đã viết: “Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ Giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ Những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ Giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ Người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ Giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ Những người lính trở về cười ngượng nghịu/ Giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa”. “Định mệnh” này đã dẫn Nguyễn Hữu Quý đến hẳn với thơ và đến với đề tài Thương binh liệt sĩ, ông đã gửi gắm vào đó cảm xúc của mình với giọng thơ huyền bí.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tuổi Bính Thân (1956), cái tuổi mà mọi người hay bảo là “ngậm ngùi” ấy dường như cũng có gì đấy như “gắn” vào tâm hồn của ông. Nguyễn Hữu Quý tâm sự: “Tôi sinh ra ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nơi chốn đó có con sông Gianh một thời chia cắt đàng ngoài với đàng trong, đổ ra biển Đông”. Nghe ông nói chuyện tôi mới hay rằng tên cổ của con sông là Linh Giang, đến thời phân tranh Trịnh - Nguyễn thì người ta gọi là Ranh, nghĩa là ranh giới. Khi sự chia cắt không còn nữa nên người dân gọi là sông Gianh, cái tên nghe đỡ buồn đau.
Cũng hình như từ chốn sinh thành ấy, nơi suốt những tháng năm đánh Mỹ là tuyến lửa đạn bom và những trận chiến đấu chống trả không quân Mỹ của quân dân Quảng Bình, cũng là nơi đêm ngày từng đoàn quân hăm hở vào trận đã gieo vào lòng cậu bé làng cửa sông những ước vọng được góp một phần nhỏ của mình vào cuộc chiến đấu chung. Và cậu học sinh cấp 3 Bố Trạch tình nguyện đi bộ đội sau khi tốt nghiệp phổ thông. Cậu trở thành “người lính Trường Sơn” một cách tự nhiên. Sau hai tháng huấn luyện Nguyễn Hữu Quý về Trường 975, một cơ sở đào tạo lái xe máy phục vụ việc mở đường “Hồ Chí Minh” huyền thoại. Nguyễn Hữu Quý nhớ lại: “Thành chiến sĩ rồi nhưng rảnh ra là tôi ngồi viết thơ. Hồi học cấp 3 tôi đã rất mê văn học mà”.
Cho đến một ngày của mùa thu năm 1974, thật bất ngờ binh nhất Nguyễn Hữu Quý được đăng chùm thơ 3 bài trên Báo Trường Sơn. Nhớ lại kỷ niệm này ông cười rất vui: “Tờ báo của đoàn 559 ấy có nhà thơ Phạm Tiến Duật làm biên tập viên”. Đó là những bài thơ đầu tiên Nguyễn Hữu Quý viết về Trường Sơn, viết về đồng đội rất hồn nhiên và thật thà: “Có phải em cô gái mở đường/ Vành mũ cứng xanh đủ che hồng khuôn mặt/ Bàn tay em tạo dáng hình đẹp nhất/ Con đường hôm nay con đường mai sau” (Cô gái mở đường).
Có lẽ “bước ngoặt” đưa Nguyễn Hữu Quý đến hẳn với văn học, đến hẳn với thơ, là năm 1996. Năm ấy anh lính Trường Sơn ham làm thơ được Tạp chí Văn nghệ Quân đội mời tham dự Trại viết do Tạp chí mở tại Đồ Sơn. Trại viết có nhiều cây bút trẻ trong quân đội và ngoài quân đội tham dự. Được về dự một trại viết, được gặp gỡ nhiều cây bút đàn anh và cả những cây viết đang phấn đấu như mình nên Nguyễn Hữu Quý như được tiếp thêm động lực.
Ông kể rằng: “Ở trại viết tôi có nhiều đêm tỉnh giấc bất chợt. Nghe tiếng sóng biển ì ầm dội vào bờ đá mà ngỡ như có ai đó đang thầm thì nhắc nhắc. Có một đêm vừa chợp mắt trong trạng thái mơ mơ tôi thấy hiện lên những nấm mồ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ý thơ tự nhiên bật ra, tôi bật dậy và hăm hở viết vì chỉ sợ sáng ra thì những hình ảnh ấy sẽ biến mất”.
Và ông đã viết: “Nằm kề nhau những nấm mộ giống nhau/ Mười nghìn bát hương mười nghìn ngôi sao sáng/ Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/ Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn”. Đó là những xúc cảm bất chợt nhưng chất chứa tấm lòng của một người lính với những đồng đội đã hy sinh. Bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” được hình thành và ra đời như một giấc mộng day dứt. Nguyễn Hữu Quý đã gửi bài thơ đó tham dự Cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức ngay trong năm 1996. Kết thúc cuộc thi, tác giả trẻ Nguyễn Hữu Quý được trao giải Nhì (không có giải Nhất) với “Khát vọng Trường Sơn”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tâm sự: “Đó cũng như là “định mệnh” vì “Khát vọng Trường Sơn” đã đưa tôi trở thành biên tập viên thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội”. Còn nhớ có lần nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết: “Những bài thơ thuở binh nhì của tôi là những bài thơ viết về đường Trường Sơn và về những người lính mở đường Trường Sơn. Và đó cũng là “cái duyên” với tôi, cho tôi gắn bó với “dòng văn học Trường Sơn”.
Rồi ông đọc cho tôi nghe những câu thơ phơi phới từ cái thuở binh nhì đó, như: “Tiếng chim điểm nhịp hành quân/ Cờ lau mở trận trắng ngần gió bay/ Hương hoa rừng khéo nở đầy/ Đọng trên sắc áo dạn dày nắng sương/ Phải chăng qua những nẻo đường/ Ở đâu đất cũng yêu thương tận lòng/ Ông cha vạn thuở anh hùng/ Hóa thành sông núi nhịp cùng ta đi” (Trên đường hành quân).
Nguyễn Hữu Quý không chỉ làm thơ mà ông còn rất tích cực viết văn, viết báo, tích cực hoạt động và công tác hội. Hôm rồi chúng tôi đã có cuộc đi thực tế với nhau ở Bắc Giang. Tôi hỏi luôn ông vì chỉ sợ không hỏi thì sẽ quên mất: “Về Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng có nghĩa là ông thành “người Hà Nội”. Mà đâu có ít ỏi gì, những hơn 20 năm. Vậy mà sao khi được về hưu thì ông lại trở về mảnh đất miền Trung nắng lửa với gió Lào để trở lại làm “dân Quảng Trị”. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý lặng im. Tôi biết sự lặng im của ông không phải là để ông suy nghĩ tìm câu trả lời mà là vì ông không thích nói về mình. Tôi ngồi nhìn ông chờ đợi mãi, mắt tôi mở to như thúc giục ông cứ nói ra đi. Lâu sau nhà thơ Nguyễn Hữu Quý mới nói nhỏ: “Tôi trở về “nơi xuất phát” để tiếp tục cho những xuất phát mới”.
Nói rồi ông vui vẻ kể cho tôi nghe về việc thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Cứ tưởng có 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trở lên ở địa phương là đủ “tiêu chuẩn” lập chi hội nhưng không phải đơn giản thế. Vấn đề là lập chi hội tức là phải làm sao để chi hội đó hoạt động được và được địa phương ủng hộ. Nhà thơ, chi hội trưởng Nguyễn Hữu Quý bằng tấm lòng của mình với mảnh đất Quảng Trị, quê hương thứ hai của mình như ông gọi thế, và bằng trách nhiệm của một nhà thơ có uy tín, đã tập hợp được những nhà văn nhà thơ Quảng Trị lại, họ cùng nhau quyết tâm “xây dựng văn học Quảng Trị thời kỳ dựng xây” sao cho xứng đáng với mảnh đất anh hùng. Tấm lòng và trách nhiệm đó đã lay độnglãnh đạo tỉnh, chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập và được bố trí trụ sở riêng, có phòng đọc (như một thư viện) mang tên “Khát vọng hòa bình”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã xuất bản 26 đầu sách, trong đó có: 6 tập thơ; 4 trường ca; 1 tập truyện ngắn; 4 tập tùy bút, bút ký, tản văn; 3 tập phê bình; 1 tản văn và 3 tập bình thơ thiếu nhi. Ông đã 3 lần được nhận Giải thưởng của Bộ Quốc phòng với các tập trường ca “Sinh ở cuối dòng sông”; “Vạn lý Trường Sơn”; “Hạ thủy những giấc mơ”... Ông cũng đã được nhận Giải thưởng Viết về đề tài Biên giới - Hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca Hạ thủy những giấc mơ” năm 2020.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ven-nguyen-bong-hue-trang-i716264/