Vẹn nguyên ký ức chiến trường

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, dấu ấn về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc không chỉ được khắc ghi trong những trang sử vàng son, mà còn được lưu giữ qua những họa phẩm giàu cảm xúc.

Kho tàng di sản nghệ thuật về chiến tranh cách mạng

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22.4.1925 - 22.4.2025) tên thật là Huỳnh Công Nhãn, từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957 - 1963). Ông là họa sĩ - chiến sĩ tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Huỳnh Phương Đông là bí danh của ông từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, công tác tại Phòng Hội họa giải phóng năm 1964. Bí danh này trở thành bút danh chính thức của ông khi hoạt động mỹ thuật sau ngày thống nhất đất nước.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông gần như đi xuyên suốt thời chiến, có mặt trên muôn nẻo đường, rong ruổi khắp các mặt trận, từ rừng Sác âm u cho đến đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Bên cạnh nhiệm vụ ghi chép các trận đánh chống càn, khắc họa cuộc sống nơi chiến khu bằng tranh, ông còn vẽ chân dung hàng trăm bạn bè và đồng chí - “những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, vô cùng dũng cảm trên chiến trường”. Bằng chì, bằng cọ, mảnh giấy... tất cả những gì có thể tìm thấy trên chiến trường khốc liệt, họa sĩ đã tái hiện vẻ đẹp, chí can trường, sự hy sinh thầm lặng của đồng đội qua 2 cuộc kháng chiến anh dũng. Khi hòa bình lập lại, ông đi dọc Việt Nam, ghi lại dáng hình quê hương đang từng ngày thay da đổi thịt. Họa sĩ đã đến Trị An, Ba Son, Bà Rịa, Hồ Tràm, các căn cứ cũ… để vẽ về sự hồi sinh và khát vọng dựng xây một tương lai tươi sáng.

 Khách tham quan chiêm ngưỡng tác phẩm "Chiến thắng Ấp Bắc". Ảnh: Th. Nguyên

Khách tham quan chiêm ngưỡng tác phẩm "Chiến thắng Ấp Bắc". Ảnh: Th. Nguyên

Bà Lê Thị Thu, phu nhân họa sĩ Huỳnh Phương Đông cho biết: trong cuộc đời 90 năm của ông, có 70 năm gắn bó với mỹ thuật. Trong 70 năm ấy, 30 năm ông sống trong khói lửa chiến tranh. May mắn ông được sống 40 năm trong hòa bình, sau ngày giải phóng đất nước, để sống hết mình cho vẽ tranh, làm tượng. Do hoàn cảnh, dù anh điêu khắc nhưng ông lại vẽ tranh nhiều hơn…

Với hơn 70 năm miệt mài lao động sáng tạo, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã để lại kho tàng di sản nghệ thuật quý giá với hàng nghìn tác phẩm, tập trung vào chủ đề con người và phong cảnh, mà nổi bật nhất là mảng đề tài chiến tranh cách mạng.

Ngay trong thời chiến, những ký họa ám mùi khói súng, lấm bụi hành quân của ông đã vượt giới tuyến ra Bắc, in thành những bộ tranh làm nao lòng công chúng. Có bức qua tháng năm trở thành tư liệu quý để chính họa sĩ sau này dựng nên những bức sơn dầu lớn, gắn với các trận đánh lịch sử như Trận cầu Chữ Y, Trận giải phóng Lộc Ninh... Trong số đó nổi bật là ba tác phẩm: Trận La Ngà, Trận Ấp Bắc, Trận Bình Giã đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

“Người chép sử” bằng màu và nét

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) ví von: “Huỳnh Phương Đông có thể là biểu tượng của giới văn nghệ sĩ tham gia cuộc kháng chiến vĩ đại. Tác phẩm của ông không tính đếm được bằng số lượng...”. Tranh được gìn giữ cẩn thận qua thời gian. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ, không ít bức ký họa và tranh màu nước đã bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và chất liệu giấy thời chiến. Một phần tác phẩm được trưng bày trong triển lãm lần này đã trải qua quá trình bảo quản, phục hồi và tu sửa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhận định: những tác phẩm và ký họa, trực họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông không đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật mà còn là chứng nhân lịch sử cho sự hy sinh, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Mảng ký họa chân dung thể hiện chân thực, sinh động về những con người đã sống và chiến đấu, anh dũng quên mình đi qua cuộc chiến. Họ là đồng đội, đồng chí, là những dũng sĩ, chiến sĩ biệt động, thanh niên xung phong, chiến sĩ giao liên... được thể hiện bằng những nét bút vẽ vội như chạy đua với thời gian, bằng tất cả những gì có thể vẽ được nơi đạn lửa. Tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã mang đến những cảm xúc khó quên, sâu sắc về cuộc chiến, khiến người xem cảm giác như đang có mặt tại chính nơi chiến trường khốc liệt ấy.

Từng ấn tượng với các bức ký họa chiến trường của họa sĩ Huỳnh Phương Đông và các họa sĩ cùng thời kỳ ngay từ thời thơ ấu, NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Khi xem các bức ảnh từ chiến trường, chúng ta thấy những đau thương của cuộc chiến, nhưng nhìn ngắm ký họa với chất liệu thuốc nước, bút sắt, chì… của các họa sĩ, tôi có ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ”.

Trong đó, dấu ấn đậm nhất của họa sĩ Huỳnh Phương Đông là ký họa trong kháng chiến chống Mỹ với các bức tranh trực họa, lột tả được thần thái của người đối diện. Hòa bình lập lại, ông dùng ký họa, phác thảo để dựng thành tranh kích thước lớn. Nhiều phác thảo chưa thành tranh, nhưng mang đầy cảm xúc về cuộc chiến. “Họa sĩ Huỳnh Phương Đông và các thế hệ họa sĩ - chiến sĩ đã là một phần quan trọng trong nghệ thuật thời kỳ này, khẳng định giá trị, dấu ấn trong giai đoạn lịch sử không thể nào quên của cả dân tộc”, NSND Vương Duy Biên khẳng định.

Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), 100 năm ngày sinh chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông, ngày 11.4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông tổ chức khai mạc triển lãm Hành trình Huỳnh Phương Đông, trưng bày 151 tác phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ.

30 năm sống trong khói lửa chiến tranh, ngót 40 năm trong hòa bình xây dựng đất nước, nhưng số tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông về chiến tranh cách mạng vẫn nhiều hơn tranh về hòa bình. Họa sĩ từng chia sẻ: “Đây là tấm lòng, tình cảm của tôi với nhiều nỗi băn khoăn đối với cuộc chiến đấu của dân tộc, quá lớn lao, quá cao đẹp, quá nhiều anh hùng, chiến sĩ, liệt sĩ. Tôi chưa thể ghi được, vẽ được hết sự ác liệt của chiến tranh, nỗi gian nan, nét anh hùng của Nhân dân ta, dân tộc ta với nhiều gương sáng tuyệt vời”.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ven-nguyen-ky-uc-chien-truong-post409983.html