Chuyện của người lính chiến trường đón mừng chiến thắng trước cổng Dinh Độc Lập
Khi được hỏi về những ký ức trong ngày tiến về Sài Gòn, tận mắt thấy cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, những câu chuyện về các trận đánh ác liệt, lúc cắm cờ tại Dinh tỉnh trưởng Lâm Đồng, cho đến thời khắc cùng người dân thổi cơm ăn mừng chiến thắng trong ngày 30/4/1975 ngay trước cổng Dinh Độc Lập cứ dần hiện lên trong tâm trí của người lính chiến trường năm xưa Nguyễn Thế Tám (70 tuổi, phường Trường Thi, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Với những thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Thế Tám đã được Nhà nước, tỉnh Nam Định trao tặng nhiều bằng khen, huân chương, huy chương.
Ông Nguyễn Thế Tám chia sẻ, tháng 6/1974 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Sau hơn 3 tháng huấn luyện gian khổ với các bài tập như: làm quen, sử dụng thành thạo súng trường, tự sơ cứu vết thương nhỏ, tập chiến đấu, hành quân trong đêm…, ông và các đồng đội nhận lệnh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Hơn 2 tháng hành quân băng rừng, vượt suối với muôn trùng hiểm nguy khi thường xuyên bị các máy bay địch tập kích bắn đạn, ném bom, tháng 11/1974, ông Tám và các đồng đội vào đến tỉnh Tây Ninh. Sau đó, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 với nhiệm vụ giải phóng tỉnh Lâm Đồng, thị xã Xuân Lộc; tiếp quản Dinh Độc Lập, cảng Bạch Đằng, Đài phát thanh.
Nhớ lại trận đánh đầu tiên, ông Nguyễn Thế Tám cho biết đó là trận đánh Định Quán, thuộc tỉnh Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai). Trận đánh bắt đầu từ ngày 10/3/1975, với mục đích làm chủ đường huyết mạch 20. Đây là một trận đánh rất khó khăn cho bộ đội vì nơi đây được xây dựng lô cốt kiên cố, lực lượng địch đông và được trang bị hỏa lực mạnh.
Sau nhiều trận giao tranh mà chưa bên nào có lợi thế, quân ta quyết định đổi cách đánh bằng việc tập trung hỏa lực bắn phá vào các vị trí mà quân địch đang ẩn náu tại La Ngà, điểm cao 112, điểm cao 258... để yểm trợ cho bộ binh tiến quân. Mặc dù, địch đã huy động thêm quân, máy bay chi viện tăng cường đánh bom vào trận địa của ta, nhưng với tinh thần chiến đấu quật cường, anh dũng, quân ta đã giải phóng được Định Quán vào ngày 18/3/1975.

Ông Nguyễn Thế Tám nâng niu chiến tích tịch thu được của quân địch trong thời gian tham gia giải phóng Sài Gòn.
Sau chiến thắng tại Định Quán, sư đoàn nơi ông Tám tham gia chiến đấu nhận được lệnh tiến quân theo đường 20 vào giải phóng tỉnh Lâm Đồng. Sáng 28/3, quân ta đồng loạt tấn công và giải phóng thị xã B'Lao, quận Di Linh cùng một số địa điểm khác. Sau những thất bại liên tiếp ở các mặt trận, quân địch nhanh chóng tan rã, đầu hàng, tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn được giải phóng.
Trước chiến dịch, Tiểu đội của ông được cấp trên giao nhiệm vụ cắm cờ tại những nơi đã được giải phóng và ông là người trực tiếp tham gia cắm cờ cách mạng tại Dinh tỉnh trưởng Tuyên Đức Lâm Đồng.
Tiếp đà thắng lợi, ngày 9/4, Quân đoàn 4 cùng với các cánh quân khác được lệnh tiến đánh thị xã Xuân Lộc, cách Sài Gòn khoảng 90km, nơi đây được coi là “bức tường thép” án ngữ Sài Gòn. Nếu giải phóng được Xuân Lộc, quân ta dễ dàng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Ông Tám nhớ lại, trận chiến ở đây rất khốc liệt, trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được 1/2 thị xã. Tuy nhiên sau đó, địch tăng cường chi viện quân số lẫn hỏa lực quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, khiến quân ta phải chịu nhiều tổn thất. Bằng mưu trí cùng sự gan dạ, lòng dũng cảm, quân ta đã thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp sang bao vây chia cắt, khiến trận địa quân địch rối loạn. Ngày 21/4/1974, quân ta đã giải phóng được thị xã Xuân Lộc, làm hệ thống phòng thủ địch ở Sài Gòn rung chuyển.

Ông Nguyễn Thế Tám và cựu chiến binh trong tổ dân phố ôn lại kỷ niệm thời gian trong quân ngũ.
Sáng 29/4/1975, Quân đoàn 4 nơi ông Tám tham gia chiến đấu được lệnh tiến về đánh chiếm Hố Nai - Biên Hòa. Sau khi buộc quân địch phải buông súng đầu hàng, cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đến khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, các mũi tiến công của Quân đoàn 4 mới tiến vào Dinh Độc Lập.
Ông Tám nhớ lại, lúc đó, bộ đội ta được người dân chào đón nồng nhiệt, cờ hoa ngập tràn 2 bên đường chào mừng bộ đội giải phóng. Chiều 30/4/1975, nhiều người dân mang đủ các loại hoa quả, rau củ, thịt cá, xoong nồi... tổ chức nấu ăn luôn tại trước cửa Dinh Độc Lập để mừng chiến thắng, mừng ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Ông và các đồng đội khi ấy cảm xúc dâng trào, rất xúc động trước tình cảm của người dân dành cho những người lính.
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Thế Tám tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Tại mặt trận này, ông và các đồng đội đã chiến đấu kiên cường, từng bước đẩy lùi quân Khmer đỏ về sâu trên đất Campuchia. Trong một trận đánh ác liệt năm 1978, ông bị thương và phải cắt đi một cánh tay, với tỷ lệ thương tật 71%. Sau thời gian điều trị vết thương ở Bệnh viện 175 Sài Gòn, ông trở về quê hương và lập gia đình sau đó.
Với những thành tích trong quá trình tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Thế Tám đã được Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Nam Định trao tặng nhiều bằng khen, huân chương, huy chương.
Ông Phạm Văn Thắng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 14, phường Trường Thi, thành phố Nam Định cho biết, cựu chiến binh Nguyễn Thế Tám là một công dân gương mẫu, luôn chấp hành và đi đầu trong các phong trào tại địa phương, được người dân quý mến. Thông qua những câu chuyện của ông về những thời khắc lịch sử đã làm cho người dân trong tổ dân phố, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết hơn về lịch sử, từ đó trân trọng và biết ơn những công lao to lớn của thế hệ cha ông - những người đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.