Vẹn nguyên tình bạn
Mùa đông ở Tây Bắc những ngày gió mùa về khiến bầu trời mang một màu u ám. Từng cơn gió nối nhau ào ạt thổi. Gió làm tung mái tóc mây của cô con gái cố nép mình nơi lưng áo bố. Gió vi vu ngang qua những đồi mía đang mùa thu hoạch làm lay động cả một vạt nương... Tôi nhớ, ngày bố còn sống, mỗi khi gió mùa về thế nào bố cũng nhắc: 'Cái lạnh đầu mùa thường 'độc' lắm nên mấy đứa mặc áo ấm vào'. Nhưng từ ngày bố đi xa thì mẹ lại thay bố nhắc con, khuyên cháu.
Về tới sân chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu, con bé nhanh chân chạy vào nhà cất tiếng gọi: “Bà nội ơi, con đi học về rồi”. Hóa ra mẹ tôi đang hì hụi nơi căn bếp nhỏ, mẹ vừa cười vừa thoăn thoắt gói ghém cơ man nào đồ. Mẹ đang đóng gói chút quà quê để sớm mai nhà anh cả về quê mẹ gửi biếu bác Thủy. Mùi của túi nấm hương rừng thơm thoang thoảng, lại có chút nấm mèo, vài cân nếp nương... mẹ bảo tất cả đều là đồ mẹ đi chợ sớm mua của bà con dân bản.
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết là mẹ lại mua quà quê gửi biếu vợ chồng bác Thủy và lần nào chuẩn bị quà là đôi mắt mẹ lại sáng rực, nụ cười hiển hiện trên môi, cùng tiếng chẹp miệng nho nhỏ như đang hoài niệm quá khứ. Những túi quà thể hiện tấm lòng, tình cảm mẹ dành cho gia đình bác Thủy khiến tôi luôn ngưỡng mộ. Tình bạn mấy chục năm mẹ gìn giữ và trân trọng như báu vật vì như mẹ thường dạy chúng tôi: “Trên đời có nhiều thứ mua được bằng tiền nhưng chỉ có tình cảm, sự chân thành là không thể mua được”.
Mẹ kể, gia đình bác Thủy là bạn cùng làng của bố mẹ những ngày hai người mới cưới nhau ở quê. Thế rồi, hai bác lên Tây Bắc lập nghiệp. Những năm đầu mới cưới, kinh tế bố mẹ tôi rất khó khăn, chật vật. Bác Thủy bảo lên Tây Bắc làm kinh tế mới, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó là sẽ có của ăn của để. Hai bác gợi ý bố mẹ tôi lên miền núi làm ăn, nếu có khó khăn thì hai bác sẽ giúp.
Những ngày đầu mới lên Tây bắc vì lạ nước lạ cái, thời tiết khắc nghiệt, hai anh em tôi ốm suốt. Hai bác thay nhau giúp đỡ bố mẹ tôi, nhất là bác Thủy. Bác biết mẹ tôi nấu ăn ngon nên gợi ý mẹ làm đồ ăn mang ra chợ bán buổi chiều. Sáng sớm thì chạy chợ bán rau cũng có đồng ra đồng vào. Bác còn cho bố mẹ tôi mượn vốn mua chiếc xe máy chạy xe ôm. Nghe lời hai bác, bố mẹ tôi mỗi người một việc. Hôm nào mẹ về muộn, bố chở khách xa là hôm ấy bác đưa hai anh em tôi về nhà chăm sóc chu đáo như con cái.
Lên miền núi được 4 năm, mẹ sinh thêm em út cũng là quãng thời gian nhà tôi trở nên khốn khó vì bố sinh tật bài bạc. Mẹ hết lời khuyên ngăn, phân tích nhưng chỉ được thời gian ngắn bố lại "ngựa quen đường cũ". Một mình mẹ bươn chải lo cho cả gia đình. Mẹ nhờ hai bác khuyên răn bố thêm. Nhưng đâu lại hoàn đấy, có những lần bố đi mấy ngày không về…
Cho tới một ngày em út bị sốt cao, co giật, mẹ khóc hớt hải chạy sang gọi bác Thủy. Bác đưa hai anh em tôi sang nhà để bác trai trông, còn mẹ và bác chở út đi viện cấp cứu. Đêm đó bố tôi cũng không về. Sáng ra, bố vào viện trông thấy em nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, mẹ thì phờ phạc sau một đêm mất ngủ, bố đã quay đi lau vội nước mắt. Mẹ tôi bảo đó là lần đầu tiên thấy bố khóc. Và bác Thủy vào gọi bố tôi ra ngoài nói chuyện. Mẹ bảo không biết bác Thủy nói gì nhưng cũng từ hôm ấy bố đã thay đổi.
Khi bé út được xuất viện về nhà, bác đã gọi bố mẹ tôi sang bàn chuyện. Bác trai có nghề lăn sơn, vì vậy bác bảo bố tôi bỏ nghề xe ôm để đi làm thợ sơn với bác. Cũng từ đó, bác trai trở thành thầy dạy nghề của bố. Sau này, nghề xây dựng phát triển, bác trai học thêm nghề làm trần thạch cao và bác lại dạy bố tôi làm. Khi hai bác về quê ở hẳn, bố tôi nhận lại toàn bộ cửa hàng của gia đình bác và kể từ đó kinh tế gia đình tôi ngày một khấm khá hơn.
Tôi luôn ngưỡng mộ tình cảm mà hai gia đình dành cho nhau. Dù bố tôi đã về miền mây trắng nhưng tình cảm mẹ dành cho hai bác vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Mẹ bảo, thật may mắn vì đã có duyên gặp được hai bác. Mẹ luôn biết ơn vì điều đó và sẽ mãi trân quý suốt cuộc đời.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/166621/ven-nguyen-tinh-ban