Vẹn nguyên tình cảm Việt Nam - Cuba
Ngày 15-9-1973, quân và dân tỉnh Quảng Trị vỡ òa cảm xúc khi được đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm 'miền đất lửa', dù thời điểm đó nơi này chiến sự vẫn đang xảy ra. Nửa thế kỷ đã qua, trong ký ức của cán bộ, nhân dân Quảng Trị vẫn vẹn nguyên ấn tượng, tình cảm yêu thương với người đồng chí, chiến sĩ cách mạng, lãnh tụ Fidel và đất nước Cuba anh hùng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô, 82 tuổi, nguyên Phó tổng Thư ký Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị là người may mắn được tháp tùng Chủ tịch Fidel Castro trọn vẹn chuyến thăm Quảng Trị. Thời điểm đó, ông là cán bộ Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Trị.
Ông tâm sự, đây là sự kiện quan trọng nhất, giàu cảm xúc nhất trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình. Để hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt này, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô đã theo sát hành động, cử chỉ, biểu cảm của vị Chủ tịch Cuba đáng kính, liên tục bấm máy để hoàn thành những bức ảnh vừa mang tính thời sự vừa có giá trị nghệ thuật cao. Năm 2022, bộ ảnh (gồm 4 ảnh): "Fidel Castro-Quảng Trị một ngày lịch sử 1973" của ông vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật.
Ông Dương Tú Anh, 88 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ vinh dự được gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm Quảng Trị. Ông cho biết, suốt hành trình từ Vĩnh Linh đến cao điểm 241, ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ - địa điểm tổ chức mít tinh, Chủ tịch Fidel Castro luôn dành tình cảm đặc biệt, sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc trước những mất mát, đau thương mà quân và dân Quảng Trị đang gánh chịu.
Tại đây, Chủ tịch Chủ tịch Fidel Castro đã có phát biểu đi vào lịch sử: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Lãnh tụ Cuba rất cảm phục tinh thần anh dũng, ngoan cường trong chiến đấu, lao động sản xuất, đồng thời bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước kẻ thù xâm lược.
Trong tất cả những người đã gặp Chủ tịch Fidel Castro tại Quảng Trị năm ấy, bà Nguyễn Thị Hương là trường hợp rất đặc biệt. Ngày 15-9-1973, bà Hương lúc đó mới 17 tuổi cùng đồng đội là đoàn viên thanh niên xã Vĩnh Thành đang san lấp hố bom ở khu vực đầu cầu Hiền Lương về phía bắc thì một quả bom bi phát nổ, bà bị thương rất nặng cùng ba người khác nhẹ hơn.
Đúng lúc đó, đoàn xe của phái đoàn Chủ tịch Fidel Castro cơ động ngang qua trên chiếc cầu phao đã được lệnh dừng lại. Chủ tịch Fidel đến bên bà Hương lúc này đã gần ngất đi vì mất nhiều máu, yêu cầu bác sĩ Ariel Soler Munoz là thành viên trong đoàn kịp thời sơ cứu. Sau đó xe của phái đoàn đã đưa bà Hương đến Bệnh viện Vĩnh Linh cấp cứu. Bệnh viện hết máu dự trữ. Chủ tịch Fidel cho xe của phái đoàn nhanh chóng ra Đồng Hới, Quảng Bình vận chuyển máu vào cấp cứu cho bà Hương, rồi đề nghị: Nếu bệnh viện chưa đủ khả năng thì xin đưa bệnh nhân ra Quảng Bình rồi chuyển bằng máy bay ra Hà Nội…
Sau này, khi trở về đất nước Cuba, Chủ tịch Fidel Castro luôn quan tâm đến cô gái bị thương ở Quảng Trị. Sau khi bà Hương xuất viện, thông qua phái đoàn của Cuba sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Fidel Castro gửi tặng bà thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đặc biệt là tấm danh thiếp in trên giấy đẹp, có hoa văn chìm và con dấu nổi, dòng trên ghi chữ in đứng: CMDTE. FIDEL CASTRO RUZ và dòng dưới là: Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba.
Bà Hương đã được cứu sống, sau ngày hòa bình lấy chồng, sinh con, hiện đang sinh sống ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Bà cảm động nói: “Nếu hôm đó không có Chủ tịch Fidel… thì tôi không thể sống được. Suốt đời tôi mang ơn Chủ tịch Fidel, mang ơn bác sĩ Ariel Soler Munoz nhiều lắm. Tôi nguyện xem Chủ tịch Fidel như là một người đã sinh ra tôi lần nữa, cho tôi cuộc sống hôm nay, là cha nuôi của tôi”.
Năm 2018, thông qua Đại sứ quán Cuba ở Hà Nội, bác sĩ Ariel Soler Munoz đã gửi thư cho bà Hương: “Sau này tôi được biết là chị đã được phẫu thuật và các bác sĩ đã tìm thấy 11 lỗ thủng ở ruột của chị, nhưng may mắn là việc điều trị cho chị tiến triển tốt. Trong suốt 45 năm qua, tôi luôn nghĩ về chị. Không biết vết thương của chị phục hồi thế nào? Liệu chị có còn sống không? Nhưng ngày 30 tháng 6 vừa qua tôi vô cùng sung sướng, khi đọc trong một tờ báo xuất bản ở Havana bài viết của nhà báo Jose Llamos kể về cuộc phỏng vấn ông thực hiện tại nhà của chị ở thành phố Đông Hà, cùng một số hình ảnh minh họa. Tôi đã rất hạnh phúc, đầu tiên vì chị còn sống, thứ hai là chị vẫn khỏe, và thứ ba là chị đã lên chức bà ngoại. Về mặt này thì tôi hơn chị một bước vì tôi giờ tôi đã là ông cố, có ba chắt tất cả (giờ tôi đã 88 tuổi rồi). Tôi biết rằng chị rất mong đến thăm Cuba, tôi cũng vậy. Tôi rất muốn chị đến đất nước tôi…”.
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, hằng ngày, bà Hoàng Thị Chẩm, 73 tuổi vẫn tận tình khám bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho bà con lối xóm. Không chỉ tận tâm trị bệnh cứu người, bà Chẩm còn là "bà đỡ" mát tay cho hàng trăm sản phụ ở xã Trung Hải và các vùng lân cận gần 50 năm qua.
Nhưng, trước khi trở thành một lương y hiền từ, đức độ, tên tuổi bà Chẩm đã vang danh từ vùng Vĩnh Linh vào tận Đông Hà, Cam Lộ khi bà là chiến sĩ du kích bên bờ Nam sông Bến Hải. Trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1972, với biệt tài "bắn tỉa", bà Hoàng Thị Chẩm cùng đồng đội trực tiếp tham gia chiến đấu hơn 60 trận, làm tiêu hao nhiều lực lượng, phương tiện của Mỹ, ngụy. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, bà Hoàng Thị Chẩm đã 9 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Với những chiến công, thành tích tiêu biểu trên, bà Chẩm vinh dự góp mặt trong thành phần đón Chủ tịch Cuba ngay trên căn cứ Dốc Miếu - một vị trí trên hàng rào điện tử Mc Namara - nơi mà trước đó không lâu, hằng ngày qua kính ngắm của khẩu súng trường K44, xạ thủ Hoàng Thị Chẩm bám sát từng hành động của địch… Chủ tịch Fidel Castro dừng lại bắt tay, trò chuyện và tỏ thái độ cảm kích trước tinh thần chiến đấu anh dũng của bà Chẩm.
Fidel Castro hỏi: “Cô du kích nhỏ bé như vậy mà sao có đủ sức lực chiến đấu lâu dài như vậy?”. Bà Chẩm tuy bối rối một chút nhưng đã trả lời: “Thưa đồng chí Fidel, quê hương tôi bị kẻ thù tàn phá, người thân của chúng tôi bị giết hại rất nhiều nên tôi phải chiến đấu với sức lực và ý chí lớn gấp nhiều lần mới có thể chiến thắng được ạ”.
Công viên Fidel Castro rộng 16ha, ở vị trí rất đẹp bên Quốc lộ 9, thuộc phường 1 và phường 3, TP Đông Hà được khánh thành năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm Chủ tịch Fidel thăm Quảng Trị.
Những câu chuyện về Lãnh tụ Cuba Fidel Castro tới vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam cách đây 50 năm trước được nhân chứng trên "đất lửa" Quảng Trị kể lại với tất cả sự kính trọng, biết ơn, tự hào sâu sắc.
Thực hiện: TRẦN HOÀI - MINH TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ven-nguyen-tinh-cam-viet-nam-cuba-744279