Vẹn tròn đạo lý uống nước nhớ nguồn

Thực hiện chính sách đối với người có công là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Ở Kiên Giang, các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Trong lịch sử dựng nước, giữ nước, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, Kiên Giang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Kiên Giang phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường, quyết tâm đánh bại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Kiên Giang từng là căn cứ của Xứ ủy Nam bộ, Khu Tây Nam bộ, Quân khu 9 và nhiều đơn vị khác. Nơi đây còn là bến đỗ, là tuyến đường hành lang 1C để vận chuyển quân và vũ khí của Trung ương chi viện cho Khu 9; đồng thời là một trong những điểm quan trọng cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, hàng chục ngàn người con Kiên Giang đã ngã xuống, để lại một phần xương thịt trên các chiến trường hoặc bị địch bắt tù đày. Nhiều người vợ, người mẹ tiễn chồng và những người con lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và không bao giờ trở lại. Rất nhiều người sau khi hòa bình, thống nhất đất nước vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi di chứng của chất độc hóa học…

Đồng chí Nguyễn Đức Chín - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên (Kiên Giang) đưa hài cốt liệt sĩ về nơi an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Hà Tiên, sáng 27-7-2023. Ảnh: DANH THÀNH

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có trên 120.000 người có công với cách mạng được công nhận và hưởng chế độ, chính sách. Trong đó có 1.750 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 15.500 liệt sĩ, hơn 10.600 thương binh, gần 400 bệnh binh, gần 2.500 người hoạt động kháng chiến, con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học...

Các cấp, ngành và cộng đồng trong tỉnh tập trung thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Hàng năm, tỉnh chi trả từ 200-300 tỷ đồng cho các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách. Các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp hàng tỷ đồng tặng quà gia đình chính sách và người có công với cách mạng.

Tỉnh Kiên Giang tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia và các chiến trường trong nước để đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Nhân các ngày lễ, tết, tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời, thường xuyên tu bổ, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm; tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn...

Đồng chí Nguyễn Thanh Phong (thứ ba, từ trái qua) - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang cùng đại diện cấp ủy, chính quyền huyện Gò Quao, xã Thủy Liễu thăm hỏi, tặng quà, bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Danh Đậm, ngụ ấp Thạnh Hòa 3, xã Thủy Liễu. Ảnh: CẨM TÚ

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, thời gian tới, cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong tỉnh Kiên Giang cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Toàn xã hội cần nhận thức rõ việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, đồng thời là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác người có công với cách mạng; quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị khen thưởng người có công đảm bảo chặt chẽ. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công và những người được hưởng chính sách khác phải đảm bảo đúng quy định, không để phát sinh tiêu cực.

Ba là, kết hợp việc bố trí ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng, trong đó chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công, tưởng niệm; xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công gặp khó khăn về nhà ở.

Đoàn viên, thanh niên TP. Hà Tiên (Kiên Giang) dâng hương tại phần mộ của các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Hà Tiên. Ảnh: DANH THÀNH

Bốn là, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ người có công; tiếp tục phát động sâu rộng các phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Năm là, khích lệ, động viên ý chí tự lực vươn lên của những đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công. Thực hiện tốt việc tôn vinh, biểu dương tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Sáu là, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân, các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời, kịp thời phát hiện để chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt và xử lý nghiêm sai phạm trong thực hiện chính sách đối với người có công.

NGUYỄN THANH PHONG

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/ven-tron-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon-15932.html