Venezuela thừa nhận nền kinh tế sụp đổ
Vừa qua, ngân hàng trung ương Venezuela bất ngờ công bố dữ liệu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm số liệu chính thức về nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng của nước này được công bố.
Các chỉ số kinh tế cập nhật hàng năm đã dừng lại vào năm 2015 khi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro bị cho là đã khiến đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Mùa hè năm ngoái, IMF dự kiến lạm phát ở Venezuela sẽ tăng 1 triệu phần trăm vào cuối năm 2018. Mặc dù các số liệu của ngân hàng trung ương Venezuela không hoàn toàn cho thấy lạm phát chạm mức 7 chữ số, nhưng nhiều quan chức thừa nhận rằng thời kỳ siêu lạm phát đang hủy diệt nền kinh tế.
Đến cuối năm ngoái, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã lên tới 130.000%, tăng từ khoảng 860% vào năm trước đó và 260% vào cuối năm 2016. Trong tháng 4/2019, lạm phát hàng năm của Venezuela ở mức 282,973%.
Trong khi IMF dự báo lạm phát sẽ là 10.000.000% vào cuối năm nay. Ngân hàng trung ương Venezuela cho thấy siêu lạm phát sẽ giảm bớt phần nào, và nói rằng mức tăng lạm phát hàng tháng hiện nay là khoảng 30%, so với 200% vào đầu năm.
Trước khi có số liệu lạm phát được công khai, Bloomberg đã thử tính lạm phát bằng cách theo dõi sự thay đổi giá của một cốc cà phê sữa ở thủ đô Caracas. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm là 99.900%.
Theo Quartz, dữ liệu của ngân hàng trung ương Venezuela cho thấy GDP giảm hai chữ số vào mỗi quý kể từ cuối năm 2015. Trong quý 3/2018, ngân hàng cho biết, nền kinh tế đã thu nhỏ lại 23%.
Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc vào dầu mỏ khi nước này có trữ lượng dầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, sản xuất đã sụp đổ sau nhiều năm thiếu đầu tư và cuộc khủng hoảng hiện tại của Venezuela.
Sự sụt giảm trong sản xuất dầu xảy ra trước khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela vào đầu năm nay.