Verisk Maplecroft: Mỹ có nguy cơ bị chôn vùi trong 'núi' phế thải
Mỹ là nước xả rác nhiều nhất thế giới với tỉ lệ xả rác tính trên đầu người nhiều gấp 3 lần so với tỉ lệ trung bình toàn cầu.
Một kết quả nghiên cứu mới đây của hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft cho thấy Mỹ là nước thải nhiều rác hơn và cũng tái chế rác ít hơn so với các nước phát triển khác.
Nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng thải ra tới 12% chất thải rắn đô thị, một tỉ lệ hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước ở châu Á chiếm tới hơn 36% dân số thế giới nhưng chỉ thải ra 27% tổng lượng rác toàn cầu.
Trong khi Mỹ chỉ tái chế được 35% rác thải đô thị thì Đức có tỉ lệ tái chế cao gần gấp đôi là 68%.
Hãng Verisk Maplecroft ước tính mỗi năm, trung bình mỗi người Mỹ thải ra 106,2 kg rác. "Mỹ là nước phát triển duy nhất có lượng rác thải ra vượt quá khả năng tái chế. Điều này cho thấy rõ việc thiếu một ý chí chính trị và đầu tư trong cơ sở hạ tầng", báo cáo nghiên cứu nhận định.
Năm 2015, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết: Mỹ thải ra 262 triệu tấn rác thải đô thị, hơn một nửa trong số đó được chuyển tới các bãi rác mà không tái chế. Khoảng 13% số rác ấy là nhựa.
Nếu tình trạng này không được cải thiện, Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị chôn vùi trong “núi” phế thải của chính mình.
Mỗi năm, thế giới phải hứng chịu hơn 2,1 tỷ tấn rác thải rắn đô thị, đủ lấp đầy 822.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic, nhưng chỉ 16% trong số đó được tái chế. Trước tình trạng rác thải toàn cầu gia tăng, nhà phân tích môi trường cấp cao Niall Smith thuộc Verisk Maplecroft kêu gọi chính phủ các nước cần hành động để giải quyết vấn nạn rác thải tràn lan, trong khi các doanh nghiệp cũng phải trả chi phí xử lý rác thải. Việc đầu tư các biện pháp kinh tế dựa trên cơ sở tái chế rác thải không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ mà còn mở ra những thị trường mới và giúp nâng cao danh tiếng doanh nghiệp.