VESAK 2563

Một lần nữa, Việt Nam đăng cai tổ chức chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ ba, trước đó, Đại lễ từng được tổ chức ở Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội (2008) và tại chùa Bái Đính, Ninh Bình (2014). Năm nay, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), từ ngày 12 đến 14/05/2019.

Chủ đề chính của Vesak 2019 là: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Trong đó có vấn đề lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Phật giáo; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Theo dự kiến sẽ có khoảng 10.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 90 – 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, khoảng 10.000 đồng bào phật tử và nhân dân Việt Nam đến dự.

Tiếp nối truyền thống tri ân và tôn vinh đức Bổn sư khai sáng đạo Phật gần ba nghìn năm về trước, hàng năm, trên các quốc gia, lãnh thổ có sự hiện diện của Phật giáo và những hành giả tâm linh đều tưởng nhớ hoặc tổ chức kỷ niệm dưới nhiều hình thức.

Phật giáo như dòng nước mát thẩm thấu vào cuộc sống con người và phát triển thầm lặng trong những quốc gia đủ duyên hội tụ. Tuy không rầm rộ như một số tổ chức thế tục, lượng số tín đồ không đông như các tôn giáo bạn, nhưng không hề nhỏ so với các hành giả lặng lẽ sống đúng chính pháp và những mầm sống với đức tin hướng về đức Phật mà không hề được thống kê theo sự thống kê hành chính trên thế giới.

Sau bao năm chinh chiến, Phật giáo Việt Nam vẫn tồn tại, đôi lúc thịnh, lắm lúc suy theo luật vô thường, nhưng tố chất từ bi không hề thiếu vắng trong xã hội. Thừa hưởng tố chất đó, xuất hiện nhan nhản trong cuộc sống, nhiều tấm gương tương thân tương ái, từng có những xe bánh mỳ miễn phí, quán cơm nhân ái, áo quần từ thiện, bình nước uống ven đường nơi phố thị. Từng gói quà đến với đồng bào vùng cao, giếng nước, cây cầu nơi miền nước mặn. Trường học, mái nhà cho con em, đồng bào thiếu điều kiện nơi vùng khốn khó. Và quần chúng phật tử sẵn lòng hỗ trợ nhiệt tình khi thiên tai đâu đó xuất hiện. Người dân chúng ta nghèo, nhưng không nghèo lòng từ do vun đúc từ ngàn năm qua của ông cha thấm nhuần Phật pháp…

Ngày nay, về mặt quốc tế, Phật giáo Việt Nam (PGVN) đăng cai tổ chức đón mừng Đại lễ Vesak, còn gọi là lễ Tam hợp như thể hiện sự tri ân, uống nước nhớ nguồn để nhắc nhở tinh thần trách nhiệm với cộng đồng nhân loại được khởi nguồn từ pháp nhũ của đức Bổn sư.

Sự xuất hiện Đại lễ Vesak tại Việt Nam, xác định uy tín của những người con Phật trong xã hội còn nhiều bất cập, xác định nguồn mạch tâm linh vẫn tiếp tục truyền đạt dưới bề mặt nhiêu khê nhiều loan lỗ trong cuộc sống. Người dân miền Nam chưa được một lần đón nhận Vesak theo sự ao ước của mình trên vùng đất trên 300 năm cha ông mở lối. Sự ao ước đó được ấp ủ hy vọng được một lần sẽ nở hoa. Dẫu sao, toàn dân Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng hãnh diện được Tổ chức Liên hiệp Quốc chấp nhận và kết hợp với PGVN một lần nữa tôn vinh lễ Tam hợp trên quê mẹ.

Tác giả: Minh Mẫn

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2019

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vesak-2563.html