Vết nứt ngày càng rộng trên 'thanh kiếm sắt'
Rạn nứt giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và giới lãnh đạo quân sự nước này ngày càng lộ rõ sau khi người phát ngôn của quân đội tuyên bố nhiệm vụ tiêu diệt hoàn toàn Hamas tại Gaza mà ông Netanyahu đặt ra cho chiến dịch 'những thanh kiếm sắt' là bất khả thi.
Những phát biểu nhuốm màu trách cứ
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia tuần trước, người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari nói: “Ý tưởng cho rằng chúng tôi có thể tiêu diệt Hamas hoặc khiến Hamas biến mất là một cách diễn đạt sai lầm đối với công chúng”.
Bình luận này là một lời trách cứ trực tiếp từ quân đội về cách Thủ tướng Benjamin Netanyahu xác định mục tiêu chính của cuộc chiến ở Gaza là “chiến thắng hoàn toàn” trước Hamas và đưa các con tin Israel do nhóm này bắt giữ trở về nhà. Người đứng đầu Chính phủ Israel cũng đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không chấp nhận chấm dứt chiến tranh nếu không loại bỏ hoàn toàn Hamas với tư cách là một lực lượng quân sự và lực lượng nắm quyền ở Dải Gaza.
Ngay sau bình luận của Chuẩn đô đốc Hagari, Văn phòng Thủ tướng Israel đã ra thông cáo báo chí phản bác. “Nội các chiến tranh do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu đã xác định việc phá hủy năng lực quân sự và chính phủ của Hamas là một trong những mục tiêu của cuộc chiến. Quân đội tất nhiên cam kết thực hiện điều này”, thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Israel nói.
Cuộc trao đổi nảy lửa trên truyền thông kể trên là minh họa mới nhất cho nhiều tháng căng thẳng giữa ông Netanyahu và giới lãnh đạo quân sự, những người cho rằng Hamas chỉ có thể bị đánh bại nếu Israel thay thế tổ chức này bằng một cơ quan quản lý khác ở Gaza. Trong hơn 8 tháng kể từ khi mở chiến dịch “Những thanh kiếm sắt” đáp trả cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023, quân đội Israel đã tiến vào kiểm soát nhiều khu vực ở Dải Gaza, nhưng rốt cuộc chỉ để chứng kiến Hamas tự phục hồi tại các khu vực đó khi lực lượng Israel rút đi.
Từ thực tế ấy, Chuẩn đô đốc Hagari cho rằng “những gì chúng ta có thể làm là phát triển thứ gì đó khác biệt, thứ gì đó để thay thế Hamas”. “Các chính trị gia sẽ quyết định ai sẽ thay thế Hamas, chứ không phải quân đội”, người phát ngôn của quân đội Israel nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã từ chối một loạt đề xuất về các giải pháp thay thế khả thi cho Hamas, bao gồm cả kế hoạch của Mỹ nhằm đưa chính quyền Palestine (PA) vào cuộc và lời kêu gọi của người Arab về một chính phủ đoàn kết của người Palestine, trong đó có Hamas. Một số nhà phân tích quân sự và cựu quan chức Israel đã đặt câu hỏi liệu việc thành lập một chính phủ mới ở Gaza có khả thi hay không, vì Hamas đã cố gắng sống sót sau cuộc tấn công của quân đội Israel.
Căng thẳng bị đẩy lên cao
Căng thẳng giữa ông Netanyahu và quân đội đang leo thang sau khi Thủ tướng Israel hồi tháng 5 yêu cầu quân đội tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ vào thành phố biên giới Rafah, nơi có hơn 1 triệu thường dân Palestine đang trú ẩn vào thời điểm đó.
Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần lập luận rằng, cuộc tấn công trên bộ vào Rafah là trọng tâm trong tầm nhìn của ông nhằm đạt được chiến thắng toàn diện. Trong khi đó, quân đội Israel tuần này đã gửi đi tín hiệu rằng chiến dịch Rafah sẽ sớm kết thúc khi cho biết họ đã giải tán 2 trong số 4 tiểu đoàn của Hamas trong khu vực và chiếm giữ hầu hết thành phố.
Israel Ziv, một tướng Israel đã nghỉ hưu và là cựu chiến binh từng tham gia nhiều cuộc chiến tranh, cho biết căng thẳng giữa quân đội Israel và cơ quan an ninh với ông Netanyahu đang ở mức cao chưa từng thấy.
“Quân đội và các lãnh đạo cơ quan an ninh cảm thấy rằng chúng tôi đã cạn kiệt mục đích của cuộc chiến. Chúng tôi đã đạt đến đỉnh cao chiến thuật tối đa mà chúng tôi có thể đạt được”, ông Ziv nói.
Sự xích mích giữa ông Netanyahu và giới lãnh đạo quân sự đã bùng nổ trước công chúng trước đó trong cuộc chiến. Vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã có bài phát biểu kêu gọi chính phủ quyết định ai sẽ thay thế Hamas ở Gaza. Ông Gallant nói, việc thiếu một quyết định khiến Israel chỉ có 2 lựa chọn: Hamas cai trị hoặc quân đội Israel tiếp quản hoàn toàn dải đất này.
Trong khi đó, tướng về hưu Israel Ziv nói: “Chúng ta cần đưa ra quyết định. Ngay cả một quyết định tồi cũng không sao cả. Giả sử [chúng ta] chiếm Gaza trong vài năm tới vì chúng ta cần tiêu diệt một số kẻ khủng bố cuối cùng. Được rồi, đó là một quyết định tồi, nhưng đó là một quyết định”.
Bất đồng giữa ông Netanyahu và quân đội tập trung một phần vào cách các quan chức xác định sự thất bại của Hamas. Một quan chức quân sự Israel cho biết quân đội coi một tiểu đoàn là “bị giải tán” không phải khi tất cả chiến binh của họ bị tiêu diệt mà khi cơ cấu chỉ huy và khả năng thực hiện các cuộc tấn công có tổ chức của tiểu đoàn này bị loại bỏ.
Quan chức quân sự này cho biết: “Chúng tôi đang tiến gần đến việc hoàn thành công việc do chính phủ xác định và chúng tôi sẽ đạt đến điểm chỉ chiến đấu bằng chiến tranh du kích và điều đó có thể mất nhiều năm”.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng lực lượng dân quân Hamas có khả năng sống sót sau chiến dịch quân sự của Israel ngay cả ở Rafah, một phần vì cách tiếp cận của quân đội Israel khiến nhiều chiến binh Hamas cấp thấp hơn vẫn còn tại chỗ. Lãnh đạo cao nhất của Hamas tại khu vực này, bao gồm cả lãnh đạo tối cao của họ, Yahya Sinwar, cũng đã lẩn tránh lực lượng Israel thành công trong suốt cuộc chiến.
“Hamas đang bảo toàn lực lượng của mình ở Rafah thay vì giao chiến với quân đội Israel, có thể là do Hamas không tin rằng hoạt động ở Rafah của Israel sẽ mang tính quyết định”, một đánh giá trong tuần này của Viện Nghiên cứu chiến tranh và các mối đe dọa nghiêm trọng của Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết.
Áp lực từ mọi phía
Sự rạn nứt trong giới lãnh đạo quân sự xảy ra trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu cũng đang chịu áp lực từ Mỹ về việc phải chấp nhận đề xuất ngừng bắn mà Tổng thống Joe Biden cho rằng sẽ dẫn đến chấm dứt chiến tranh tại Gaza.
Tuần qua, ông Netanyahu đã mở ra một cuộc tranh luận mới với Washington khi cáo buộc Mỹ giữ lại vũ khí và đạn dược từ Israel. Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc này và giải thích rằng họ chỉ tạm dừng 1 chuyến hàng viện trợ bom do lo ngại về khả năng giết hại dân thường trong chiến dịch của Israel tại thành phố Rafah, phía Nam Gaza.
Nhưng, Thủ tướng Israel không hài lòng với cách giải thích ấy. Trong cuộc họp nội các hằng tuần vào Chủ nhật vừa qua, ông Netanyahu cho biết đã có sự sụt giảm đáng kể trong việc chuyển giao vũ khí từ Mỹ sang Israel bắt đầu từ 4 tháng trước, tăng gấp đôi so với cáo buộc mà ông đưa ra công khai vào tuần trước.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông hy vọng Mỹ sẽ đẩy nhanh việc vận chuyển vũ khí đến Israel vì ông cũng phải đối mặt với áp lực từ giới lãnh đạo quân sự của chính mình trong việc lập kế hoạch cho tương lai của Gaza.
Nhận xét của ông Netanyahu được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tới Washington gặp các quan chức cấp cao của Mỹ để thảo luận về kế hoạch của quân đội Israel nhằm chuyển sang giai đoạn xung đột với cường độ thấp hơn khi họ sắp hoàn thành các hoạt động chiến đấu lớn ở thành phố Rafah, nơi Hamas cho biết các tiểu đoàn của nhóm này vẫn còn nguyên vẹn.
Bản thân ông Gallant, cũng như nhiều quan chức quân sự cấp cao khác của Israel, đã kêu gọi Thủ tướng Netanyahu đưa ra quyết định về việc ai sẽ cai trị Gaza sau khi chiến tranh kết thúc, cáo buộc ông thiếu kế hoạch đang cho phép Hamas lấp đầy khoảng trống quyền lực ở vùng đất này và hủy hoại các thành tựu chiến thuật của quân đội.
Cuộc chiến tại Gaza cũng đang đẩy Israel đến bờ vực xung đột rộng hơn, với mối lo ngại ngày càng tăng rằng nước này có thể bước vào một cuộc chiến toàn diện với lực lượng Hezbollah của Lebanon. Sau nhiều tháng giao tranh xuyên biên giới khiến hàng chục ngàn thường dân ở Lebanon và Israel phải di tản, Hezbollah tuyên bố họ sẽ chỉ ngừng chiến đấu nếu có lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Quân đội Israel dựa vào binh lính dự bị, một số người trong số họ đã mô tả sự kiệt sức ngày càng tăng khi Israel phải giải quyết các cuộc xung đột trong nhiều tháng liên tục trên nhiều mặt trận, bao gồm cả biên giới với Lebanon và Bờ Tây. Việc chấm dứt giao tranh ở Gaza sẽ mang lại cho lực lượng Israel một khoảng thời gian nghỉ ngơi mà các nhà phân tích cho là cần thiết, đặc biệt nếu chiến sự với Hezbollah leo thang hơn nữa.
Với việc chuyển sang chiến đấu cường độ thấp hơn, Israel dự kiến sẽ duy trì quân đội dọc theo Hành lang Netzarim, tuyến đường do quân đội nước này xây dựng chia cắt Gaza và tạo điều kiện cho binh sĩ di chuyển nhanh chóng qua vùng đất này. Ngoài ra, còn có Hành lang Philadelphi, một dải đất dọc biên giới Gaza-Ai Cập, nơi Israel cho rằng Hamas đã thực hiện phần lớn việc buôn lậu vũ khí vào Gaza.
Israel duy trì sự hiện diện thường trực ở những khu vực này để từ đó, sẵn sàng đưa quân vào Gaza thực hiện các hoạt động chiến thuật khi cần thiết. Nhưng, khi không giao tranh cường độ cao, Israel sẽ mất áp lực quân sự như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Hamas để giải thoát hàng chục con tin bị giam giữ.
Tình thế, do đó, càng khó cho ông Netanyahu. Đánh nữa cũng khó, vì quân đội đã mệt mỏi. Nhưng, giảm bớt cường độ tấn công, ông cũng chưa nghĩ ra cách khác để đưa các con tin trở về nhà.