Vết nứt núi Mang Kà Muồng đang lan rộng, gây nguy hiểm nhà dân

Ngày 3-10, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cùng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Ngãi và các sở, ban, ngành đi kiểm tra tình hình sạt lở núi Mang Kà Muồng (thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà).

Trước đó vào ngày 25-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Sơn Hà có thông tin, tại núi Mang Kà Muồng đã xuất hiện điểm sạt lở, diện tích đất bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1.500m2, các vết nứt khoảng 30cm, dài 60cm, nhiều đoạn sụt, trượt, thân sườn đồi xuất hiện nhiều vết nứt, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tuyến đường ĐH77 đi hồ Nước Trong, Nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non Hướng Dương (27 trẻ, 1 cô giáo), 4 hộ dân dưới chân núi và hơn 1.500m2 đất nông nghiệp.

Thực trạng sạt lở núi Mang Kà Muồng, thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi. Thực hiện: NGUYỄN TRANG

 Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cùng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Ngãi và các sở, ban, ngành đi kiểm tra tình hình sạt lở núi Mang Kà Muồng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cùng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Ngãi và các sở, ban, ngành đi kiểm tra tình hình sạt lở núi Mang Kà Muồng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong lần kiểm tra ngày 3-10, những vết nứt núi có dấu hiệu lan rộng. Ông Đinh Văn Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, cho biết: “Kể từ thời điểm kiểm tra cuối tháng 9 đến giờ này, các vết nứt núi đã lan rộng ra, ban đầu các vết nứt chỉ trượt từ 1,5m, nay từ 2-2,3m trở lên. Nếu đo từ điểm đường ĐH77 đến đỉnh núi, có những điểm nứt dài đến 60m, có đoạn 45m, thân sườn núi bị nứt ngang, phạm vi ảnh hưởng trực tiếp hơn 1.500m2 đất”.

 Các đoạn sụt, trượt ngày càng rộng và sâu hơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Các đoạn sụt, trượt ngày càng rộng và sâu hơn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

 Các điểm sạt lở, nứt núi lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Các điểm sạt lở, nứt núi lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo ông Sen, các vết nứt núi Mang Kà Muồng được phát hiện sau những trận mưa cuối năm 2023, sau đó đến cuối tháng 8 và tháng 9-2024, xã Sơn Bao lên kiểm tra thì phát hiện vết nứt lan rộng. “Địa phương đã di dời lớp học tại Trường Mầm non Hướng Dương đến điểm trường Tiểu học Sơn Bao, khi có mưa xảy ra thì địa phương di dời, vận động người dân ở xen ghép với người dân ở xóm trên thuộc thôn Nước Tang”.

 Khe hở các vết nứt ngày càng rộng đến 30cm-50cm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Khe hở các vết nứt ngày càng rộng đến 30cm-50cm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

 Đất trượt xuống, nứt toác. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đất trượt xuống, nứt toác. Ảnh: NGUYỄN TRANG

 Đoàn kiểm tra đến tại khu vực nứt núi đang xảy ra. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đoàn kiểm tra đến tại khu vực nứt núi đang xảy ra. Ảnh: NGUYỄN TRANG

 Dưới núi Mang Kà Muồng là khu vực người dân sinh sống và cánh đồng lúa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Dưới núi Mang Kà Muồng là khu vực người dân sinh sống và cánh đồng lúa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Khu vực núi Mang Kà Muồng đã xảy ra vết nứt, vết trượt đất lớn thuộc nhóm nguy cơ sạt lở cao, cần có phương án ứng phó với tình huống này. Hiện có 2 giải pháp để phòng, chống sạt lở núi, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

 Ảnh đánh dấu các vết nứt, trượt núi Mang Kà Muồng đang tạo thành thế vòng cung, nguy cơ sạt rất cao. Ảnh: BCH PCTT-TKCN

Ảnh đánh dấu các vết nứt, trượt núi Mang Kà Muồng đang tạo thành thế vòng cung, nguy cơ sạt rất cao. Ảnh: BCH PCTT-TKCN

Theo đó, phương án trước mắt cần cắm biển cảnh báo 2 đầu điểm sạt lở để người đi đường có sự chú ý quan sát. Chính quyền địa phương phân công người trực, thông tin kịp thời đến người dân khu vực ảnh hưởng; lập nhóm Zalo để nắm bắt thông tin, chủ động di dời, thông báo tình hình các trạm đo mưa tại Sơn Bao.

 Người dân sống dưới chân núi bên tuyến đường ĐH77 nối dài hồ Nước Trong. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân sống dưới chân núi bên tuyến đường ĐH77 nối dài hồ Nước Trong. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đồng thời, sau đợt mưa thì phải đợi thời gian quan sát tình trạng của núi Mang Kà Muồng trước khi quyết định đưa người dân trở về nhà. Mặt khác, để hạn chế tình trạng sạt lở núi, nên vận động người dân khi tới chu kỳ khai thác keo thì khuyến khích họ tạm dừng khai thác bằng các giải pháp hỗ trợ cho dân giữ lại rừng keo.

Về lâu dài, phía Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cần tham mưu các sở, các cấp, ngành đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư tái định cư ổn định cuộc sống người dân các vùng có nguy cơ sạt lở.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vet-nut-nui-mang-ka-muong-dang-lan-rong-gay-nguy-hiem-nha-dan-post761944.html