Vết thương chảy máu mới mắc bệnh dại?
Nếu không may bị động vật cào/cắn hoặc liếm lên vết thương hở, bạn cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại.
Con tôi hiện 10 tuổi. Cách đây hai ngày, cháu bị chó cắn, chỉ để lại dấu răng trên da và rỉ ít máu. Mẹ chồng tôi cho rằng vết thương nông và không gây chảy máu nhiều nên khỏi cần tiêm phòng dại. Xin hỏi bác sĩ, mẹ chồng tôi khuyên vậy đúng không và cần xử trí như thế nào?
Độc giả Liên Anh, Yên Bái.
BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại lây từ động vật có vú sang người qua tiếp xúc vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng não. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm virus dại.
Virus dại thường tồn tại trong nước bọt của chó, mèo... chủ yếu lây truyền qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật (bị dại) lên vết thương hở của con người. Thời gian ủ bệnh ở người phụ thuộc tình trạng nặng nhẹ của vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Trong vòng 1-4 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân có biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê liệt và đau tại vết thương - nơi virus xâm nhập. Tiếp đến, bệnh nhân trải qua giai đoạn viêm não với biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp biểu hiện như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Triệu chứng bệnh thường kéo dài 2-6 ngày hoặc lâu hơn và người bệnh chết do liệt cơ hô hấp.
Nhiều người có quan niệm vết thương chảy máu mới gây dại; bệnh dại có thể chữa bằng thuốc nam, đắp lá cây, đi thầy lang lấy độc hoặc từ chối tiêm vaccine dại vì sợ mất trí nhớ, kém thông minh… Dù vậy, chưa có bài thuốc Đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa bệnh dại. Do đó, các biện pháp này không có tác dụng. Người bệnh cần đến điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không chữa bằng thuốc nam.
Hiện nay, tiêm vaccine dại là biện pháp duy nhất để phòng bệnh. Cần lưu ý, dù không chảy máu, người bị chó cắn cũng có nguy cơ bị dại và cần được điều trị dự phòng.
Nếu không may bị động vật cào/cắn hoặc liếm lên vết thương hở, bạn cần tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của virus dại, tốt nhất là trong ngày đầu tiên. Nếu vết thương nặng hoặc ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu các chi, bộ phận sinh dục... người bệnh phải tiêm sớm nhất có thể.
Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC hiện có hai loại vaccine phòng dại thế hệ mới gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây là vaccine được kiểm định an toàn, khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vet-thuong-chay-mau-moi-mac-benh-dai-post1429372.html