Vết thương của nước Pháp
Vào lúc này, khi nước Pháp đang vô cùng chật vật tìm cách đối phó với cả những vụ khủng bố lẫn những làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng các quốc gia Hồi giáo mà dẫn đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, những ký ức đau đớn về một thời động loạn của họ ở thế kỷ XVI lại có lý do để được khơi dậy, và chiêm nghiệm một cách nghiêm túc nhất.
Ngày lễ Thánh đẫm máu
Nước Pháp, ngày 22-8-1572. Ngày lễ Thánh Barthélemy.
Thành Paris vừa chứng kiến một lễ cưới đại công hầu, hôm 18-8. Một cuộc hôn nhân miễn cưỡng giữa Vua Henri IV (Henri III xứ Navarre - quân vương đầu tiên dòng Bourbon - triều đại Capet nước Pháp) với Marguerite de Valois (chính là Hoàng hậu Margot dưới ngòi bút của Alexandre Dumas cha, con gái nhà vua Henry II nước Pháp, em gái các vua Francois II, Charles IX và Henry III nước Pháp, thuộc nhà Valois).
Có điều, hôn ước ấy - giữa cô dâu thuộc hoàng gia nghiêng về phái cải cách Thiên chúa giáo (mà như Dumas gọi là Tân giáo, hoặc các nhà nghiên cứu lịch sử gọi là phái Kháng cách) với chú rể thuộc một gia tộc Cựu giáo (Thiên chúa giáo La Mã - Roman Catholic) trung thành - được kỳ vọng sẽ làm dịu đi những xung đột gay gắt về tôn giáo từng chia đôi nước Pháp suốt những năm dài trước đó, kể cả sau Hòa ước Saint Germain-en-Laye chấm dứt Chiến tranh tôn giáo lần thứ ba, ký ngày 8-8-1570.
Rất nhiều quý tộc nghiêng về Tân giáo đến Paris dự hôn lễ, bao gồm cả Đô đốc Gaspard de Coligny, lá cờ đầu của họ. Paris, một trong những kinh đô của Cựu giáo, không hoan nghênh họ. Những tín đồ Cựu giáo bảo thủ cảm thấy bị phản bội, và tâm trạng xám xịt ấy của họ còn được tiếp sức bởi những tiếng vọng từ bên ngoài biên ải. Cả Giáo hoàng ở Vatican lẫn Vua Felipe đệ nhị của Tây Ban Nha đều phản đối mạnh mẽ cuộc hôn nhân này. Họ buộc tội Thái hậu Pháp quốc Catherine de Medici - người sắp đặt hôn ước - là làm nước Pháp (được coi là "trưởng nữ của Thiên chúa giáo" ở châu Âu) đánh mất đức tin của chính mình.
Như để làm tăng thêm những trắc trở, hôn lễ được cử hành khi mùa màng thất bát, giá cả tăng vọt, và sự căm ghét của dân chúng gia tăng. Trong khi đó, những gia tộc quyền quý nhất của nước Pháp đối chọi lẫn nhau. Francois - quận công Montmorency, một trong những dòng họ quý tộc lâu đời nhất của nền quân chủ Pháp, thống đốc Paris - rời bỏ thành phố chỉ vài ngày trước hôn lễ. Các chức sắc cao cấp của Giáo hội Thiên chúa giáo tại Pháp lưỡng lự. Thái hậu Catherine de Medici phải van nài Hồng y thành Paris chủ trì hôn lễ bằng mọi giá.
Sau đám cưới, Đô đốc Coligny và các lãnh tụ khác của phe Tân giáo (cũng gọi là những người Huguenot) ở lại Paris để bàn bạc tiếp về các điều khoản của hòa ước Saint Germain-en-Laye. Ngày 22-8, một phát đạn bất ngờ bắn vào Coliny. Thủ phạm không bao giờ bị bắt. Theo các phân tích, có khá nhiều phe phái có động cơ rõ rệt để thực hiện cuộc ám sát này. Như nhà Guise, với các lãnh tụ Cựu giáo như Hồng y xứ Lorraine hay Công tước Guise và Công tước Aumale - những người tin rằng Coligny đã sát hại một đại biểu của họ 10 năm trước. Như Công tước xứ Alba, người cai trị Hà Lan dưới quyền vua Tây Ban Nha Felipe II dòng Habsburg, và đang phải cố gắng đàn áp những người Huguenot được Coligny hậu thuẫn. Hay như chính Thái hậu Catherine de Medici nước Pháp, người cảm thấy bị đe dọa.
Vấn đề là, cái chết của Coligny làm bật tung mọi chốt chặn. Lo sợ những sự trả thù từ phe Tân giáo, mọi cổng thành Paris được lệnh đóng chặt từ đêm 23-8. Những thị dân Paris được vũ trang. Nửa đêm rạng sáng, một hồi chuông nhà thờ Saint Germain le Auxerois đổ như hiệu lệnh. Đội vệ binh Thụy Sĩ của hoàng gia Pháp lôi các lãnh tụ Huguenot ra khỏi giường, tàn sát họ trên đường phố. Coligny đang hấp hối cũng chịu chung số phận, thi thể bị ném qua cửa sổ. Bạo động bùng nổ. Những người Huguenot bị săn đuổi khắp nơi, và bị chém giết một cách lạnh lùng.
Cuộc thảm sát nhanh chóng vượt khỏi phạm vi Paris, lan đến mọi đô thị lớn của nước Pháp. Từ tháng 8 đến tháng 10, Toulouse, Bordeaux, Rouen, Lyon, Orleans hay Bourges chìm trong bạo loạn.
Trên bàn cờ thế cục
Vào thời điểm đó, rõ ràng, trong mắt những người Cựu giáo, phe Tân giáo chính là dị giáo cần phải bị diệt trừ. Sự đối kháng gay gắt này, ở khía cạnh nào đó, khá là tương đồng với đối kháng tôn giáo của hiện tại, giữa nước Pháp nói riêng cũng như phương Tây nói chung với cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.
Có lẽ nên nhắc đến một điểm rất đáng chú ý trong dòng chảy lịch sử nước Pháp: Vào năm 1534, vua Francois I - người đến lúc đó vẫn còn tỏ ra khá khoan hòa với các nhà cải cách tôn giáo truyền bá giáo lý mới của Martin Luther - đột nhiên cảm thấy bất an. Đó là bởi phe Tân giáo đã đi quá giới hạn, khi liên tiếp treo các áp-phích cổ động bài Cựu giáo ở các thành phố lớn nước Pháp. Ông bắt đầu công khai siết chặt quyền kiểm soát lên họ.
Song, đến thời Henri II (1547-1559), với sự xuất hiện của Jean Calvin - một lãnh tụ tinh thần đích thực, với cả hệ thống giáo lý mới dần được hoàn thiện, Tân giáo ngày càng khuếch trương được ảnh hưởng. Thần học của Calvin không chỉ thu hút được các học giả, giới trí thức, tầng lớp trung lưu, mà cả không ít thành phần quý tộc căm ghét sự chuyên chế của Vatican. Vẫn là thiểu số, nhưng những người Huguenot hầu hết lại đều giàu có và nhiều kiến thức. Nhưng cũng bởi vậy, họ không thể không bị đám đông dân chúng cuồng tín căm ghét.
Khuất lấp dưới tôn giáo, những mưu đồ chính trị cũng dễ dàng được hoạch định hơn. Cái chết đột ngột của vua Henri II mở ra một khoảng trống quyền lực, mà cả nhà Guise, cả nhà Bourbon lẫn những người Huguenot đều cố gắng tận dụng. Phải nói rằng, vào thời điểm đỉnh cao, dân Tân giáo cũng có những hành động quá khích, động chạm sâu sắc đến tín ngưỡng của Cựu giáo. Họ đập bỏ tượng thờ trong các giáo đường Cựu giáo ở Rouen, La Rochelle và nhiều đô thị khác, dẫn đến những sự trả đũa đẫm máu, và những hận thù không thể lập tức hàn gắn.
Các cuộc xung đột tôn giáo vẫn còn tiếp diễn và hành hạ nước Pháp rất lâu sau cuộc thảm sát ngày lễ thánh Barthelémy. Như Dumas cha khắc họa trong “Ba người lính ngự lâm”, nước Pháp của Tể tướng Richelieu lão luyện vẫn mắc kẹt với vũng lầy đó, tiêu biểu là ở La Rochelle. Hậu thuẫn cho những người Tân giáo Pháp, không phải ai khác, chính là nước Anh - kình địch truyền kiếp của nước Pháp. Anh quốc cũng chống La Mã, và đã tự có hệ thống thần quyền mang tên gọi Anh giáo (hay Thanh giáo) của riêng họ, độc lập hoàn toàn với Vatican, từ rất sớm. Nhưng vấn đề chính là nước Anh không để nước Pháp được "rảnh rang" làm bá chủ Tây Âu.
Sau tất cả những cuộc xung đột, những cuộc giao tranh, những cuộc thảm sát…, nước Pháp tự thấy mình yếu đi. Họ bị cô lập về mặt ngoại giao, khi Hoàng đế Maximillian II của Đế chế La Mã Germany thần thánh gọi cuộc thảm sát ngày lễ thánh Barthelémy là một sự sỉ nhục, còn nước Anh thì dĩ nhiên không tiếc lời chỉ trích. Không chỉ vậy, sự "đuổi cùng giết tận" của người cựu giáo đã khiến không ít người Huguenot phải tìm một chốn dung thân khác, một Tổ quốc khác. Trong số đó, có không ít trí thức, học giả, thợ lành nghề xuất sắc. Một thí dụ: Để Thụy Sĩ hiện đại trở thành nơi sản xuất ra những chiếc đồng hồ tinh xảo, chính xác, đắt giá nhất thế giới, có công lao đặt nền móng của không ít thế hệ những người thợ Huguenot Pháp di cư.
Phải mất hàng trăm năm, vết thương đó mới lành, để nước Pháp hiện đại luôn có thể tự hào về những giá trị "tự do, bình đẳng, bác ái" trên màu cờ của mình. Thế nhưng, khi tạp chí biếm họa Charlie Hebdo thoải mái phớt lờ mọi điều mà cộng đồng Hồi giáo toàn cầu xem là cần phải được tôn trọng, thậm chí là thiêng liêng, vết thương quá khứ đó dường như lại đang một lần nữa bật máu. Chẳng lẽ việc khơi mào thù hận lại cũng là một biểu hiện cần phải được bảo vệ của tự do?
* Sau cuộc thảm sát, Giáo hoàng Gregory XIII lệnh cho mọi nhà thờ ở Roma kéo chuông ăn mừng. Charles IX, anh trai cô dâu, vua nước Pháp khi ấy, tuyên bố: "Cuộc tàn sát nên được xem như một sự báo thù từ Chúa".
* Tân giáo hay Kháng cách là tên gọi trào lưu đòi cải cách Thiên chúa giáo - tiền thân của giáo lý Tin Lành hiện đại, đặt lại những nghi vấn về cách thức vận hành của bộ máy thần quyền Vatican, với những lãnh tụ chủ chốt là Martin Luther và Jean Calvin.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/vet-thuong-cua-nuoc-phap-619857/