VFF mở rộng diện tìm kiếm ứng viên Chủ tịch
Ngày 17/7, nguồn tin của Tiền Phong cho biết LÐBÐVN (VFF) sẽ gia hạn thời gian tiến cử ứng viên nhân sự lãnh đạo chủ chốt ở Ðại hội 8 đối với các tổ chức thành viên nhằm tìm kiếm những nhân vật 'đạt chuẩn' hơn
VFF hay đúng hơn là bóng đá Việt Nam có vẻ như đang đối diện một cuộc khủng hoảng nho nhỏ về nhân sự lãnh đạo chủ chốt tại đại hội 8 tới, đặc biệt ở vị trí Chủ tịch.
Dù có 4 ứng viên cho vị trí này, nhưng theo đánh giá, chưa người nào thực sự đáp ứng được hết mong mỏi của lãnh đạo ngành thể thao cũng như giới bóng đá. Ở đợt tiến cử đầu tiên, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn giành được nhiều phiếu tín nhiệm nhất từ các CLB. Ông Trần Quốc Tuấn được đánh giá cao ở kinh nghiệm làm bóng đá và các mối quan hệ quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy ông Tuấn ở thời điểm hiện tại thích hợp nhất cho vị trí đương nhiệm, là Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn.
Trong 4 ứng viên Chủ tịch VFF thì ngoài nguyên Phó chủ tịch HÐQT VPF Nguyễn Công Khế, 3 người còn lại gồm các ông Trần Quốc Tuấn, Cấn Văn Nghĩa (Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Ðình), Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng Ðại học TDTT 2 Tp Hồ Chí Minh) đều là cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ VH-TT&DL. Ðến nay, Bộ VH-TT&DL hiện vẫn chưa có quyết định về việc ai sẽ ra tranh cử, và cho vị trí nào. Tuy nhiên, nhiều khả năng với vị trí Chủ tịch, VFF sẽ phải mở rộng diện tìm kiếm để có thêm những phương án tối ưu hơn.
Tin của Tiền Phong hôm qua cho biết, Tiểu ban nhân sự đại hội 8 VFF đã soạn thảo công văn gửi các thành viên, đề nghị tiếp tục tiến cử ứng viên tham gia BCH và các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở khóa 8. Ðây có thể xem là động thái cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong, về việc VFF cần mở rộng diện giới thiệu, đề cử để tìm kiếm người tài, phục vụ cho mục tiêu phát triển bóng đá.
Qua tham khảo ý kiến nhiều thành viên BCH VFF khóa 7, hầu hết đều cho rằng ở thời điểm hiện tại, vị trí Chủ tịch VFF cần được đảm nhiệm bởi một chính khách lớn, và tốt hơn cả cần đương chức. “Chúng ta luôn nói 90 triệu dân Việt Nam không lo thiếu người tài, nhưng lâu nay vị trí Chủ tịch lại do người đã hoặc chuẩn bị về hưu làm. Như vậy thì có mâu thuẫn không? Tôi không nói về hưu thì thiếu năng lực, nhưng rõ ràng động lực cũng như ràng buộc trách nhiệm đối với người ta để buộc phải làm tốt khó có thể như một người trẻ, còn đương chức. Với lại người ta đã nghỉ rồi còn bắt làm thì có nên không? Bộ VH-TT&DL phải có trách nhiệm đối với vấn đề này, chứ trong tình hình VFF mất đoàn kết như vừa qua, để VFF tự xoay xở là không khả thi”-một thành viên BCH VFF (đề nghị không nêu tên) nói với Tiền Phong.
Ðây sẽ là lần thứ 3 VFF phải gia hạn thời gian tiến cử các ứng viên BCH và lãnh đạo chủ chốt với các đơn vị thành viên. Kế hoạch tổ chức đại hội 8 ban đầu dự kiến diễn ra trong tháng 3/2018 đã bị hoãn lại nhiều lần, cũng do cơ cấu nhân sự chủ chốt chưa xong xuôi.
Ngoài Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn được nhiều tín nhiệm nhất, số phiếu tiến cử các ứng viên còn lại đều khá thấp. Dù có đông người tranh cử, nhưng theo đánh giá, “chất lượng” ứng viên đại hội 8 là chưa đạt yêu cầu. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, lãnh đạo ngành thể thao hiện rất lo lắng do đại hội VFF bị trì hoãn quá lâu, ảnh hưởng tới hoạt động của các ÐTQG. Trong khi đó, năm 2018 bóng đá Việt Nam phải tham dự nhiều giải quốc tế quan trọng, như Asiad 2018 (Indonesia) hay AFF Cup 2018 rồi Asian Cup 2019 vào đầu năm sau.
VFF hay đúng hơn là bóng đá Việt Nam có vẻ như đang đối diện một cuộc khủng hoảng nho nhỏ về nhân sự lãnh đạo chủ chốt tại đại hội 8 tới, đặc biệt ở vị trí Chủ tịch.