Vị bác sĩ già và nỗi trăn trở trước cuộc chiến chống 'giặc Covid-19'

Mỗi ngày, tin tức về 'cuộc chiến' chống Covid-19 của cả nước lại dầy hơn, số ca dương tính cũng tăng lên dù không ồ ạt đáng ngại như các quốc gia châu Âu, nhưng trong sâu thẳm trái tim vị bác sĩ già là nỗi trăn trở, nhức nhối, thôi thúc muốn tham gia cuộc chiến 'chống dịch như chống giặc' mà Thủ tướng Chính phủ kêu gọi…

Chân dung vị bác sĩ già

Trời chiều chập choạng, nghe tin phóng viên Báo An ninh Thủ đô đến nhà, bác sĩ Đặng Minh Vụ - nguyên là Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lập tức rời Trạm trở về tiếp khách. Dù đã 65 tuổi và mắc bệnh cao huyết áp nhiều năm nay nhưng bước chân ông còn nhanh nhẹn lắm. Căn nhà chỉ có hai vợ chồng ông ở nằm ngay bên hông của Trạm Y tế, nơi vị bác sĩ già gắn bó suốt 23 năm trước khi về hưu, vì vậy, mọi thông tin dịch bệnh trong những ngày qua trên địa bàn quận được ông nắm rất rõ.

Năm 1977, bác sĩ Đặng Minh Vụ là y sĩ trong quân đội, tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Tại đây, ông gặp người vợ hiện tại của mình là bác sĩ Trần Thị Học, công tác cùng sư đoàn. Cả hai bén duyên nhờ sự sẻ chia, thấu hiểu trong công việc khi làm cùng ngành cùng nghề.

Bữa cơm gia đình của hai vợ chồng bác sĩ Đặng Minh Vụ bị bỏ dở khi thời sự trên tivi phát bản tin về đại dịch Covid-19

Bữa cơm gia đình của hai vợ chồng bác sĩ Đặng Minh Vụ bị bỏ dở khi thời sự trên tivi phát bản tin về đại dịch Covid-19

Sau đó, bác sĩ Vụ trở về làm việc tại Bệnh viện Bộ Tư lệnh không quân, nay là Bệnh viện Bộ Tư lệnh Phòng không không quân. Công tác tại khoa ngoại của bệnh viện được 10 năm thì ông xin ra quân, về phục vụ nhân dân ở vị trí công tác là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong thời gian làm việc tại Trạm, vợ chồng bác sĩ Vụ tiếp tục học chuyên sâu và mở một phòng khám răng - hàm – mặt nho nhỏ để phục vụ bà con trong xã.

Kể từ khi Bộ Y tế thông tin về hiện ca bệnh dương tính với Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, phòng khám của gia đình bác sĩ Vụ cũng đóng cửa. Ông cho biết: “Phòng khám của tôi dù ngày thường cũng ít bệnh nhân vì đa phần là bà con lối xóm, nhưng kể từ khi có dịch ở Hà Nội, vợ chồng tôi cũng quyết định tạm dừng hoạt động. Tôi nghĩ đây chính là trách nhiệm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân và cả cộng đồng…”

Nỗi niềm trăn trở trước dịch bệnh

Những ngày nghỉ không có bệnh nhân, vị bác sĩ già lại dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu. Bên góc bàn làm việc, những cuốn sách dày đã quen với ngón tay miết trên từng trang giấy. Thời gian gần đây, ông tập trung nhiều hơn số thời gian của mình để theo dõi dịch bệnh Covid-19. Không một bản tin nào bị bỏ qua, từng bài báo ở cả Việt Nam hay trên thế giới đều được cập nhất rất chi tiết. Thế rồi, cứ ngày ngày ông lại sang Trạm Y tế phường, trao đổi với cán bộ Trạm để nắm thêm thông tin tình hình trên địa bàn quận.

Dành thời gian nghiên cứu tài liệu, cũng như tìm hiểu các thông tin liên quan đến dịch Covid-19 khiến vị bác sĩ thêm trăn trở, làm thế nào để có thể góp sức nhỏ bé vào cuộc chiến gian này này?!

Dành thời gian nghiên cứu tài liệu, cũng như tìm hiểu các thông tin liên quan đến dịch Covid-19 khiến vị bác sĩ thêm trăn trở, làm thế nào để có thể góp sức nhỏ bé vào cuộc chiến gian này này?!

“Những ngày này, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam rất đông. Trong số đó, có thể có người đã nhiễm virus nhưng còn trong thời kỳ ủ bệnh, chưa phát tác, hoặc có những người tiếp xúc gần với các ca bệnh ở nước ngoài. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất khó lường. Tôi nghĩ không chỉ riêng bản thân tôi mà tất cả cộng đồng đều đang rất lo lắng. Vợ chồng tôi lại từng công tác trong ngành y, nên hiểu rất rõ về sự nguy hiểm của virus mà WHO đã công bố đó là đại dịch. Cái cảm giác mình chưa làm được gì để góp sức nhỏ bé vào cuộc chiến này càng khiến tôi thêm trăn trở…” – Bác sĩ Đặng Minh Vụ chia sẻ.

Trong cuộc đời làm nghề, bác sĩ Vụ cũng đã tham gia chống dịch khi xuất hiện dịch SARS năm 2003, dịch tả năm 2007, rồi dịch cúm H1N1 là đại dịch năm 2009… Đại dịch Covid-19 xuất hiện khi vị bác sĩ già đã về hưu, những tưởng sẽ an hưởng tuổi già nhưng trong lòng ông cứ thôi thúc. Có lẽ là tình yêu nghề, và tinh thần trách nhiệm, là bản năng của người làm công tác y tế, ở đâu có bệnh nhân cần giúp đỡ, ở đó có bác sĩ đến cứu…

Ghi tên tình nguyện

“Tôi có một suy nghĩ, mình là cán bộ y tế về hưu, trước đây đã từng tham gia trong quân đội và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Campuchia, nên dù sau này ra quân rồi công tác y tế cho đến khi về hưu thì chất lính vẫn luôn tồn tại trong tôi” – Bác sĩ Vụ bày tỏ. Hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch như chống giặc”, bác sĩ Vụ đã đăng ký tình nguyện tham gia cuộc chiến chống Covid-19.

Dù đã về hưu 5 năm nay và lại mang trong mình bệnh huyết áp cao, là đối tượng dễ lây nhiễm virus nCoV, nhưng bác sĩ Đặng Minh Vụ không nao núng. Với ông, cuộc chiến này có thể cũng gian nan, thử thách, nhưng từng là một người lính, vào sống ra chết để đem lại hòa bình cho đất nước, nay đứng trước tình hình dịch bệnh như vậy, lại khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, nên ông vẫn quyết tâm cùng với các cấp, ngành, mong góp chút sức nhỏ bé của mình vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi Việt Nam.

Ông là 1 trong 280 bác sĩ đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 theo lời phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc "Chống dịch như chống giặc"

Ông là 1 trong 280 bác sĩ đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 theo lời phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc "Chống dịch như chống giặc"

Trò chuyện với vợ ông - bác sĩ Trần Thị Học, về những suy nghĩ trước quyết định tình nguyện tham gia của chồng, bà cho biết: “Khi tôi biết chồng đăng ký tình nguyện tham gia cùng với các lực lượng chức năng chống dịch Covid-19, bản thân tôi rất ủng hộ. Bảo không lo lắng là không đúng, nhưng chúng tôi đã cùng nhau ở chiến trường, đã cùng làm công tác y tế suốt nhiều năm qua, đã cùng sẻ chia những lo lắng, trăn trở về đại dịch thì tôi nghĩ, đây chính là trách nhiệm của những người làm nghề như chúng tôi…”

Bác sĩ Đặng Minh Vụ là 1 trong số 280 cán bộ y tế về hưu đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19. Hy vọng, với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết dân tộc và sự nỗ lực của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, đại dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân Việt Nam.

Thùy An

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/vi-bac-si-gia-va-noi-tran-tro-truoc-cuoc-chien-chong-giac-covid19/847482.antd