Vì biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển - Bài cuối
VIỆT NAM - CAMPUCHIA “SAMAKI, SAMAKI”
BPO - “Việt Nam - Campuchia samaki, samaki”, đó là câu nói chúng tôi được nghe nhiều nhất tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất diễn ra ngày 15-5 vừa qua. Ở đó đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, cùng với đó là những nội dung hợp tác quốc phòng được ký kết ghi nhớ, thể hiện tình đoàn kết anh em của 2 dân tộc láng giềng đã được nhân dân 2 nước gìn giữ và hy sinh cho nhau trong hơn 50 năm qua.
Từ “đội quân nhà Phật”
Cách đây gần 45 năm, Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong, kêu gọi sự giúp đỡ từ Việt Nam. Chúng ta đã không thể làm ngơ, khi cùng Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia đánh đổ bè lũ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary, một trong những chế độ bạo tàn nhất trong lịch sử loài người. Chiến thắng ngày 7-1-1979 không chỉ làm hồi sinh đất nước Chùa Tháp mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế. Điều đáng nói là cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, ác liệt ấy diễn ra trong bối cảnh chúng ta vẫn còn chưa kịp khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị các thế lực thù địch nước ngoài bao vây cấm vận. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể trên đất bạn. Tổ quốc chưa bao giờ quên ơn họ. Nhân dân Campuchia gọi họ là “đội quân nhà Phật”.
Trong chuyến thăm lại nơi đầu tiên tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra đi tìm đường cứu nước năm 2017, Thủ tướng Hun Sen từng nói: “Hôm nay, tôi trở về nơi mà 40 năm trước bà con từng cưu mang tôi. 40 năm trước, sau khi cất giấu vũ khí, tôi đã đến đây. Khi tới, chúng tôi nhìn thấy nhà dân. Tôi nói với anh em nếu người Việt Nam bắt trói thì cứ bình tĩnh tuân theo... Tôi nhìn vào đồng hồ và nghĩ rằng chắc chắn người ta sẽ tịch thu cái đồng hồ này. Thế nhưng, bộ đội Việt Nam không những không lấy đồng hồ của tôi mà thậm chí không kiểm tra ba lô của chúng tôi, không cần biết trong ấy có gì... Tất cả quá tốt đẹp, không như dự tính của tôi. Đây là điểm mà Việt Nam khác với các nước cứ xem mình là cha của dân chủ, mẹ của nhân quyền nhưng đối xử rất tàn tệ với người vượt biên từ nước khác sang”.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Ai nói gì cứ nói nhưng không thể thay đổi được lịch sử, rằng nhờ có Việt Nam chúng tôi mới xây dựng được lực lượng vũ trang, mới giải phóng được dân tộc. Trước giải phóng, Campuchia chỉ có 5 triệu người, nay đã 15 triệu người. Việc xóa bỏ chế độ Pol Pot cũng đồng nghĩa với việc kết thúc sự bất ổn ở khu vực. Chúng ta có hòa bình và Campuchia trở thành thành viên của ASEAN, góp phần gìn giữ sự hòa bình, ổn định trong khu vực. Campuchia đã có được người bạn tốt nhất là Việt Nam”.
...đến vận mệnh chung của 2 nước
Là 2 nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, cùng uống chung dòng nước mát Mê Kông, 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia vốn có mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau từ lâu đời. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như xây dựng đất nước ngày nay, 2 nước luôn kề vai sát cánh bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu. Như khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, mối quan hệ tốt đẹp ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo 2 nước dày công vun đắp. Lịch sử đã minh chứng mối quan hệ Việt Nam - Campuchia trở thành yếu tố sống còn đối với vận mệnh của 2 đất nước. “Thế hệ trẻ 2 nước hôm nay may mắn được sinh ra và lớn lên khi 2 đất nước đã hoàn toàn giải phóng, được sống trong hòa bình, độc lập, được học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Các cháu học sinh sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Mong rằng các cháu sẽ luôn cố gắng học tập, rèn luyện, giành được nhiều thành tích, phấn đấu vì tương lai của đất nước Chùa Tháp tươi đẹp và sẽ cùng với các bạn trẻ Việt Nam vun đắp, phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó Việt Nam - Campuchia” - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang phát biểu khi cùng Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Samdech Pichey Sena Tea Banh và đoàn đại biểu 2 nước đến thăm Trường tiểu học Hun Sen 2 Thnou tại huyện Snuol, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia.
Nếu như trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, 2 nước láng giềng Campuchia - Việt Nam kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ thì trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những năm qua, Chính phủ, quân đội và nhân dân 2 nước tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau thông qua sự ủng hộ về trang thiết bị y tế, cử lực lượng bác sĩ điều trị cho người dân. Quan hệ truyền thống chiến lược đã thể hiện mong muốn phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Campuchia - Việt Nam.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia
Samdech Pichey Sena Tea Banh
Nâng tầm mối quan hệ hợp tác
Trong những năm qua, hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực và là một trong những trụ cột quan trọng, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia. Trong bối cảnh đó, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất chính là cơ hội để lãnh đạo 2 Bộ Quốc phòng gặp gỡ, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm, trao đổi thống nhất những định hướng lớn trong hợp tác, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác quốc phòng song phương không ngừng phát triển.
Tại cuộc hội đàm diễn ra ở huyện Lộc Ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Samdech Pichey Sena Tea Banh đều đánh giá, thời gian qua, vượt lên những khó khăn của dịch Covid-19 cũng như diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, mối quan hệ Việt Nam - Campuchia nói chung, hợp tác quốc phòng song phương nói riêng vẫn trên đà phát triển tốt đẹp. Hai bên tích cực triển khai hiệu quả những nội dung hợp tác đã được thống nhất tại cuộc hội đàm giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng tại Thủ đô Phnom Penh vào tháng 12-2021. Các hoạt động trao đổi thông tin, duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hợp tác đào tạo đã được 2 bên phối hợp triển khai hiệu quả, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân và quân đội 2 nước, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch chia rẽ tình đoàn kết, quan hệ gắn bó Việt Nam - Campuchia.
Samaki dịch sang tiếng Việt nghĩa là đoàn kết. Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện, gắn bó cùng phát triển - chính là tài sản vô giá mà bao thế hệ người Việt Nam - Campuchia đã phải trải qua nhiều hy sinh, cay đắng mới có thể có được.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, 2 bên thống nhất tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp triển khai các nội dung hợp tác đã thống nhất trong Nghị định thư hợp tác quốc phòng 5 năm, kế hoạch hợp tác thường niên; tăng cường trao đổi đoàn các cấp; đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng; hợp tác giữa các quân khu, quân binh chủng, bộ đội biên phòng; hợp tác về công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế... Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, Bộ Quốc phòng Việt Nam luôn ủng hộ Campuchia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, đồng thời bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp Campuchia tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia có điều kiện sinh sống, làm ăn ổn định, ủng hộ và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng Việt Nam hoạt động kinh doanh thuận lợi tại Campuchia. Bộ trưởng Phan Văn Giang tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và Thủ tướng Hun Sen, Campuchia sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử xã, phường cũng như hoàn thành trọng trách vai trò Chủ tịch ASEAN 2022. Ngay sau hội đàm, Bộ trưởng Phan Văn Giang và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Samdech Pichey Sena Tea Banh đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam và Bộ tư lệnh Hiến binh Quân đội Hoàng gia Campuchia.