Vì bình yên cuộc sống- Bài 3: 'Dạy' lại 'những đứa con gai ngạnh của mẹ cuộc đời'
Mặc cho sự sống ngoài kia vẫn đang hối hả ngược xuôi, giấu mình sau những bức tường kẽm gai cao vút, có một xã hội thu nhỏ vẫn đang chậm rãi chuyển động từng ngày. Đó là nơi tập trung của những tội ác, những điều xấu xa, ghê rợn trong xã hội. Song cũng chính nơi ấy – những 'mầm thiện' đang được ươm trồng, nhen nhóm những hy vọng mới trong 'những đứa con gai ngạnh của mẹ cuộc đời'.
Trong chuyến công tác đến Trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) và Trại giam Yên Hạ (Sơn La), chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với những phạm nhân có thành tích cải tạo tốt tại đây. Dù từng là những đối tượng cộm cán với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, song trải qua quá trình cải tạo, giáo dục, họ đã nhận thức ra những sai lầm, cố gắng cải tạo tốt để bước qua bóng tối để làm lại cuộc đời.
Giọt nước mắt hoàn lương của những kẻ sát nhân
Sinh ra tại một bản làng thuộc xã Mường Thải (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), Mùi Anh Quy (tên đã được thay đổi, SN 1995) là con trai duy nhất trong gia đình 6 người con. Sớm nhận thức được nỗi vất vả của bố mẹ, Quy đã tạm gác lại việc học hành để đi làm phụ giúp gia đình. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song gia đình ấy đã từng có quãng thời gian rất ấm êm, hạnh phúc...
Mâu thuẫn gia đình bắt đầu căng thẳng khi người cha bị cho là “có mối quan hệ ngoài luồng” lại thường xuyên chìm trong những cơn say. Sau nhiều lần nhẫn nhịn, bi kịch xảy ra khi Quy 18 tuổi, đang đi làm thuê tại Hà Nội. Trong một dịp về thăm nhà và cùng mẹ đi làm nương, chứng kiến người cha say xỉn và có những lời lớn tiếng với mẹ mình, Quy đã không kìm được cơn nóng giận. Sẵn có hơi men trong người, Quy lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát và cái chết tức tưởi của người bố.
Đứng ở góc độ pháp lý, bản án với Quy đã nhận định phía nạn nhân cũng có một phần lỗi, nên HĐXX tuyên bị cáo 18 tuổi mức án 20 năm tù. Nhưng còn một “phiên tòa” khác, mở hàng ngày, hàng tháng, hàng năm trong tâm trí đứa con vì một phút lửa giận bùng lên, vì hơi men “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” mà mang tội sát hại cha. Những ngày đầu sau khi gây án, những ngày mới vào trại chấp hành án, Quy không đêm nào có một giấc ngủ trọn vẹn. Nỗi ám ảnh thường trực trong đầu, cứ nhắm mắt lại là khoảnh khắc kinh hoàng ấy lại hiện ra trong đầu, giày vò tâm trí.
Sau những năm tháng tự dằn vặt về những tội lỗi mình gây ra, được sự động viên của các cán bộ quản giáo, Quy đã tự vực dậy bản thân mình. Động lực lớn nhất của Quy là mẹ. Quy luôn cố gắng phấn đấu từng ngày để được giảm án nhiều nhất, sớm quay trở về với gia đình và xã hội.
Suốt 11 năm chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ, sau khi nhận thức ra được lỗi lầm, Quy luôn cố gắng cải tạo tốt từng ngày, là một cách chuộc lỗi. Từ 2014 - 2017, Quy chỉ đạt mức cải tạo Khá, nhưng từ 2018 đến nay, phạm nhân liên tục được xếp loại Tốt. Quy cũng được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội phạm nhân và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Từ bản án 20 năm, Quy đã được giảm án 4 lần, tương đương 4 năm. Quy cho biết, nếu tiếp tục học tập, cải tạo tốt, dự kiến ngày 2/9 tới đây, theo quy định, Quy sẽ tiếp tục được giảm án một lần nữa. Mỗi lần được giảm án như vậy, Quy vui mừng không chỉ vì ngày về đã gần hơn, mà còn vì tâm niệm ở một thế giới nào đó, cha Quy cũng sẽ yên lòng. Có những sai lầm không thể sửa chữa như hành vi con sát hại cha, nhưng sai lầm nào cũng có thể được nguôi ngoai khi thủ phạm đã trả giá, đã thành tâm hối cải, đã nhận thức ra được lỗi lầm.
Cũng giống như Quy, Nguyễn Văn Khoa (tên đã thay đổi, sinh năm 1990, quê huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) phải đánh đổi cả phần đời của mình trong trại giam chỉ vì một lần bị “ma men dẫn lối” gây thương tích cho người khác. Sau khi vụ việc xảy ra, Khoa lẩn trốn nhiều năm để tránh sự truy sát của cơ quan công an, mãi đến khi bị bắt mới chịu khuất phục. Thời gian đầu mới vào chấp hành án tại Trại giam Phú Sơn, hầu như đêm nào Nguyễn Văn Khoa cũng khóc. Hắn nghĩ về mẹ, về vợ, về các con và về những hành động sai trái mình đã gây ra và rồi nước mắt lại ứa ra ướt hết cả gối. Hàng trăm nghìn suy nghĩ ‘nhảy múa’ trong đầu khiến Khoa không đêm nào ngủ yên. Sợ những phạm nhân khác nhìn thấy, hắn chỉ biết trùm chăn kín đầu, cố gắng để khóc không thành tiếng.
Những ngày ở trong trại giam là những ngày dài nhất trong cuộc đời của Nguyễn Văn Khoa. Nhưng nhờ có sự động viên của các cán bộ quản giáo cùng gia đình, hắn đã thay dần thay đổi, luôn cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng. Giờ đây Nguyễn Văn Khoa đã trở thành một trong những phạm nhân cải tạo khá tốt, một ‘vận động viên’ bóng chuyền ‘cừ khôi’ của Trại giam Phú Sơn mà ai cũng phải công nhận. Các cán bộ quản giáo mỗi khi nhìn thấy Khoa đều thốt lên rằng “tay này đánh bóng chuyền giỏi lắm!” Không những thế hắn còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của trại giam và luôn được đánh giá cao.
“Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”, “giận quá mất khôn”, “một điều nhịn là chín điều lành” có lẽ là những lời dành cho trường hợp của phạm nhân Nguyễn Thế Thắng đang chấp hành án 13 năm tù tại trại giam Phú Sơn. 4 ngày trước khi con trai chào đời, Thắng bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên án phạt 13 năm tù về tội “Giết người”. Thời điểm này, hắn chán nản vì “Cuộc đời đi vào ngõ cụt rồi”. Tuy nhiên sau này, khi lên cải tạo tại trại giam Phú Sơn 4, được sự giáo dục, cảm hóa của các cán bộ quản giáo trại giam, sự động viên từ gia đình, Thắng yên tâm và cố gắng cải tạo để phấn đấu được giảm án, sớm có cơ hội trở về. Nhìn vào bảng xếp loại cải tạo, Thắng đều đạt xếp loại cải tạo “Tốt”. Không những vậy, từ tháng 9/2019 đến nay, hắn còn được cán bộ tin tưởng giao phụ trách công việc phát thanh, tuyên truyền trong trại giam cho các phạm nhân khác...
Vực dậy phạm nhân 72 tuổi từ “cửa tử”
Tại trại giam Yên Hạ có một phạm nhân rất đặc biệt, đó là Nguyễn Vui (tên người chấp hành án trong bài viết đã được thay đổi, SN 1952, quê Hà Nội) vào tù từ năm 55 tuổi do phạm tội mua bán trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép chất ma túy; tàng trữ, lưu hành tiền giả; với tổng mức án 30 năm tù giam. Đặt ví dụ nếu không được giảm án, thì khi ra trại, phạm nhân này đã gần 90 tuổi. Thậm chí với người bình thường trong xã hội, với các điều kiện ăn ở, sinh hoạt làm việc bình thường, thì chưa chắc đã sống đến được tuổi đó.
Éo le hơn nữa, phạm nhân này còn bị nhiễm HIV, là căn bệnh có thể bào mòn sức khỏe người ta rất nhanh. Nếu không rèn luyện sức khỏe, tinh thần không vững vàng, thì cứ dần héo hon, gầy mòn, kiệt quệ.
Nói về quãng đường đời của mình, ông Vui rơm rớm nước mắt, hai bàn tay đan xoắn xuýt vào nhau như cố kiềm chế cảm xúc: “56 tuổi tôi chấp hành án tù 30 năm, tư tưởng tôi chán nản cứ nghĩ rằng cuộc đời này tôi sẽ chết ở trong trại giam không được gặp mẹ tôi lần cuối mặc dù đến năm nay bà đã 107 tuổi rồi”.
Nhớ lại thời khắc “vật lộn” với những cơn nghiện, ông Vui không khỏi kinh hãi kể lại: “Lúc mới vào trại giam, tôi thường xuyên bị những cơn thèm ma túy hành hạ đến mất ăn, mất ngủ. Do nghiện ma túy nên tôi bị nhiễm HIV, thể lực nhanh chóng bị suy kiệt nghiêm trọng”.
Được đưa vào diện cai nghiện ma túy, ông Vui được dùng thuốc và ăn uống đầy đủ nhưng mỗi lần lên cơn lại khiến cả trại kinh hoàng. Nhiều lúc lên cơn nghiện, nằm quằn quại trong trại giam ông Vui lại gọi cán bộ quản giáo đến thều thào nói rằng chắc mình không qua khỏi.
Ấy vậy nhưng, cuộc đời luôn có những điều kỳ lạ. Phạm nhân Nguyễn Văn Vui đã được gặp điều kỳ lạ ấy trong trại giam. Việc thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của ông Vui là nhờ điều kỳ lạ đến từ các cán bộ quản giáo của trại giam Yên Hạ. Ông thành thực với phóng viên rằng “Nếu không có sự giáo dục, động viên, hỗ trợ và cho tôi môi trường cải tạo tốt của các cán bộ thì tôi đã không có tư tưởng thoải mái như ngày hôm nay, ba năm đầu vào trại tôi nghĩ mình đã chết ở đây nên thường vi phạm kỷ luật. Sau đó, cán bộ giúp tôi thức tỉnh, tôi hiểu ra bản thân mình đã đánh mất đi gia đình một lần và đẩy vợ con vào đường lao lý thì không thể để mẹ già phiền lòng thêm nữa. Ngày 30/5/2024 tôi sẽ mãn hạn tù, tôi đang đếm từng ngày để được trở về với xã hội, điều đầu tiên tôi muốn làm là về nhà quỳ xuống xin lỗi mẹ tôi sau đó tôi sẽ đến xin lỗi các con của tôi…”
Đánh thức mầm thiện trong những kẻ gieo rắc “cái chết trắng”
Giữa những ngọn núi cao quanh năm sương mù bao phủ của bản Co Tang, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nơi được mệnh danh là "điểm nóng" của ma túy, có một câu chuyện buồn về Sồng A Đùa – một người đàn ông dân tộc Mông với quá khứ đắng cay và những sai lầm không thể quay đầu.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó với người cha nghiện ngập, mẹ thần kinh không ổn định, cuộc sống của Đùa là chuỗi ngày dài thiếu thốn và bơ vơ. Lớn lên trong vùng đất mà ma túy như một thứ hàng hóa phổ biến, Đùa không được chỉ dạy để tránh xa những cạm bẫy xung quanh mình. Môi trường ấy đã dẫn Đùa cùng em trai là Sồng A Chồng sa vào con đường tội lỗi. Khi nhận lời tham gia phi vụ mua bán ma túy với mong ước kiếm được chút tiền thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, Đùa không hề hay biết rằng mình đang bước vào vực thẳm.
Sau lần đầu nhận lời tham gia vào phi vụ mua bán ma túy và thành công, Đùa lún sâu vào con đường tội lỗi. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, trong 1 lần cùng đồng bọn đi giao hàng, tất cả đều bị bắt giữ cùng tang vật, khép lại chuỗi ngày tự do.
Tại Tòa án nhân dân Hà Nội, Đùa nhận án chung thân vì tội mua bán trái phép ma túy và thêm 2 năm tù vì tàng trữ vũ khí quân dụng. Tòa án tỉnh Sơn La cũng xử phạt Đùa chung thân cho những lần buôn bán khác mà hắn đã thành khẩn khai nhận. Tổng hợp hình phạt, Đùa phải chấp hành án chung thân và nộp phạt 50 triệu đồng.
Trong quá trình chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ, nhờ sự động viên của các cán bộ quản giáo, Đùa bắt đầu cải tạo tốt hơn. Từ những ngày đầu chỉ đạt kết quả cải tạo trung bình, dần dần được xếp loại khá. Đùa bày tỏ lòng biết ơn đối với các cán bộ đã cảm hóa và hướng dẫn mình trên con đường cải tạo. Năm 2021, khi nhận tin được giảm án từ chung thân xuống 30 năm, Đùa đã không thể cầm được nước mắt. Đối với Đùa, đó là tia sáng hy vọng, dù hiểu rằng ngày về của mình vẫn còn xa lắm.
Giờ đây, Đùa đã biết may hoàn chỉnh một bộ quần áo, công việc mà hắn chưa từng nghĩ tới trước đây. Đùa tự nhủ, nếu có ngày về, sẽ mua tấm vải đẹp nhất, tự tay may tặng các con, các cháu những bộ quần áo tử tế, bởi đó là cách duy nhất hắn có thể bù đắp phần nào sự thiếu vắng của mình.
Không giống như Đùa, Hù A Chợ (sinh năm 1982, quê quán ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) từng là cán bộ xã mẫu mực với một gia đình nhỏ hạnh phúc, trở thành tấm gương mẫu mực để 2 con trai noi theo. Song vì một quyết định sai lầm, Chợ đã tự biến mình thành tên tội phạm ma túy. Suốt 11 trả án, Chợ luôn dằn vặt bản thân vì những sai lầm mình phạm phải, day dứt vì chưa thể hoàn thành trách nhiệm của một người cha, người chồng.
Gặm nhấm từng ngày dài phía sau song sắt, Chợ chán nản, bế tắc. Sự động viên kịp thời của các cán bộ trại giam đã vực dậy tinh thần hắn. Dù chịu mức án phạt dài 20 năm, nhưng nhờ sự đồng hành của các cán bộ quản giáo, Chợ luôn tích cực lao động cải tạo, không vi phạm nội quy của trại giam. Ngoài ra, hắn còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Nhiều năm qua Hù A Chợ luôn được xếp loại cải tạo Tốt. Từ mức án 20 năm tù, Chợ đã được giảm án 4 lần và trong tương lai sẽ tiếp tục được giảm án.
“Khi được mãn hạn tù sớm để trở về làm lại cuộc đời, với sự quan tâm và những chính sách của nhà nước, tôi mong muốn được vay vốn để phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình. Khi đó tôi sẽ cố gắng để lo cho con trai thứ 2 đi học đại học, để con được theo đuổi ước mơ. Tôi mong muốn bù đắp tất cả cho mình đình mình!”, Chợ bày tỏ. Những lời tâm sự ấy đủ để thấy sự ăn năn hối cải, sự thay đổi của một tên tội phạm liên quan đến ma túy. Cũng đủ để thấy ước mơ hoàn lương của một Đảng viên lầm lỡ và khao khát hoàn thành nốt trách nhiệm còn dang dở của một người cha tù tội.
Với Khà A Tú (người dân tộc Mông quê gốc ở Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình), ở tuổi 46, sau 18 năm 20 ngày chấp hành án chung thân vì tội mua bán trái phép ma túy và tàng trữ vũ khí, cuối cùng hắn cũng thấm thía cái giá phải trả cho những lầm lỡ. Khi kể lại câu chuyện của mình, đôi mắt Tú ánh lên nỗi ân hận xen lẫn niềm khát khao mãnh liệt về một cơ hội sửa sai.
Tú đã được giảm án tổng cộng 5 lần. Năm 2022 Tú còn được tuyên dương trên loa phát thanh của phân trại do đã có thành tích trong phong trào thi đua do trại phát động. Giờ đây, Tú chỉ còn hơn 7 năm tù. Trong những ngày tháng còn lại ở trại, Tú chỉ có một mong ước duy nhất là được sớm về nhà, xây lại chuồng trại, làm ăn lương thiện và phụ giúp vợ chăm sóc con cái. Anh muốn sống một cuộc đời bình dị, giản đơn nhưng trong sạch và thanh thản. “Qua 18 năm trong trại, mỗi ngày tôi đều tự nhắc mình tránh xa con đường này. Nếu thời gian có thể quay lại, có cho tiền tỷ tôi cũng sẽ không làm. Cái giá phải trả quá đắt…”, Tú thở dài, đôi mắt dõi về xa xăm.