Vì chất lượng dân số
'Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước' là chủ đề được Bộ Y tế chọn nhân Tháng hành động quốc gia về dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2023.
Chủ đề này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị sức khỏe để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hằng năm cả nước có đến hàng triệu thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn và chuẩn bị kết hôn. Thế nhưng, phần đông giới trẻ mới chỉ chú trọng đến việc tìm hiểu gia đình, đạo đức, tính cách, học vấn mà quên rằng, sức khỏe cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hôn nhân.
Thực tế cho thấy, nhiều thanh niên nếu có đi khám tiền hôn nhân cũng chỉ quan tâm đến việc mình sẽ sinh con thế nào chứ không phải để phát hiện có mang bệnh hay mang gen bệnh hay không. Nguyên nhân khiến giới trẻ chưa chủ động đi khám sức khỏe trước hôn nhân là do còn e ngại. Thậm chí, nhiều người chủ quan cho rằng, mình không có bệnh nên không cần đi khám. Một số khác lại lo sợ nếu phát hiện ra bệnh, có thể là những bệnh mang tính chất di truyền thì không thể kết hôn. Thế nhưng, điều đáng nói, không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản như hiếm muộn, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
Theo Sở Y tế Hà Nội, toàn TP đã đạt mức sinh thay thế, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao. Trong 10 tháng năm 2023, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 89,81%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 90,01%; tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 53,4%.
Hiện nay, ngành dân số Thủ đô đang từng bước thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận khám sức khỏe tiền hôn nhân đến các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn. Theo đó, Hà Nội phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Ngành dân số thực hiện tư vấn tại cộng đồng, các tụ điểm, trường học, câu lạc bộ; giới thiệu các cặp nam, nữ đến cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện theo quy định thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn. Bên cạnh đó, trung tâm y tế các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có bệnh, hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc khi mang thai và trước khi sinh.
Có thể thấy, tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp các cặp đôi phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị những bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn như nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh. Từ đó phòng tránh được những nguy hại có thể xảy ra trong tương lai, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi.
Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%. Để đạt được mục tiêu này, thiết nghĩ, ngành dân số cần tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức ở người dân. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyên môn. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục mở rộng, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tới cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-chat-luong-dan-so.html