Vì chất lượng dạy và học
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia thời gian qua luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Dù đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng năm 2020, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng 104 trường đạt chuẩn quốc gia.
Tính đến hết tháng 9-2020, các địa phương đã hoàn thành công nhận 29 trường đạt chuẩn, bằng khoảng 27% kế hoạch năm 2020. 75 trường học còn lại phải hoàn thành kế hoạch đạt chuẩn trong năm nay ít nhiều đều có những khó khăn riêng, trong đó vướng mắc lớn nhất là liên quan đến nguồn kinh phí xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, trang bị dạy học và quỹ đất mở rộng trường để bảo đảm sĩ số lớp học tuân thủ Điều lệ trường học. Chưa kể, một số dự án xây dựng, cải tạo trường học bị chậm tiến độ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Song, với nỗ lực hóa giải các khó khăn của thành phố, ngành Giáo dục và các cấp, ngành, đơn vị liên quan, đến nay, nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn năm 2020. Thậm chí, với những quận, huyện có nhiều khó khăn về kinh phí (như Mỹ Đức) hay về quỹ đất (như quận Ba Đình), hiện các trường trong kế hoạch xây dựng đạt chuẩn cũng đang được gấp rút hoàn thành, phấn đấu được công nhận vào cuối năm.
Xây dựng trường học đạt chuẩn không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài của ngành Giáo dục Thủ đô, các địa phương trên địa bàn thành phố, do đó công tác này cần tiếp tục được chú trọng trên nhiều phương diện.
Hiện tại, số hồ sơ chờ thẩm định trường đạt chuẩn quốc gia là khá nhiều, do đó, ngành Giáo dục thành phố cần bố trí kịp thời các đoàn đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường nằm trong kế hoạch đề nghị thẩm định công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2020. Khi đánh giá, cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn của việc kiểm định chất lượng giáo dục, không vì số lượng mà làm tắt quy trình, gây ảnh hưởng đến chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đối với một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chủ đầu tư cần tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Cùng với đó, các nhà trường cần chủ động thực hiện tốt các tiêu chí về tổ chức và quản lý; về hoạt động giáo dục và kết quả… để bảo đảm các tiêu chí.
Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là quá trình thực hiện thường xuyên, hướng đến những điều kiện dạy và học ngày càng tốt hơn cho thầy và trò, vì thế, ngành Giáo dục, các nhà trường cần liên tục rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, đề xuất cụ thể kế hoạch vốn đầu tư với các cấp chính quyền để chủ động thực hiện. Còn với những địa phương thiếu quỹ đất mở rộng trường học, nên chủ động giải pháp nâng tầng lớp học để tăng diện tích sử dụng, song phải tuân thủ tuyệt đối quy định, quy chuẩn kỹ thuật của các cơ quan chức năng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em học sinh. Đây là giải pháp khả thi khi quy định hiện hành cho phép các trường phổ thông được xây dựng tối đa 5 tầng - điều này sẽ giúp các quận giải quyết được tình trạng thiếu lớp, quá tải số lượng học sinh/lớp như hiện nay.
Thực hiện tốt các giải pháp trên, tin rằng thành phố Hà Nội không chỉ hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 104 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2020 mà còn đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, góp phần chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học tạo tiền đề thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/982774/vi-chat-luong-day-va-hoc