Vì đâu bến xe hơn 10 tỷ đồng phía Nam TP. Đông Hà đìu hiu vắng khách?
Sau 4 năm, bến xe và bãi đỗ xe tĩnh phía Nam TP. Đông Hà, Quảng Trị vẫn trong cảnh đìu hiu; xe tuyến cố định nội tỉnh chủ yếu vào ký lệnh.
Bến xe đìu hiu vắng bóng khách ở “cửa ngõ” phía Nam
Dự án bến xe và bãi đỗ xe tĩnh phía Nam TP. Đông Hà được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án đầu tư và khởi công xây dựng năm 2014, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2015, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 với quy mô bến xe loại IV, phục vụ 67 phương tiện khai thác 5 tuyến vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh: Đông Hà - Lao Bảo, Đông Hà - Khe Sanh, Đông Hà - Tà Rụt, Đông Hà - Hồ Xá, Đông Hà - TX Quảng Trị của 4 HTX, với tổng số 64 lượt phương tiện xuất bến mỗi ngày. Sau hơn 3 năm hoạt động (2016-2018), doanh thu trung bình 777 triệu/năm và lợi nhuận hơn 150 triệu/năm.
Ông Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị nhấn mạnh: Việc đầu tư, xây dựng bến xe và bãi đỗ xe tĩnh phía Nam TP. Đông Hà nhằm mục đích giảm lưu lượng người và phương tiện tại Bến xe trung tâm TP. Đông Hà (số 425 Lê Duẩn, phường Đông Lễ); bố trí một phần diện tích làm bãi đỗ xe tĩnh trong điều kiện quỹ đất dành cho việc đỗ xe tại khu vực trung tâm TP.Đông Hà còn hạn chế. Đồng thời kết nối liên hoàn hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo các phương tiện không đi vào trung tâm, giảm áp lực giao thông khu vực TP.Đông Hà.
Tuy nhiên, sau thời gian khai thác, sử dụng, bến xe và bãi đỗ xe tĩnh phía Nam TP. Đông Hà chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, do những năm gần đây lưu lượng người và phương tiện hoạt động trên các tuyến cố định nội tỉnh giảm nhiều, đặc biệt là tuyến cố định Đông Hà - Khe Sanh - Lao Bảo.
Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo không còn áp dụng cơ chế đặc thù, các chính sách ưu đãi bị cắt giảm, người và phương tiện, hàng hóa thông thương qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sụt giảm. Lao Bảo không còn sầm uất như những ngày mới thành lập, lưu lượng hàng hóa tuyến vận tải Việt - Lào trong những năm qua giảm đáng kể. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã hình thành mới 3 tuyến xe buýt Đông Hà - Hồ Xá, Đông Hà - Hải Lăng, Cam Lộ - Cửa Tùng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại của nhân dân từ 5h30 đến 18h hàng ngày.
Mặt khác, các phương tiện cá nhân ngày càng nhiều khiến lượng hành khách đi lại trên các tuyến cố giảm hẳn. Từ 5 tuyến cố định nội tỉnh với 67 phương tiện thuộc 4 HTX khai thác, đến nay giảm còn 57 phương tiện thuộc 3 HTX khai thác 3 tuyến: Đông Hà - TX Quảng Trị (1 xe), Đông Hà - Khe Sanh (16 xe) và Đông Hà - Lao Bảo (40 xe).
Theo các tài xế, mặc dù Bến xe phía Nam Đông Hà tọa lạc mặt tiền đường Điện Biên Phủ (đường 9D) nối từ QL1 cửa ngõ phía Nam TP Đông Hà và QL9 khu vực cửa ngõ phía Tây TP. Đông Hà và huyện Cam Lộ lên Lao Bảo. Tuy nhiên, bến xe này trong cảnh đìu hiu vắng khách do nằm ở khu vực xa dân cư, lại nằm “lừng khừng” cách ngã tư QL1-Điện Biên Phủ (phía dưới bến xe) và ngã tư Điện Biên Phủ - Hùng Vương nối dài gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (phía trên bến xe) khá xa. Hành khách thay vì vào bến thường đứng ở khu vực này đón xe…
Hiện tại, cùng với hệ thống tường rào bê tông, cây xanh, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh, cổng ra và cổng vào… Bến xe và bãi đỗ xe tĩnh phía Nam Đông Hà này cũng chỉ mới được đầu tư nhà bán vé kết hợp nhà chờ khá “khiêm tốn”....
Giải pháp nào cho Bến xe phía Nam Đông Hà?
Dự án bến xe và bãi đỗ xe tĩnh phía Nam thành phố Đông Hà có diện tích 1,34ha, tổng mức đầu tư 14,59 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 10,23 tỷ đồng, vốn của Trung tâm Quản lý bến xe khách và các nhà đầu tư 4,36 tỷ đồng. Tổng giá trị công trình đã hoàn thành, quyết toán 11,31 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đã bố trí 4,87 tỷ/9,88 tỷ, còn nợ, chưa bố trí vốn 5,01 tỷ; vốn nhà đầu tư 1,43 tỷ đồng.
Doanh thu tại bến xe này năm 2016 trên 834 triệu đồng, năm 2017 trên 771 triệu đồng, năm 2018 trên 724 triệu đồng. Trừ chi phí thuế, tiền lương, nhân công và tiền điện, nước, vệ sinh…, lợi nhuận trung bình 150 triệu/ năm; riêng 8 tháng đầu năm 2019 doanh thu trên 434 triệu đồng.
Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của người dân và hành khách, phù hợp với sự phát triển của ngành vận tải hành khách, Sở GTVT đã rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các bến xe, các tuyến vận tải tuyến cố định và hoàn thiện đề án chuyển đổi các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh sang hoạt động theo hình thức xe buýt; đề án đã báo cáo UBND tỉnh xem xét và dự kiến triển khai thực hiện từ năm 2020.
Theo đó, Sở GTVT đề xuất giữ lại 2 bến xe chính là bến xe trung tâm TP. Đông Hà và bến xe Lao Bảo, đồng thời đề xuất xây dựng mới bến xe Cửa Việt. Quỹ đất tại các bến xe sau chuyển đổi, Sở GTVT và các Sở, ngành đã họp thống nhất báo cáo tỉnh xin chuyển mục đích và quyền sử dụng đất để huy động kinh phí (vốn đối ứng của tỉnh) thực hiện dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh - Cảng hàng không Quảng Trị.