Vì đâu họ không muốn 'sao kê'?

Thứ nhất là bởi lòng tham

Theo quan điểm của các triết gia cổ đại Trung Hoa là Khổng Tử và Mạnh Tử thì “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Tức là con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành. Tuy nhiên, khi lớn lên và do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh. Do đó, mọi người cần phải luôn được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh. Còn theo quan điểm của Tuân Tử - nhà tư tưởng Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc (313-238 trước Công nguyên), thì bản tính con người vốn là ác. Tuy nhiên, vì được giáo dục nên con người trở nên thiện ít hay nhiều là tùy ở mỗi người. Cũng vì bản chất là ác nên con người mới hướng đến cái thiện.

Ở đây xin không bàn đến đúng - sai về quan điểm của hai “thánh nhân”, mà từ thực tế cuộc sống cho thấy, với không ít người thì cuộc đời là một hành trình miên man của lòng tham. Vì thế cho nên đối với họ, những vật tuy không đáng giá và lại không phải là của mình, nhưng họ vẫn luôn mong uớc sở hữu nó. Và thậm chí với rất nhiều người dường như lòng tham giống như một cái túi không đáy. Mà đã không có đáy thì dù có đựng bao nhiêu vàng bạc, của quý cũng không thể nào đầy được. Nói cách khác thì lòng tham đối với không ít người là vô độ, vô hạn nên không có điểm dừng, không có giới hạn… Chính vì vậy mà nhiều người mãi chạy theo lòng tham để thỏa lòng tận hưởng.

Một nghệ sĩ đã sao kê tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank

Một nghệ sĩ đã sao kê tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank

Bởi thế trong xã hội mới có người vì lòng tham mà không còn lương tâm, cũng chẳng có lương tri nên ăn của hối lộ, ăn xén ăn bớt của cải, mồ hôi công sức của người khác. Lại có người vì lòng tham mà phải cờ bạc, cá độ để mong được giàu sang có được tài sản, rốt cuộc giàu sang không thấy mà lại cho một kết quả bi thảm đó là tán gia bại sản, nhà cửa bị tịch thu… Có người vì lòng tham mà mua vé số, đánh số đề cầu mong trúng số độc đắc để được giàu có, kết quả rồi cũng trắng tay, tan nhà nát cửa, nợ nần chồng chất… Có người vì lòng tham nên mới đầu có chiếc xe đạp, khi có được chiếc xe đạp rồi lại mong muốn có chiếc xe honda, khi có chiếc xe honda lại mong muốn có được chiếc xe hơi… Vậy nên, lòng tham không có giới hạn là như vậy.

Lại có người khi đã ăn được thịt gà, heo, vịt rồi thì người ta muốn biết qua thịt dê, nai, đà điểu. Đã ăn cá rô, cá lóc, cá nục, cá thu, lại muốn có cá hồi, cá tầm, vi cá mập… Đến các loại rau quen thuộc như rau muống, rau dền, mồng tơi, bắp cải… nhưng khi thấy rau rừng hay bắp cải tím nhập khẩu thì cơn thèm muốn lại trỗi dậy. Chưa hết, con người ta khi đã ăn no rồi lại đòi ăn ngon. Mặc ấm rồi thì đòi mặc đẹp và đẹp hơn…. Thế nhưng, nếu ai đó không biết đủ giống như con rắn muốn nuốt cả con voi, dù nuốt không được nhưng lại không muốn nhả ra, nên tai họa “không nên có” sẽ ập đến lúc nào không hay.

Thứ hai là do kẽ hở của pháp luật

Ngày 14-5-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, đối tượng được phép kêu gọi, vận động đóng góp và tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra... là đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các cơ quan thông tin đại chúng... được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong nội dung của nghị định này không quy định điều chỉnh đối với cá nhân, mà chỉ có các tổ chức nêu trên mới được thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, mà chỉ quy định với tổ chức làm từ thiện. Tuy nhiên, nghị định này cũng không có quy định nào cấm cá nhân không được vận động làm từ thiện. Mà những gì pháp luật không cấm thì công dân có quyền được làm. Song, vấn đề đặt ra ở đây là được làm, nhưng làm như thế nào, hiệu quả ra sao, phải công khai minh bạch những gì…? Đồng thời, mặc dù pháp luật không cấm nhưng nếu vi phạm thì vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. Bởi lẽ, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định xử lý nếu phát hiện: “thiện nguyện trá hình”, “lợi dụng từ thiện để trục lợi”…

Từ thiện là hoạt động thiện nguyện, xuất phát từ tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thế nhưng trong thời gian qua, việc nhiều cá nhân làm từ thiện, nhận tiền quyên góp cho hoạt động thiện nguyện diễn ra rất sôi động và thực tế đã có những đóng góp tích cực vào công tác này. Đợt lũ lụt miền Trung năm 2020, có nữ ca sĩ đã nhận được con số kỷ lục lên đến hàng trăm tỷ đồng từ các mạnh thường quân gửi gắm để hỗ trợ đồng bào vượt qua thiên tai. Nhưng cũng từ đây bắt đầu nảy sinh những tranh cãi dữ dội về tiền từ thiện đã được người nhận quyên góp sử dụng như thế nào. Và cũng từ đây xuất hiện tâm lý hoài nghi trong dư luận xã hội và cộng đồng mạng. Vì thế, việc công khai minh bạch những khoản đóng góp, chi tiêu đối với người kêu gọi, nhận tiền để làm từ thiện là rất cần thiết. Bởi vì, càng minh bạch bao nhiêu, uy tín của người làm từ thiện càng tốt bấy nhiêu.

Làm từ thiện đã đến lúc phải chuyên nghiệp

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, đã đến lúc việc từ thiện cần phải chuyên nghiệp hơn, rõ ràng và minh bạch hơn, nếu không thì truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc dễ bị lợi dụng. Và muốn thực hiện được điều này thì có cơ chế pháp lý cho hoạt động này. Trước hết là phải quy định công khai nguồn đóng góp tự nguyện, các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được nhà hảo tâm hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Vì trong thực tế đã có một nam ca sĩ công khai trên trang cá nhân của mình về vấn đề này rằng: Tôi không cần thiết phải sao kê cho ai biết, trừ khi pháp luật yêu cầu. Ngay cả nhà hảo tâm mà không biết tiền tỷ của mình đóng góp đã đi đâu, về đâu thì thử hỏi có ai còn dám làm từ thiện?

Thời gian gần đây, trong dư luận xã hội và nhất là trên các trang mạng đã xuất hiện nhiều thông tin về việc thiếu minh bạch trong giải ngân tiền từ thiện của những người “nổi tiếng”, trong đó có cả những nghệ sĩ có tiếng, ca sĩ nổi danh, người mẫu có nhiều fan hâm mộ và một số người trong giới showbiz. Thậm chí, có người kêu gọi từ thiện được hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản cá nhân, nhưng việc giải ngân số tiền lớn này cho những ai, ở đâu, khi nào và bao nhiêu… thì không một ai biết. Vì sao lại xảy ra việc đã nhận số tiền lớn của các nhà hảo tâm nhưng lại không làm từ thiện? Câu trả lời cũng thật đơn giản và ai cũng có thể biết, đó là bởi hai lý do nêu trong bài.

Tiếp theo đó, cần quy định rõ về việc cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì sau bao nhiêu ngày nhận tiền, hàng đóng góp phải có thông báo đến chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận theo mẫu chung. Khi phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân thông báo trước cho chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức và thời gian hỗ trợ theo mẫu chung. Đồng thời, phải phối hợp để thực hiện phân phối nguồn đóng góp sao cho công bằng và đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Quy định này để tránh tình trạng nhận tiền cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung, nhưng hơn nửa năm sau mới vội vã mang 13,7 tỷ đồng đi cứu trợ giữa mùa nắng nóng. Và cuối cùng là công khai bản sao kê ngân hàng số tiền đã nhận và số tiền đã hỗ trợ.

Truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta được đắp bồi qua nhiều thế hệ trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Và chính cái tình dân tộc, nghĩa đồng bào ấy đã quy tụ thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù. Nếu ai hiểu được điều này chắc chắn người đó không những thành danh mà còn thành công. Ngược lại, nếu ai đó vì lòng tham và chạy theo ảo vọng thì ắt cái giá sẽ phải trả không chỉ là “thân bại danh liệt”, mà còn “bia để miệng, tiếng để đời”, trong khi “trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”!

LG: Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/126970/vi-dau-ho-khong-muon-sao-ke