Vì đâu hơn 32.000m2 rừng phòng hộ ở Ninh Bình bị sạt lở, vùi lấp?
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến hơn 32.000m2 rừng phòng hộ ở Ninh Bình bị sạt lở là do việc khai thác đá từ trên cao xuống.
Khai thác mỏ đá khiến rừng phòng hộ sạt lở
Như Báo Giao thông đã phản ánh việc Công ty TNHH Duyên Hà (gọi tắt là Nhà máy Xi măng Duyên Hà) khai thác mỏ đá trên đỉnh núi không những gây sạt lở hàng chục nghìn m2 đất rừng phòng hộ mà diện tích lúa của người dân trồng phía dưới cũng bị ảnh hưởng.
Điều đáng nói, sự việc này xảy ra từ khoảng tháng 7 - 8/2019 nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Phải chăng việc xử lý vi phạm đối với Nhà máy xi măng Duyên Hà xem chừng rất khó?!
Liên quan đến việc này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Tạ Văn Tuệ - Phó phòng TN&MT TP. Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết, ngay sau khi có thông tin, UBND thành phố đã phối hợp với các ngành kiểm tra khu vực khai thác đá của nhà máy, vị trí sạt lở.
Theo ông Tuệ, ngày 25/3/2020, UBND TP Tam Điệp phối hợp với Hạt Kiểm lâm Tam Điệp đã kiểm tra thực tế: Tổng diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng, vùi lấp là 32.382m2 thuộc bản đồ theo dõi diễn biến rừng phòng hộ phường Tân Bình lập năm 2019.
Hiện tại, Nhà máy xi măng Duyên Hà đã dừng khai thác đá khu vực tiếp giáp các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở; đồng thời đang thực hiện việc bù đất, trồng cây hoàn trả rừng gồm các loại cây như sưa, sanh, muồng...
Kết quả kiểm tra cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở chủ yếu do địa hình mỏ là các đỉnh núi cao độc lập, có độ cao trung bình trên 100m, mặt bằng dự án được khống chế cho phép khai thác đá xuống độ cao +50m, địa chất đá không ổn định, góc nghiêng của các lớp đá trên 40 độ, chiều rộng mỏ có nhiều vị trí hẹp, địa hình phức tạp, các đường biên ranh giới mỏ và rừng phòng hộ chủ yếu nằm trên sườn dốc đứng.
Chính vì vậy, quá trình hạ độ cao khai thác từ trên đỉnh núi xuống đã xảy ra tình trạng đá sạt lở tại một số vị trí giáp ranh ngoài khu vực mỏ, ảnh hưởng đến rừng phòng hộ.
"Về hướng khắc phục, phía nhà máy đã bù đất, trồng cây để đạt độ che phủ của rừng. Chúng tôi cũng đang giám sát kỹ việc khai thác đá của nhà máy. Đồng thời yêu cầu phía nhà máy cố gắng trồng cây gần đạt hoặc đạt độ che phủ rừng như ban đầu.
Vượt quá thẩm quyền xử phạt của thành phố
"Do diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng lớn (32.382m2), vượt quá thẩm quyền xử phạt của thành phố nên chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh xem xét", ông Tuệ cho hay.
Trước sự việc này, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản số 139/UBND -VP3 ngày 9/4/2020 yêu cầu các Sở TN&MT, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp, UBND TP Tam Điệp và Nhà máy Xi măng Duyên Hà nghiêm túc thực hiện việc khắc phục, giám sát, kiểm tra trong quá trình hoạt động khai thác mỏ. Đồng thời, xử lý nghiêm theo thẩm quyền những hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường tại mỏ đá.
Trong đó, Sở Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, giám sát Nhà máy Xi măng Duyên Hà thực hiện việc khắc phục hậu quả. Xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, báo cáo kết quả về UBND tỉnh qua Sở TN&MT trước ngày 20/6/2020.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với Nhà máy Xi măng Duyên Hà; Tổng hợp kết quả, đề xuất phương án xử lý những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2020.
Được biết, Công ty TNHH Duyên Hà được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ngày 11/6/2015, cho phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Yên Bình, phường Tân Bình và xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp (nay là TP Tam Điệp).
Diện tích khai thác là 51,13ha, mức sâu khai thác +50m; trữ lượng khai thác 60.500.166 tấn đá vôi, công suất khai thác 2.053.800 tấn đá vôi/năm, thời gian khai thác 30 năm.