Vì đâu nhiều công trình cống ở Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang chưa phát huy tác dụng?
Nhiều người dân phản ánh các công trình cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang chưa phát huy tác dụng, trong khi đó ngành chức năng của huyện lý giải do tình hình thời tiết những năm qua không khắc nghiệt như năm 2015. Việc xây dựng cống là để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và có một số cống đã phát huy tác dụng tích cực.
Liên quan đến thông tin trên một số báo và phản ánh của người dân về việc nhiều cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận nhiều năm liền không vận hành, không phát huy tác dụng, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận Võ Hoàng Nguyên cho biết, thông tin trên ban đầu chưa đầy đủ, thiếu khách quan và dễ gây hiểu nhầm.
Theo ông Nguyên, từ năm 2016 đến nay, do tình hình thời tiết không khắc nghiệt như năm 2015, nên 52/54 cống ngăn mặn trên địa bàn chưa phát huy tác dụng. Còn nếu không làm cống, thì khi mặn đến sớm sẽ không trở tay kịp, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
“Việc làm cống là để chủ động ứng phó với thiên tai. Trước khi xây dựng cống, thì ấp, xã, nơi xây dựng cống đều có họp dân để lấy ý kiến, khi người dân đồng tình, chính quyền địa phương kiến nghị về trên thì mới xây dựng dựa trên nhu cầu cần thiết”, ông Nguyên nói.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận năm 2015, ở địa phương đã xảy ra tình trạng mưa dứt sớm, nước mặn xâm nhập, làm thiệt hại 15.000ha diện tích lúa trên địa bàn. Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện đầu tư hệ thống cống, bằng nguồn vốn phân bổ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, mục đích từng bước khép kín các tuyến kênh, không cho nước mặn vô bên trong nội đồng, bảo vệ sản xuất của nông dân.
Từ năm 2015, huyện Vĩnh Thuận bắt đầu xây dựng các cống ngăn mặn; mỗi năm đầu tư khoảng 10 cống, với số tiền thực hiện từ 700-800 triệu đồng/cống. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng xong 54 cống, trong đó 52 cống xây dựng trước năm 2021 và 2 cống hoàn thành năm 2022.
“2 cống hoàn thành trong năm 2022 là cống Kênh Ba Hớn và cống Kênh Mười Cơm, trị giá gần 3 tỷ đồng, ở ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận đưa vào vận hành vào các tháng 11 và 12/2022 đã phát huy tác dụng là ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ hơn 500ha diện tích lúa, hoa màu của nông dân”, ông Nguyên cho biết.
Ngoài mục đích ngăn mặn, các cống này còn có nhiệm vụ ngăn triều cường dâng, bảo vệ diện tích sản xuất lúa 2 vụ và mô hình lúa-tôm, ngăn bị dịch bệnh lây lan; từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu; giúp lưu thông đi lại, chở hàng hóa thuận tiện. Đồng thời, xây dựng cống cũng giúp địa phương phát triển hạ tầng đường bộ, bởi trước đây có những tuyến đường, có nơi không có bắc cầu, cho nên làm cống thay cho cây cầu theo hình thức kết hợp.
Về những nắp làm bằng gỗ của các cống ngăn mặn bị hư do thời gian dài không sử dụng, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết, đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận cho sửa chữa; đối với những cống cảm thấy không cần thiết thì không treo, khi nào cần thì gắn vào.
Theo nhiều người dân ở xã Vĩnh Phong, việc đóng cống là không cần thiết, bởi thời điểm hiện tại bà con cần dẫn nước mặn vào đồng để nuôi tôm. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc nhiều cống đưa vào sử dụng 5-6 năm nay nhưng chưa vận hành lần nào.
Trước đó, phóng viên đã đi thực tế quan sát nhiều cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận thì thấy nhiều cống không đóng. Đoạn giao thông từ thị trấn Vĩnh Thuận về xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận hơn 15km, có khoảng 8 cống nhưng đều không đóng cống, mặc dù đã bước vào thời điểm nước mặn xâm nhập.
Theo nhiều người dân ở xã Vĩnh Phong, việc đóng cống là không cần thiết, bởi thời điểm hiện tại bà con cần dẫn nước mặn vào đồng để nuôi tôm. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc nhiều cống đưa vào sử dụng 5-6 năm nay nhưng chưa vận hành lần nào.
“Cống Xẻo Lợp, xã Vĩnh Phong làm từ 2016 đến nay nhưng chưa thấy đóng cống lần nào. Bà con ở đây chủ yếu nuôi tôm nên cần nước mặn; thời gian gần đây, khi bà con sạ lúa thì mưa xuống, có nước ngọt rồi. Việc xây cống kết hợp cầu thì không lãng phí, nhưng nếu chỉ làm cống thôi thì tôi cho rằng gây lãng phí”, anh Lê Minh Thống, ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong cho biết.
Làm nghề thu mua cua, hằng ngày, anh Trần Hữu Duyên, ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong lưu thông qua hơn 30 cầu, cống trên địa bàn xã cho biết, việc kết hợp xây cầu, cống thì tôi nghĩ có lợi ích vừa giúp lưu thông cả thủy, bộ. Tuy nhiên, việc treo các nấp cống rất nguy hiểm, bởi sơ hở nấp cống rơi xuống xuồng, ghe người lưu thông qua cống thì sẽ bị thương tích, hoặc đe dọa tính mạng.
“Tôi nghĩ khi làm cống thì ngành chức năng chắc họ đã tính toán, có lý do hoặc có mục đích, ý nghĩa của công trình rồi”, anh Duyên chia sẻ.