Vi diệu 'cặp cổ tự song sinh' hai bên bờ sông Hồng

Hai bên bờ dòng sông Hồng huyền thoại đoạn qua địa phận các tỉnh Nam Định và Thái Bình có một cặp cổ tự đã ngàn năm tuổi trùng tên, kiến trúc giống hệt nhau như một cặp song sinh. Đó là chùa Keo Hành Thiện ở bên bờ hữu sông Hồng thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và chùa Keo Thái Bình bên bờ tả thuộc huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình). Cả hai ngôi chùa đều thờ Đại Quốc sư triều Lý, Đức Thánh tổ Dương Không Lộ - người khởi dựng cặp cổ tự trên.

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Cặp cổ tự song sinh?

Điều kỳ lạ là ngoài tên gọi giống nhau, dáng dấp và kiến trúc giống hệt nhau như một cặp cổ tự song sinh, theo văn bia ghi lại lịch sử của hai ngôi chùa Keo này cũng có nhiều nét tương đồng. Vậy tại sao lại có sự song trùng vi diệu này?

Theo các tài liệu lịch sử, chùa Keo Hành Thiện là ngôi chùa có trước, do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng từ năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hải Thanh, tỉnh Nam Định. Về Đức Thánh Tổ Không Lộ người phát tâm khởi dựng chùa Keo, Xa lộ Pháp luật có nhiều bài viết về Ngài như Huyền bí xá lợi Phật, Tranh cãi ngàn năm về hai vị Thánh tổ Không Lộ - Minh Không… Ngoài tên gọi Nôm là chùa Keo, chùa còn tên chữ là Thần Quang Tự.

Chùa Keo Hành Thiện (Keo Hạ)

Chùa Keo Hành Thiện (Keo Hạ)

Và người anh em song sinh Keo Thái Bình (chùa Keo Thượng)

Và người anh em song sinh Keo Thái Bình (chùa Keo Thượng)

Ban đầu, chùa Keo Hành Thiện được xây dựng tạm trên nền đất của làng. Năm Hoằng Định thứ 13 (1612), chùa được tu sửa hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay. Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hòa thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896) và đặc biệt từ năm 1962 chùa Keo đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa nên đã được tôn tạo nhiều lần.

Chùa Keo Hành Thiện hiện nay nằm ở vị trí đắc địa, “phong thủy” tốt, được xây dựng trên thế đất hình mình con cá chép, gần nơi giao nhau của 3 dòng sông Hồng, sông Thái Bình và sông Ninh Cơ. Làng Hành Thiện cũng là đất địa linh nhân kiệt, đất có truyền thống khao bảng lâu đời. Hơn 400 năm kể từ khi trùng tu, tôn tạo, đến nay kiến trúc chùa Keo Hành Thiện hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn.

Không gian chùa Keo Hành Thiện là cả một khu kiến trúc cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng.

Vì sao lại chùa Keo Thượng và Keo Hạ?

Vậy vì sao chùa Keo Hành Thiện lại có người anh em song sinh là chùa Keo Thái Bình - ở đối diện bên bờ hữu song Hồng? Theo lịch sử chùa Keo Thái Bình thể hiện, sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư làng Hành Thiện dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, về sau cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Thượng. Còn chùa Keo Hành Thiện gọi là chùa Keo Hạ.

Tuy nhiên, trong dân gian có một câu chuyện truyền miệng về sự ra đời của chùa Keo Thái Bình rằng: Đại pháp Thiền sư Dương Không Lộ sau khi xây dựng lên chùa Keo Hành Thiện nhưng vì thấy người dân không mộ đạo nên Ngài nổi giận. Với phép thuật cao cường, Ngài chặt tre đan rọ rồi thả tượng xuống sông Hồng, lấy nón của mình làm thuyền chèo qua bên bờ hữu là đất Vũ Thư, Thái Bình. Sau đó Ngài dựng lên ngôi chùa Keo Thái Bình ngày nay.

 Gác chuông chùa Keo Thái Bình 3 tầng 12 mái

Gác chuông chùa Keo Thái Bình 3 tầng 12 mái

Vì được xây dựng sau và là phiên bản của chùa Keo Hành Thiện nên dáng dấp và kiến trúc chùa Keo Thái Bình đương nhiên giống hệt ngôi chùa khởi nguyên của nó. Chùa cũng được dựng bằng gỗ, toàn bộ cột, vì kèo đều làm bằng gỗ lim với những chạm khắc tinh vi. Bên cạnh đó, kiến trúc hai ngôi chùa cũng có nét khác biệt đặc sắc.

Chẳng hạn, chùa Keo Thái Bình có gác chuông chồng diêm 3 tầng 12 mái đồ sộ độc nhất vô nhị Việt Nam. Còn gác chuông chùa Keo Hành Thiện tuy không “hoành tráng” bằng nhưng cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50. Gác chuông chùa Keo Hành Thiện với dáng vẻ thanh thoát, phía trên là mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn; phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.

Gian thờ Đức Thánh Tổ Không Lộ thiền sư trong chùa Keo Thái Bình

Gian thờ Đức Thánh Tổ Không Lộ thiền sư trong chùa Keo Thái Bình

Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, tại hai ngôi chùa Keo đều đang lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp, nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo.

Cả hai chùa Keo đều có đền Thánh thờ Đại pháp thiền sư Không Lộ và lưu truyền nhiều truyền thuyết ly kỳ về Đức Thánh Tổ Không Lộ như việc Ngài bay trên mây, đi trên mặt nước, lấy nón làm thuyền, đi sang nhà Tống quyên đồng đúc chuông đựng trong tay nải mà vét sạch kho đồng khiến người phương Bắc kinh ngạc và nể phục… Lễ hội hai chùa đều diễn ra vào rằm tháng 9 âm lịch hàng năm.

Vì sao chùa Keo Hành Thiện ngàn năm nay không hề có sư sãi ở?

Có một điều hết sức kỳ lạ và đặc biệt mà đến giờ khoa học và dân gian đều chưa có sự lý giải thuyết phục đó là chùa Keo Hành Thiện rộng, đẹp, phong thủy tốt thế nhưng lịch sử ngàn năm nay không có sư sãi trụ trì. Thực tế, cũng có một vài nhà sư về ở nhưng rồi cũng nhanh chóng rời đi nơi khác. Lý giải hiện tượng này, dân gian truyền rằng việc chùa Keo Hành Thiện không có sư ở là liên quan đến một lời nguyền.

Nghi lễ rước kiệu Phụng Nghinh trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Nghi lễ rước kiệu Phụng Nghinh trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Truyền thuyết kể rằng, Thiền sư Dương Không Lộ sống dưới triều đại nhà Lý là một người tu hành đắc đạo lại tinh thông pháp thuật. Khi Ngài dựng chùa Keo Hành Thiện với tất cả tâm sức nhưng người dân không mấy thiết tha, mặn mà với đạo.

Giận vì điều đó, thiền sư Không Lộ đã quyết định bỏ đi. Ngài lấy tre đan thành những chiếc rọ, rồi thả tượng vào đó, lại lấy nón của mình làm thuyền. Xong xuôi đâu đấy, ngài hóa phép chuyển hết chùa sang phía tả ngạn sông Hồng về địa phận nay thuộc khu vực làng Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình. Không chỉ có vậy, thiền sư Không Lộ còn để lại lời nguyền rằng sẽ không có nhà sư nào đến ở đất Hành Thiện nên từ đó đến nay chùa này không có sư sãi ở.

Lời nguyền năm xưa không biết có đúng sự thật hay không nhưng việc ngôi chùa rộng cả trăm gian, địa thế phong thủy tốt nhưng không một vị sư nào trụ lại suốt hàng ngàn năm qua là có thật…

Thiện Tâm (t/h) / Xa lộ pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dao-va-doi/vi-dieu-cap-co-tu-song-sinh-hai-ben-bo-song-hong-486056.html