Vị Giáo sư Trung Quốc dành nhiều quan tâm cho văn học Việt
GS Triệu Bạch Sinh mong muốn sẽ ngày càng có nhiều các tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam được giới thiệu sang Trung Quốc.
Là một chuyên gia uy tín của Trung Quốc, giáo sư Triệu Bạch Sinh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn học Thế giới của Đại học Bắc Kinh gần đây dành nhiều quan tâm đến văn học Việt. Ông mong muốn sẽ ngày càng có nhiều các tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam được giới thiệu sang Trung Quốc.
Giáo sư Triệu Bạch Sinh đọc thơ: "Tôi hỏi đất: - Đất sống với đất như thế nào? - Chúng tôi tôn cao nhau. Tôi hỏi nước: - Nước sống với nước như thế nào? - Chúng tôi làm đầy nhau. Tôi hỏi cỏ: - Cỏ sống với cỏ như thế nào? - Chúng tôi đan vào nhau.Làm nên những chân trời. Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?..."
Đây là những câu thơ trong bài "Hỏi" của nhà thơ Hữu Thỉnh đã được giáo sư Triệu Bạch Sinh mở ngay trong điện thoại và đọc cho chúng tôi nghe khi trả lời phỏng vấn với sự yêu thích, trân trọng.
Hơn 30 năm làm việc ở Đại học Bắc Kinh, một trong những ngôi trường hàng đầu của Trung Quốc, ông thừa nhận, Trung Quốc đã hướng tầm mắt đi quá xa sang tận các nước Âu, Mỹ, mà dường như lãng quên nền văn học của các nước láng giềng.
Ông nói: "Tôi thường nói, chúng ta học văn học thế giới, vậy Hy Lạp là toàn thế giới sao? Âu Mỹ là toàn thế giới sao? Phương Tây là toàn thế giới sao? Rõ ràng là không. Tôi thấy, chúng tôi cần có sự đổi hướng về văn hóa, chúng tôi cần quan tâm nhiều hơn tới các nước láng giềng."
Ông cũng tự nhận mình quan tâm đến văn học Việt khá muộn, mới từ đầu những năm 2000, bởi chuyên ngành của ông là văn học phương Tây, nhưng giờ đây, cùng với việc ngày càng đi sâu nghiên cứu văn học thế giới, ông đã để tâm hơn tới văn học các quốc gia láng giềng, trong đó văn học Việt là một trọng tâm.
Ông chia sẻ: "Tôi cho rằng, nếu Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, đặc biệt là Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan văn hóa, học thuật hợp sức làm việc này thì sẽ rất hiệu quả. Cá nhân tôi đặc biệt nhấn mạnh, người Trung Quốc không chỉ cần nhìn ra phương Tây, mà còn phải nhìn sang cả phương Đông, cốt lõi nhất là nhìn về phía Nam. Hiện tôi đang đề xướng một dự án mang tên "Toàn cầu hướng Nam" (Global South), nhấn mạnh sự trỗi dậy của các khu vực miền Nam và những ảnh hưởng to lớn đối với nền văn hóa thế giới. Đây chính là dự án lớn mà tôi sẽ thúc đẩy trong vòng 10 năm tới."
Là một học giả nổi tiếng về văn học thế giới, khi lần đầu tiên được mời tham dự Ngày Văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tổ chức tối nay (10/7) trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ông mong muốn không chỉ Truyện Kiều, mà nhiều tác phẩm văn học cổ khác của những tác gia nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, hay gần hơn là Phan Bội Châu, cũng như những tác phẩm văn học đương đại của Vũ Trọng Phụng, thơ Hữu Thỉnh, sẽ được giới thiệu ngày càng nhiều sang Trung Quốc như một sự kiện văn hóa, với những hình thức quảng bá đa chiều, đa phương tiện, có hệ thống, để phát huy sức mạnh mềm và chiều sâu văn hóa vốn có trong từng tác phẩm văn học Việt./.