Vi khuẩn Botulinum nguy hiểm thế nào?
Chuyên gia nói về mức độ nguy hiểm của vi khuẩn Botulinum gây ngộ độc trong món cá chép ủ.
Vi khuẩn Botulinum nguy hiểm thế nào?
Vụ việc 1 người tử vong và nhiều người nguy kịch do ngộ độc vi khuẩn Botulinum khi ăn cá chép ủ chua đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cá chép muối chua thường được ủ thính để lên men làm chín cá và ăn dần.
Trả lời Vietnamnet, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội, cho biết, khi chế biến không cẩn thận, cá là thực phẩm sống nên khả năng nhiễm vi khuẩn dễ dàng. Đặc biệt, con cá sống dưới nước đã dễ nhiễm khuẩn, khi chế biến không lưu ý, vi khuẩn Clostridium Botulinum xâm nhập gây độc.
Tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả đến thịt, hải sản, chế biến không đảm bảo và đóng kín trong hộp, can, lon, chai, hũ… môi trường bảo quản bên trong không đạt yêu cầu đều tạo điều kiện cho nha bào phát triển thành vi khuẩn sinh độc tố. Thực phẩm có nguồn gốc giàu protein như thịt, cá tỷ lệ nhiễm vi khuẩn nhiều hơn.
Vi khuẩn Clostridium Botulinum hoạt động không gây ra mùi thối khó chịu, biến đổi màu, bề mặt thực phẩm nhớt nên người tiêu dùng không nhận biết và yên tâm ăn. Nồng độ mạnh có thể gây chết người ngay lập tức.
PGS Thịnh khuyến cáo, với các sản phẩm làm tại gia đình, người dân cần bảo quản ở môi trường âm sâu, không nên để trong môi trường tự nhiên quá lâu. Độc tố Botulinum bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn đóng hộp cần nấu sôi hoặc hấp khoảng 10 phút trước khi ăn để đảm bảo an toàn.
Triệu chứng ngộ độc Botulinum
Triệu chứng ngộ độc Botulinum là nhìn đôi, nhìn mờ, sụp mi mắt, nói ngọng, nuốt khó, khô miệng và yếu cơ. Trẻ em bị ngộ độc Botulinum biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, táo bón, khóc yếu và trương lực cơ giảm. Nếu không điều trị, người bệnh có thể tiến triển dần yếu liệt tay chân và toàn thân.
Triệu chứng bệnh thường khởi phát từ 18 đến 36 giờ sau khi ăn uống thực phẩm nhiễm khuẩn, hoặc có thể xuất hiện sớm sau 6 giờ, hoặc muộn hơn sau 10 ngày.
Trường hợp nặng, cơ hô hấp bị tổn thương dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng nếu không được hỗ trợ hô hấp, thở máy. Những trường hợp ngộ độc Botulinum nặng cần điều trị hỗ trợ, đặc biệt là thở máy, có thể phải điều trị hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Phòng chống ngộ độc do Botulinum
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ngộ độc do độc tố Botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố Botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.
Độc tố Botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium Botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-khuan-botulinum-nguy-hiem-the-nao-ar749255.html