Vì lợi ích chung trên biển Đông
Vì nhiều lợi ích chung ở biển Đông về an ninh, kết nối, kinh tế thương mại, phát triển..., các bên liên quan cần thượng tôn pháp luật, đề cao các giá trị tự do, rộng mở, hợp tác nhiều mặt, minh bạch và cân bằng
Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 diễn ra tại TP Hà Nội từ ngày 6 đến 7-11 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực", các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế nhận định các nước còn nhiều cơ hội hợp tác trên biển Đông.
Thách thức mới: Chiến thuật "vùng xám"
Dù vậy, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại mâu thuẫn trên biển ngày càng có nguy cơ mở rộng tới các vùng địa cực; trở thành khu vực tranh giành ảnh hưởng của nhiều nước lớn. Trong đó, các đại biểu cho rằng chiến thuật "vùng xám" thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. Đây là hoạt động có chủ đích nhằm "lách luật" quốc tế.
Ông Sebastian Martin, chuyên gia Trung tâm Ngoại giao và An ninh hàng hải (Học viện Hàng hải Malaysia), cho biết chiến thuật "vùng xám" liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước, đặc biệt ở biển Đông từ năm 2006. Thông qua đó, Trung Quốc muốn che giấu ý định thực sự là giành quyền kiểm soát đối với cái gọi là lãnh thổ trên biển của họ và độc chiếm nguồn tài nguyên để thu về lợi ích kinh tế.
Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản - lo ngại việc Trung Quốc triển khai tàu tới các khu vực ở biển Đông và thực thi cái gọi là "Luật pháp Trung Quốc" tại những khu vực mà nước này có chủ quyền. Các nước trong khu vực cần có thái độ quyết liệt trước bất kỳ hành động vi phạm luật pháp quốc tế nào của Trung Quốc và cần hiểu rõ thông điệp ngầm của Trung Quốc thông qua chiến thuật "vùng xám" của họ.
Để hạn chế chiến thuật "vùng xám", một số ý kiến cho rằng cần có thêm quy định đối với các hoạt động trong "vùng xám", song cũng nhiều ý kiến cho rằng cần nhất là nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật pháp và nâng cao năng lực thực thi luật pháp của các nước bị ảnh hưởng.
TS Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng khoa học quốc tế (Mỹ), khuyến nghị các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, cần hợp tác chặt chẽ với nhau để có thể thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Biển Đông đang bị tàn phá
Về chủ đề bảo vệ môi trường và nguồn cá, các diễn giả nhận định biển Đông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, khai thác quá mức và quản lý yếu kém, môi trường thiên nhiên ngày càng bị tàn phá. Tất cả các nước, đặc biệt các nước tiếp giáp, có trách nhiệm hợp tác giải quyết các thách thức này vì ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn cá tác động đến hệ sinh thái biển, sinh kế của người dân ven biển và kinh tế của các nước. Nhiều biện pháp được đề xuất để bảo vệ môi trường và nguồn cá, trong đó có hoạt động hợp tác thu thập dữ liệu khoa học về biển và phối hợp chính sách quản lý nghề cá... Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc thiếu thiện chí trong tuân thủ pháp luật quốc tế, né tránh giải quyết tranh chấp một cách triệt để sẽ làm suy giảm lòng tin, hạn chế sự hợp tác của các bên liên quan.
PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, thông tin qua ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, có thể chứng kiến những hành động của các bên có tuyên bố chủ quyền với các bên liên quan, các quốc gia và khu vực khác như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, tất cả quốc gia có tuyên bố chủ quyền và các bên liên quan đều mong mình sẽ là một phần của giải pháp thay vì là một phần của vấn đề.
Các đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh mới, vì nhiều lợi ích chung ở biển Đông về an ninh, kết nối, kinh tế thương mại, phát triển..., các bên liên quan cần thượng tôn pháp luật, đề cao giá trị tự do, rộng mở, không loại trừ ai, kết nối và hợp tác nhiều mặt, minh bạch và cân bằng. Hợp tác khu vực cần được thúc đẩy qua các kênh song phương, đa phương, đặc biệt là các cơ chế của ASEAN. Vai trò của các quốc gia tầm trung rất được quan tâm, kể cả các đóng góp của các quốc gia ngoài khu vực như EU.
Cần giữ vững quan điểm trong đàm phán COC
Đánh giá về triển vọng tiến trình đàm phám Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN, GS John Rennie Short, Đại học Maryland (Mỹ), nhận định: Việc phê chuẩn COC là khó khăn. Nhằm giải quyết được những vướng mắc trong đàm phán COC, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa vị trí của mình trên trường quốc tế; đồng thời tiếp tục giữ vững quan điểm, lập trường nhất quán về việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Giao - Trọng tài viên, Trường Luật thuộc Đại học Tổng hợp Boston (Mỹ) - khẳng định quá trình đàm phán COC cần quyết tâm chính trị của tất cả các quốc gia ASEAN, kể cả thiện chí từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, để thể hiện sự thiện chí trong vấn đề này, Trung Quốc cần thể hiện sự tôn trọng pháp luật quốc tế, luật biển quốc tế.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/vi-loi-ich-chung-tren-bien-dong-20191108230706843.htm