Vì mẹ là để thương
Năm 20 tuổi, có người hỏi tôi: Cậu hay viết blog, sao không viết về mẹ? Tôi cười: Mình không giỏi viết văn.
Bạn im lặng. Thấy chưa đủ thuyết phục, tôi ngập ngừng giải thích: Nhớ không? Hồi ấy, mình đã từng cho Thị Nở làm vợ anh Tràng, còn bảo bà cụ Tứ khuấy cám cho Thị Nở ăn. Bạn không cười, mà nhìn thẳng vào mắt tôi: Viết về mẹ, cũng cần phải giỏi văn sao? Tôi tránh ánh mắt của bạn: Ừ! Tại mình bận.
Tôi không biết mình bận những gì, mà mãi đến tận mười năm sau, khi mẹ đang bước thấp bước cao về phía cuối cuộc đời, tôi vẫn chưa một lần đặt bút viết hai chữ “mẹ ơi”, cũng chưa từng nói thương mẹ. Giật mình tự hỏi: Lỡ một ngày mẹ đột ngột rời xa, biết còn cơ hội nào cho tôi được nói thương mẹ?
Ảnh minh họa
Những câu chuyện đời mẹ sẽ chẳng bao giờ kể hết, nhưng những trang đời đau thương mà không hề bi lụy ấy, nhất định sẽ ánh lên niềm tin về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Tuổi thơ tôi là hình ảnh mẹ tảo tần mưa nắng bán bưng, là dáng mẹ còng lưng trên chiếc xe đạp cà tàng, là mẹ với nỗi đau câm lặng vì không thể lo cho các con đủ đầy. Tuổi thơ tôi là bàn tay mẹ nứt nẻ chai sần, là đôi mắt mẹ thâm quầng vì nhiều đêm thiếu ngủ để chuẩn bị hàng đi bán, là năm tháng mẹ xoay vần với những món nợ không tên.
Đời người con gái có mười hai bến nước, cái bến mẹ sa chân vào có lẽ là bến đục nhất. Một mình bươn chải mưu sinh giữa dòng đời tất bật, một mình dưỡng nuôi từng đứa con trưởng thành, vui khi con cười, dỗ dành khi con khóc. Tuổi nhỏ thơ ngây chưa kịp hiểu đời mẹ nhọc nhằn, tôi nghĩ rằng sự có mặt của mẹ trong cuộc đời này là lẽ đương nhiên. Mẹ thì phải thương con, mẹ thì phải lo lắng cho con, vậy thôi. Tôi đâu biết đằng sau sự thành công của các con là từng giọt mồ hôi mẹ rơi, đâu biết sau những lầm lỗi của các con là nỗi niềm đắng lòng của mẹ.
Khi trưởng thành, trải qua nhiều biến cố, tôi thu mình lại, đau một mình, khóc một mình. Mẹ bước đến, tôi lùi lại. Mẹ dang tay ra, tôi chạy vụt đi. Thay vì nghĩ những nỗi đau ấy là nghiệp dĩ riêng mình, tôi đổ lỗi cho mẹ. Sống cùng một mái nhà, ở chung một phòng, nhưng tôi và mẹ như hai đường thẳng song song không có điểm chung. Mà mẹ của tôi, nào có lỗi gì?
Ngày ấy, vì công việc, vì những niềm riêng, tôi vẫn thường không ngủ, nếu có thì rất trễ. Một đêm, nghe tiếng thở nhọc nhằn, tôi đến bên giường mẹ. Mẹ của tôi đây sao? Tóc mẹ bạc nhiều, da dẻ nhăn nheo, những móng tay vàng ố, quần ống cao ống thấp, đến cả lúc ngủ, đời mẹ dường như cũng chẳng bớt nhọc nhằn. Tôi nhìn lại mình, tóc nhuộm vàng hoe, móng tay điệu đà, quần áo thời thượng. Mắt tôi nhòe đi, lòng tràn đầy ân hận. Hơn 20 năm, mẹ đánh đổi tất cả để dưỡng nuôi tôi nên người. Hơn 20 tuổi, tôi đáp đền ân sinh thành dưỡng dục của mẹ bằng chính sự nông nổi bồng bột của mình. Sai lầm này, tôi phải làm sao để sửa chữa?
Tôi quỳ trước bàn Phật, ngưỡng vọng về Thế Tôn, cầu xin Ngài chỉ dạy cho tôi một con đường. Ngước lên di ảnh anh trai, tôi bật khóc. Ngày anh mất, tôi ngồi niệm Phật hàng giờ bên tai anh, thì thầm rất khẽ: “Mọi thứ còn lại, mấy anh chị em sẽ lo chu toàn. Anh yên tâm nha!”. Nhưng tôi đã làm gì cho mẹ, đã làm gì với gia đình thế này? Một suy nghĩ nhen nhúm trong đầu, lần đầu tiên tôi cân đo đong đếm giữa sự nghiệp, tình bạn, tình yêu và gia đình. Cuối cùng, tôi chọn mẹ. Bởi chọn mẹ, tôi chọn con đường xuất gia.
Xuất gia vì mẹ, nhưng cũng vì xuất gia mà xa mẹ. Về xứ Đồng Nai nắng cháy da người, tôi lạ lẫm với nếp sống thiền môn, lạc lõng trong những điều mới mẻ. Tính cách yếu đuối khiến tôi không kham nổi sự thay đổi đột ngột. Sau một tuần tập sự, tôi gọi điện về cho mẹ, không nói gì, chỉ có tiếng nấc. Mẹ nhận ra giọng tôi, chậm rãi: “Là con chọn mà, mẹ đâu có ép con”. Lời mẹ nói đã vực tôi dậy. Dù đôi khi vẫn còn loay hoay giữa bộn bề não phiền, nhưng tôi quyết không bao giờ quay lưng với con đường mình đã chọn. Té thì đứng dậy, buồn rồi vui, khóc cho thật đã rồi lau nước mắt bước tiếp. Bởi vì con đường này đâu chỉ của riêng tôi, mà còn có hạnh phúc và niềm tin của mẹ.
Thật may mắn! Nửa năm sau, mẹ cũng xuất gia. Nghĩ rằng những lo toan trong tôi từ ấy sẽ không còn nữa, mỗi tháng một lần gọi điện về thăm mẹ, hai mẹ con cùng nhắc nhở nhau tu hành. Nhưng rồi... mẹ bệnh! Tôi thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ đánh đổi cả cuộc đời cho các con gầy dựng những chân trời mới với những năm tháng bình yên bên những người xa lạ. Còn năm tháng của mẹ là những thăng trầm vất vả, đến khi được hưởng thanh nhàn thì cuộc đời không biết còn được bao nhiêu năm nữa...
Tôi thường xuyên về thăm mẹ. Đoạn đường hơn 200 cây số, ngồi trên xe hơn 5 tiếng đồng hồ chẳng nhọc nhằn là bao, nhưng mỗi lần về đến thiền viện, lòng tôi nặng trĩu. Tôi muốn ở gần bên chăm sóc mẹ, nhưng tôi cũng muốn bảo vệ đời tu của mình, nên lúc nào cũng ưu tư suy nghĩ. Hiểu được hoàn cảnh của tôi, Thầy trụ trì gợi ý cho tôi được đưa mẹ về thiền viện, cùng tu học với đại chúng. Tôi càng băn khoăn hơn, vì khi ấy tôi chưa thọ Đại giới, chưa có công đức gì. Nhưng Thầy đã gạt bỏ mặc cảm trong tôi, cho tôi một giải pháp, mà tôi không biết phải dập đầu trước Thầy bao nhiêu lần mới có thể nói lên được lòng biết ơn vô hạn của mình.
Sống trong đại chúng, mẹ tôi khỏe ra nhiều. Tuy đã lớn tuổi, nhưng bà không bao giờ bỏ thời khóa. Hai giờ sáng, bà dậy nhóm lửa sớm giúp Ban trị nhật, rồi lên chánh điện phụ Ban hương đăng quét dọn để chuẩn bị tọa thiền. Xong việc, bà quỳ trên bậc tam cấp trước Chánh điện, hướng về đài Bồ-tát lễ lạy, rồi vào trong lễ Phật. Nhìn mẹ tất tả làm việc, tôi vô tâm không biết căn bệnh ung thư đang hiện hữu trong thân mẹ. Nhìn mẹ vui cười với huynh đệ, tôi vô tâm không biết tối qua mẹ đau đớn ngủ không được.
Dường như biết trước bệnh tình, mẹ thường tránh xa tôi bằng những lời nói gắt gỏng, những cái quay lưng đi không nhìn lại. Đến khi cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm của mẹ trên tay, bệnh ung thư giai đoạn ba, tôi mới hiểu căn nguyên mọi chuyện. Mẹ không cho tôi báo với các anh chị. Mẹ nói: “Nhà mình nghèo, tụi nó phải đi vay mượn rồi mắc nợ, mà nợ thì khổ lắm”. Thương thay nỗi lòng đấng sinh thành. Con cái bất luận lớn đến đâu thì trong mắt bố mẹ vẫn mãi là đứa trẻ, chẳng bao giờ dứt được nỗi lo lắng. Trước giây phút đứng giữa đôi bờ sanh tử, sâu thẳm trong trái tim người mẹ vẫn là các con, không muốn con đau lòng, không muốn con vì mình mà khổ sở.
Trước ngày phẫu thuật, tôi mới báo cho gia đình. Anh chị tôi giả lả cười nói, nhưng đôi mắt đỏ hoe. Tôi dặn lòng mình không được khóc, vì nếu bây giờ tôi ngã quỵ, ai sẽ cùng mẹ vượt qua bước ngoặt này? Vậy mà khi mẹ tỉnh lại trong phòng hồi sức, bác sĩ chỉ cho phép một thân nhân vào thăm, tôi rớt nước mắt lặng người nhìn mẹ nằm trên chiếc giường trắng toát. Không đợi tôi nói lời nào, mẹ đã hỏi: “Ăn cơm chưa? Nói mấy cô đi ăn cơm, Giới khỏe rồi. Không sao đâu, đừng lo quá!”. Câu nói nửa tỉnh nửa mê ấy khiến lòng tôi đau nhói.
Phẫu thuật thành công không có nghĩa là hết bệnh. Mẹ còn phải trải qua phác đồ điều trị kéo dài ba tháng với 25 lần xạ trị và 5 đợt hóa trị. Ba tháng với những đau đớn thấu tâm can, những đêm dài mất ngủ, những bữa cơm không ngon miệng... Không ai có thể biết được sau ba tháng ấy, sức khỏe của mẹ sẽ như thế nào. Nhưng dù đau đớn cách mấy, cũng không thể dừng lại, bởi chỉ có bước tiếp mới có cơ hội nhìn thấy ánh sáng phía cuối con đường.
Sau khoảng thời gian đó, mẹ yếu đi nhiều. Trở về thiền viện tu học cùng đại chúng, không còn đôi chân thoăn thoắt đi ghim lá, không còn đôi tay nhanh nhẹn lặt rau, bằm ớt, bằm sả mà là những bước chân rất nhọc nhằn, chậm chạp. Biết mình không còn đủ sức để theo chúng làm việc, mẹ xin phép quý thầy được đi thỉnh chuông mỗi chiều. Mẹ còn tập chép các bộ kinh Pháp hoa, kinh Phương quảng, Sáu cửa vào động Thiếu Thất, Từ bi thủy sám... chuyên tâm nhất ý, nắn nót từng chữ. Những tưởng cuộc đời mẹ sẽ trôi qua yên bình nhẹ nhàng như thế, nhưng một lần nữa, mẹ phải chịu đựng di chứng của xạ trị, đó là hoại tử xương.
Bây giờ, những tháng ngày cuối đời của mẹ gom lại trong những cơn đau triền miên, trong những đêm dài không ngủ được. Những sinh hoạt cá nhân cũng trở nên vụng về, mỗi mỗi đều cần có tôi bên cạnh. Nhưng chỉ cần đỡ đau một chút, mẹ liền ngồi dậy sám hối, chép kinh. Vẫn cười rất tươi mỗi khi các huynh đệ hỏi thăm: Giới ổn mà! Nhìn mẹ chăm chú bên từng trang kinh, nhìn mẹ và bà cô Tín Đạt cùng ngồi trên ghế tụng sám hối, nước mắt tôi chảy ngược vào trong, không biết mình còn được nhìn thấy những hình ảnh này bao lâu nữa. Thời gian còn lại của mẹ là một năm, một tháng, một ngày, một giờ, hay chỉ trong một phút một giây?
Dẫu biết rằng mạng người chỉ trong hơi thở, thở ra không hít vào là hết một đời. Dẫu biết rằng vô thường tấn tốc, ai rồi cũng phải thuận theo quy luật của vô thường. Dẫu biết rằng không ai níu nổi được thời gian, nhưng sao vẫn xót xa mỗi khi mẹ đau đớn, vẫn nhói lòng mỗi khi mẹ gượng cười cho qua cơn đau, vẫn sợ vô thường đến mang mẹ đi, sợ mình phải chịu kiếp mồ côi. Có lẽ… vì con là con của mẹ, và vì mẹ là mẹ của con.
Ảnh minh họa của Trần Thế Phong
Chiều nay, lật lại mấy trang giấy đang viết dở, bỗng giật mình trước mấy câu thơ của Đỗ Trung Quân:
Con sẽ không đợi một ngày kia
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.
Kính lạy mẹ!
Con nhận ra đối với những người con, hạnh phúc nhất không phải là sống một đời thanh nhàn, không phải là danh vọng địa vị trong tầm tay, mà hạnh phúc nhất là khi có mẹ và còn mẹ…!!!
Con biết mình không níu nổi được thời gian trong cuộc hành trình rất ngắn này, nhưng vẫn nguyện mẹ bớt chút đau đớn nhọc nhằn, sống an vui trong Chánh pháp cho đến ngày theo Phật. Để con được nắm lấy đôi bàn tay mẹ, tựa như năm đó mẹ đã từng nắm lấy tay con. Để con được đền đáp chút ơn nghĩa sinh thành, dẫu chỉ là một tách trà nóng, một bữa cơm ngon. Để con được một lần thành tâm hướng về mẹ, sám hối những lần đã làm lòng mẹ se thắt, làm tim mẹ quặn đau. Để con một lần được nói thương mẹ, không phải bằng lời, mà bằng chính công phu tu hành của con dâng lên cúng dường mẹ.
Kính nguyện mẹ sống lâu nơi đời, an vui trong Chánh pháp, để con được cùng mẹ vui sống tu hành. Mẹ con mình đồng nguyện cùng tu cùng tiến cho đến ngày viên thành Phật đạo, nha mẹ!
An Lộc (Trí Đức Ni)/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2020/09/12/3b42d3/