Vì món nợ 50 đồng, ông lão 43 năm tặng áo quan, mai táng miễn phí người quá cố

Vì món nợ 50 đồng, suốt 43 năm qua, ông Oanh miệt mài với công việc tặng áo quan, làm đám tang miễn phí cho người quá cố nghèo khổ, không nơi nương tựa.

Ông Bùi Văn Oanh

Ông Bùi Văn Oanh

Món nợ đặc biệt

Trời trưa nóng bức, ông Bùi Văn Oanh (SN 1948, quận 4, TP.HCM) ngồi buồn cùng 2 con chó trong căn phòng trọ chất đầy áo quan. Ông chia những cỗ áo quan thành từng loại khác nhau.

Phía sau điện thờ Phật, ông đặt áo quan dành cho người đã khuất theo đạo Phật, Công giáo. Phần còn lại, có kích thước nhỏ hơn là những chiếc quan tài dành trẻ em, thai nhi vắn số.

Tất cả những cỗ áo quan này đều được ông chuẩn bị để tặng miễn phí cho người mất có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ. Ông Oanh bắt đầu công việc kỳ lạ này từ những năm 1977, 1978 và theo đuổi nó đến tận bây giờ.

Những năm tháng còn trẻ, ông Oanh sinh sống trong căn nhà lá nát bươm bên cạnh miếu Bà Cố (phường 16, quận 4, TP.HCM). Thời gian này, gia đình ông nghèo khó đến cùng cực. Nghèo đến nỗi ngày cha ông mất, nhà không có nổi chiếc giường làm nơi đặt thi thể người quá cố.

Không thể để thi thể cha dưới nền đất, ông dỡ cánh cửa, đặt lên 4 viên gạch làm nơi cho cha nằm. Cha mất đã 2 ngày, ông Oanh vẫn chưa chạy đủ tiền mua chiếc áo quan để tẩm liệm.

Ông Oanh chia sẻ: “Tôi còn nhớ mãi, lúc đó dù đã gom hết tài sản trong nhà và cả tiền phúng điếu, tôi chỉ có 150 đồng. Trong khi đó, chiếc áo quan có giá 200 đồng. Xin mãi, người ta mới cho tôi thiếu 50 đồng còn lại.

Tôi sợ cha chết rồi mà vẫn mắc nợ nên cố gắng làm lụng để trả số tiền 50 đồng còn thiếu. Ngày đó, tôi chạy xe ba gác. Ai kêu gì tôi cũng chở. Tôi chở mà không cần hỏi giá vì miễn có chạy là có tiền. Sau 3 năm vất vả, tôi mới trả được món nợ 50 đồng”.

Áo quan dành cho người lớn và trẻ em (bên phải) được ông Oanh cất giữ riêng biệt

Áo quan dành cho người lớn và trẻ em (bên phải) được ông Oanh cất giữ riêng biệt

Trong lúc chạy xe ba gác mưu sinh, ông tranh thủ nhặt ve chai kiếm thêm. Một lần, khi đang ngồi nhặt ve chai trước cổng bệnh viện, ông nhìn thấy cảnh người ta đưa thi thể bệnh nhi tử vong ra ngoài.

Bất chợt hình ảnh cha mình nằm đó, không có áo quan ngày nào hiện về khiến ông xót xa, đau đớn. Trong nỗi xót xa, ông ngồi thụp xuống, chấp tay khấn nguyện: “Nếu sau này cuộc sống khá hơn, tôi sẽ chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, khổ cực như mình ngày trước”.

Nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo đẳng ông. Rồi ông nhận ra, nếu cứ đợi đến lúc khá hơn mới giúp người thì sẽ không biết phải chờ đến bao giờ.

Cuối cùng, ông quyết định sẽ hỗ trợ áo quan, làm lễ tang, mai táng miễn phí cho người quá cố có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ. Để thực hiện ý định trên, ông quyết tâm tự học các nghi thức phải có trong tang lễ.

Ông đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa để học lỏm cách hạ huyệt. Mỗi ngày, trong lúc chạy xe ba gác, hễ thấy đám tang, ông dừng lại, ghé vào xem người ta khâm liệm, cúng, thực hiện các nghi thức.

Tối về nhà, ông dùng đôi đũa ăn cơm để tập lễ bái quan, di quan… Những năm đó, thấy ông đêm đêm cầm đũa đứng lên quỳ xuống, huơ tay huơ chân giữa nhà lá, người xung quanh nói ông nghèo quá hóa điên.

Ông Oanh trong một lần đưa áo quan, làm lễ tang miễn phí cho người quá cố nghèo khổ. Ảnh chụp lại

Ông Oanh trong một lần đưa áo quan, làm lễ tang miễn phí cho người quá cố nghèo khổ. Ảnh chụp lại

Dẫu vậy, ông chỉ cười trừ, không giải thích. Sau 5 năm học lỏm, ông thành thạo các nghi thức cần có trong lễ tang. Mỗi tháng, ngoài việc nuôi vợ con, ông bí mật trích ra một số tiền nhỏ để mua một quần áo đạo tỳ.

Chuẩn bị xong mọi thứ cần thiết, ông mới chia sẻ tâm nguyện thành lập nhóm mai táng từ thiện với những người quen biết. Sau đó, ông vận động, mời gọi người cùng tâm huyết chung tay hiện thực hóa ước nguyện của mình.

Ông kể: “Khi biết tâm nguyện của tôi, anh em đều rất quý. Nhiều người ở thuê, chạy xe ôm, xích lô kiếm ăn ngày 3 bữa nhưng cũng quyết định chung sức với tôi.

Từ đó, nhóm mai táng phước thiện ra đời. Sau khi thành lập, mỗi cuối tuần, tôi đưa cả nhóm ra công viên để dạy cho họ cách thức làm lễ bái quan, di quan.

Sau 1 năm, các thành viên nắm vững các nghi thức của tang lễ, chúng tôi bắt đầu thực hiện việc tặng áo quan, mai táng miễn phí cho người nghèo. Tết sắp tới đây là tròn 44 năm chúng tôi làm công việc thiện nguyện này”.

Hơn 43 năm chịu tổn thương

Những ngày đầu, ông Oanh và những thành viên trong nhóm trích tiền túi ra mua áo quan. Dù là áo quan dành cho người lớn, trẻ nhỏ hay thai nhi, ông đều sơn phết, trang trí thật đẹp.

Sau đó, mỗi khi nghe có người khó khăn, nghèo khổ qua đời, ông Oanh lại tự nguyện đến tặng áo quan. Ông cũng thực hiện đầy đủ, đúng quy cách cần có của một đám tang cho họ.

Ông tâm niệm, người mất đã nghèo khổ cả đời thì khi chết đi phải được chăm lo chu đáo. Thế nên, khi đến hỗ trợ gia đình có người mất, ông đều cố gắng chu toàn mọi thứ, thực hiện đầy đủ các nghi thức như một tang lễ được trả tiền.

Dành hết tâm sức cho công việc thiện nguyện, ông Oanh cảm thấy có lỗi với người vợ và cô con gái đã khuất của mình

Dành hết tâm sức cho công việc thiện nguyện, ông Oanh cảm thấy có lỗi với người vợ và cô con gái đã khuất của mình

Sau này, việc hỗ trợ áo quan, mai táng miễn phí cho người đã khuất có hoàn cảnh khó khăn của ông Oanh không bó hẹp trong phạm vi TP.HCM nữa. Ông tặng áo quan, đưa nhiều người đã khuất tại TP.HCM về quê hương, đoàn tụ với gia đình của họ.

Tiếng lành đồn xa, sau này, nhiều người biết đến công việc thiện nguyện thầm lặng của ông. Họ giới thiệu, chia sẻ cho nhau những câu chuyện về ông. Khi phát hiện có người mất nhưng không đủ tiền mua áo quan, mai táng, đưa thi thể về quê, thậm chí không có nhân thân, họ đều nhờ ông giúp đỡ.

Trong cuộc trò chuyện của mình, ông Oanh nhắc đi nhắc lại câu: "Thà thiếu ăn chứ không thể để thiếu áo quan". Tâm nguyện ấy đeo đẳng ông suốt gần 44 năm qua và khiến ông chịu nhiều tổn thương sâu sắc.

Nhìn lên di ảnh của vợ và người con quá cố, mắt ông rơm rớm lệ rơi. Ông nói rằng, vì muốn toàn tâm toàn ý lo cho công việc thiện nguyện của mình, bản thân đã không làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha.

Suốt chừng ấy năm, ông không sống cùng gia đình. Việc chăm lo, nuôi dạy con ông gần như phó thác cho vợ. Mãi cho đến khi bà khuất bóng, đứng trước di ảnh, ông mới nói được câu xin lỗi và mong bà thấu hiểu, thông cảm cho mình.

Suốt nhiều năm qua, ông Oanh ao ước có được một nơi ổn định để cất giữ áo quan từ thiện

Suốt nhiều năm qua, ông Oanh ao ước có được một nơi ổn định để cất giữ áo quan từ thiện

Ngoài xã hội, dẫu một lòng giúp đời, ông cũng không ít lần hứng chịu những tổn thương không thể giãi bày cùng ai. Đó là những lần ông đến mua nợ áo quan, chậm thanh toán số tiền còn thiếu.

Những lần như thế, ông thường bị chủ nợ khinh thường, thậm chí nhục mạ. Ông kể: “Họ chửi tôi ngu dốt, già rồi không biết lo thân mà thích đi làm chuyện bao đồng, thích nổi tiếng.

Nhiều lúc bị chửi, tôi cũng rơi nước mắt. Nhưng rồi tôi lại cười cho qua để có quan tài đem về lo cho người đã mất. Tôi nghĩ rằng, mình chịu đau mà giúp được xã hội thì dẫu có đau thêm một chút cũng chẳng sao”.

Hiện nay, dù đã ngoài 70, ông Oanh vẫn tất tả cùng những chuyến thiện nguyện đặc biệt của mình tại các tỉnh thành trên cả nước. Sau những lần đưa người đã khuất về quê, tổ chức đám tang kéo dài, ông đều cảm thấy cơ thể mệt mỏi.

Thế nhưng, ông chưa bao giờ có ý định sẽ dừng công việc thiện nguyện của mình. Bởi với ông, một khi ai đó đã nhờ đến mình thì người đó đã không còn sự lựa chọn nào tốt hơn nữa. Vì vậy, ông không cho phép mình ngừng nghỉ.

Ông tâm sự: “Suốt hơn 40 năm nay, tôi chỉ có một mong ước duy nhất là có ai đó đồng hành, giúp tôi có một nơi làm chỗ chứa áo quan để có thể tiếp tục giúp người mất nghèo khổ. Được như vậy, tôi không còn gì hối tiếc trong cuộc đời này nữa”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-mon-no-50-dong-ong-lao-43-nam-tang-ao-quan-mai-tang-mien-phi-nguoi-qua-co-2229335.html