Vì một môi trường giáo dục công bằng, chất lượng

Năm học 2020-2021 bắt đầu, hành trang các em học sinh, sinh viên mang theo không chỉ là ước mơ, hoài bão của bản thân mà còn là niềm tin, kỳ vọng của gia đình, người thân, thầy cô, quê hương, đất nước...

GS, TS PHẠM TẤT DONG, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:

Khắc phục tồn tại để nâng cao chất lượng giáo dục

Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, sự nghiệp GD&ĐT nước ta đã có những chuyển biến căn bản, chất lượng, hiệu quả, được các tổ chức giáo dục thế giới ghi nhận. Dịch Covid-19 xảy ra nhưng chúng ta đã ứng phó tốt, bảo đảm việc dạy, học, thi cử nghiêm túc, có chất lượng.

Tuy nhiên, thực tế còn những tồn tại. Chẳng hạn, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, môn Lịch sử có gần 47% bài thi điểm dưới trung bình; điểm thi môn Tiếng Anh lại tiếp tục thấp nhất trong số các môn thi. Điều đó cho thấy chúng ta có vấn đề trong tổ chức dạy-học. Tôi cho rằng, ở bậc tiểu học, cần giảm tải và chú trọng hơn về rèn luyện đạo đức, thể chất, tác phong, làm nền tảng cho các em ở bậc học tiếp theo. Ở bậc đại học, việc tự chủ đại học là cần thiết nhưng chúng ta cần có chiến lược rõ ràng, bài bản hơn. Tôi cũng ủng hộ việc xây dựng chương trình cho các phương thức giáo dục từ xa và cung cấp dịch vụ để mọi người cùng có thể tham gia linh hoạt, khuyến khích được việc học tập suốt đời.

Để sự nghiệp giáo dục ngày càng đạt nhiều thành tựu, tôi nghĩ chúng ta cũng cần học hỏi các nước có nền giáo dục phát triển với các cách làm, như: Đầu tư vào công nghệ, chất lượng giáo viên; thực hành nhiều hơn để có thể ứng dụng vào cuộc sống; tạo sự tự do, công bằng trong giáo dục...

HÀ PHƯƠNG (ghi)

 Buổi học của học sinh Trường Tiểu học Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội).

Buổi học của học sinh Trường Tiểu học Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội).

Ông ĐÀM KHÁNH VÂN, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Khánh Vân (Hà Nội):

Tạo môi trường giáo dục công bằng

Mỗi khối học của trường THCS hoặc THPT công lập hiện nay thường xây dựng khoảng 2-3 lớp chọn, mục đích là để phân loại học sinh ngay từ đầu, tập trung các em có lực học ở tốp đầu vào lớp chọn, từ đó giúp giáo viên có phương pháp dạy phù hợp; đồng thời, học sinh trong lớp không bị vênh về trình độ, có thể tiếp thu được đồng đều. Thường thì việc chọn học sinh vào lớp chọn sẽ thông qua việc xét học bạ (cấp THCS) hoặc điểm thi đầu vào (cấp THPT). Thế nhưng hiện nay, điều này không hẳn đúng. Thực tế có một cuộc "chạy đua ngầm" giữa các phụ huynh để xin cho con vào lớp chọn khi bắt đầu cấp học. Bởi ai cũng hiểu là lớp chọn, nhà trường sẽ cử giáo viên tốt nhất và có nhiều ưu tiên, quan tâm khác từ phía nhà trường. Vậy là các mối quan hệ được huy động để hiện thực hóa ước mơ của các bậc phụ huynh. Điều này dẫn đến thực tế tuy là lớp chọn nhưng không ít học sinh có học lực bình thường, còn ở lớp thường lại có nhiều em học lực tốt.

Trẻ em vốn chưa đủ hiểu và không có khả năng đòi hỏi lợi ích về giáo dục cho mình. Để loại bỏ tiêu cực và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, ngoài những chính sách cụ thể của Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh là con em liệt sĩ, thương binh, trẻ tàn tật, mồ côi, học sinh dân tộc thiểu số... thì cũng cần một sự công bằng, công tâm từ chính những người quản lý ở mỗi địa phương, cơ sở giáo dục. Chính họ phải bảo đảm công bằng cho các em và không để bị chi phối bởi tiêu cực hay những mối quan hệ của người lớn.

HOÀNG PHONG (ghi)

------------------

Bà TRỊNH THỊ HƯƠNG, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội:

Tin tưởng nỗ lực của ngành giáo dục

Khác với mọi năm, bước vào năm học 2020-2021, cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh đều có nhiều lo lắng khi dịch Covid-19 vẫn đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trên cả nước. Trước đó, tại học kỳ 2 của năm học 2019-2020, trường của con trai tôi đã chuyển sang học online để bảo đảm an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh mà vẫn theo kịp với chương trình, thời gian ngành giáo dục quy định. Việc học online là giải pháp tình thế tối ưu trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều mà tôi cũng như nhiều phụ huynh lo lắng là việc học online trong thời gian qua còn mới mẻ, học sinh và phụ huynh chưa kịp làm quen nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới chất lượng học tập. Năm học mới này, mặc dù lo lắng nhưng được trường chủ động thông báo về công tác phòng dịch, giữ gìn vệ sinh trường lớp, đo thân nhiệt cẩn thận ngay từ cổng trường... nên tôi cũng khá yên tâm. Tôi tin trong năm học mới này, ngành giáo dục và các thầy giáo, cô giáo sẽ nỗ lực tạo cho các con môi trường học tập an toàn, chất lượng.

BẠCH DƯƠNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/vi-mot-moi-truong-giao-duc-cong-bang-chat-luong-633963